Chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị tại các trường chính trị tỉnh, thành phố là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nhiều trường còn thiếu hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại; kỹ năng số của giảng viên và học viên chưa đồng đều, hạn chế thiết kế bài giảng tương tác; mô hình đào tạo truyền thống chủ yếu trực tiếp, chưa tận dụng linh hoạt hình thức trực tuyến. Do đó, cần tiếp tục quan tâm đầu tư hiện đại hóa hạ tầng và kho tài nguyên số cấp tỉnh; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ giảng viên; áp dụng mô hình blended learning kết hợp giảng trực tiếp và trực tuyến, gắn phương pháp phản biện, thảo luận; đồng thời hoàn thiện cơ chế khuyến khích đổi mới công nghệ, bảo đảm chuyển đổi số thực chất và bền vững.

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị tỉnh, thành phố hiện nay
Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị tỉnh, thành phố hiện nay
Trường Chính trị tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ thực hiện phần thi giảng viên dạy giỏi cấp trường năm 2025_Ảnh: baophutho.vn

1. Mở đầu

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố, việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy lý luận chính trị (LLCT) là yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Chuyển đổi số trong giảng dạy LLCT giúp hiện đại hóa phương pháp truyền đạt kiến thức, mở rộng khả năng tiếp cận học tập của học viên, tăng cường sự tương tác, tư duy sáng tạo và phản biện. Các nền tảng trực tuyến, hệ thống quản lý học tập, công nghệ số có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình cập nhật tri thức, phân tích dữ liệu, dự báo xu thế chính trị - xã hội, qua đó hình thành thế hệ cán bộ lãnh đạo có tư duy hiện đại, năng động và thích ứng linh hoạt với yêu cầu phát triển mới.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong giảng dạy LLCT tại các trường chính trị còn nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, năng lực số của giảng viên đòi hỏi có những giải pháp đồng bộ.

2. Nội dung

2.1. Quan điểm, chủ trương và chính sách về chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị

Chuyển đổi số trong trường chính trị là quá trình ứng dụng công nghệ số, bao gồm các nền tảng số, công cụ số và tài nguyên số, nhằm đổi mới toàn diện nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động dạy học, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng tương tác của quá trình dạy - học. Quá trình này hướng đến xây dựng môi trường giảng dạy hiện đại, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo, tư duy phản biện của học viên, đồng thời đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ trong bối cảnh phát triển kinh tế số, xã hội số hiện nay.

Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn mở rộng khả năng tiếp cận của học viên, tạo ra một môi trường học tập tương tác và linh hoạt. Các công cụ như hệ thống quản lý học tập (LMS), video trực tuyến và hội thảo web giúp giảng viên dễ dàng chia sẻ tài liệu, tương tác trực tiếp và theo dõi tiến trình học tập của sinh viên. Nhờ đó, các chương trình đào tạo được cập nhật liên tục những kiến thức mới, bảo đảm nội dung luôn sát với thực tiễn.

Chuyển đổi số còn khuyến khích tư duy sáng tạo của học viên thông qua việc áp dụng các phương pháp học tập hiện đại. Qua đó, học viên không chỉ nắm bắt kiến thức lý thuyết mà còn phát triển khả năng tư duy phản biện, sáng tạo và ra quyết định một cách độc lập. Sự gia tăng khả năng tương tác và hợp tác giữa học viên và giảng viên thông qua các nền tảng trực tuyến cũng giúp tạo nên một không gian trao đổi thông tin hiệu quả.

Chuyển đổi số còn góp phần bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong giảng dạy thông qua việc giám sát và đánh giá quá trình học tập một cách liên tục và công khai. Điều này tạo điều kiện cho việc điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo kịp thời, phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh tế - xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước.

Trong giảng dạy lý luận chính trị, chuyển đổi số là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến không chỉ giúp giảng viên truyền đạt kiến thức một cách linh hoạt, sáng tạo mà còn tạo ra môi trường học tập tương tác, khuyến khích học viên chủ động trao đổi và phản biện. Các công cụ như hệ thống quản lý học tập (LMS), hội thảo trực tuyến và video giảng dạy cho phép cập nhật nội dung nhanh chóng, từ đó học viên nắm bắt kịp thời các kiến thức tiên tiến. Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp thu thập, phân tích và đánh giá tiến trình học tập một cách minh bạch, hỗ trợ việc điều chỉnh chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn. Qua đó, cán bộ sau đào tạo không chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết vững chắc mà còn có khả năng áp dụng chúng vào công tác lãnh đạo, quản lý, giải quyết các vấn đề phức tạp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, chuyển đổi số góp phần hình thành đội ngũ lãnh đạo hiện đại, năng động, có tư duy sáng tạo và tư duy phản biện, đáp ứng tốt yêu cầu của thời đại mới.

Thứ nhất, chuyển đổi số để tích hợp, tìm kiếm thông tin, góp phần bổ sung phát triển sáng tạo lý luận.

Thứ hai, chuyển đổi số góp phần thay đổi căn bản phương pháp giảng dạy lý luận chính trị.

Thứ ba, chuyển đổi số góp phần làm thay đổi căn bản năng lực của giảng viên trong giảng dạy lý luận chính trị.

Chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và đào tạo LLCT nói riêng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ Trung ương đến địa phương. Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo nền tảng pháp lý cho chuyển đổi số. Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 định hướng chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số một cách toàn diện. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3-6- 2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ hai, chỉ sau y tế(1).

Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn cũng đưa ra các tiêu chí nhằm chuẩn hóa và hiện đại hóa các trường chính trị cấp tỉnh, tạo động lực để các trường đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, đào tạo LLCT​. Năm 2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, mở đường cho những sáng kiến như phong trào “Bình dân học vụ số” - một chương trình quốc gia phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho toàn dân, được phát động vào cuối tháng 3-2025 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng chủ động cụ thể hóa chủ trương của Đảng: Đảng ủy Học viện ban hành Nghị quyết 43-NQ/ĐU (tháng 7-2022) về thúc đẩy chuyển đổi số tại Học viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể để toàn hệ thống (gồm Học viện trung tâm, các học viện khu vực, các trường chính trị) tiên phong trong chuyển đổi số.​

Tại các địa phương, các tỉnh ủy, thành ủy và UBND tỉnh đã ban hành đề án, kế hoạch chuyển đổi số. Dưới định hướng đó, các trường chính trị địa phương nhận được sự tạo điều kiện về kinh phí, hạ tầng; đồng thời chịu sự giám sát, đôn đốc trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Lãnh đạo nhiều trường chính trị là thành viên tổ chuyển đổi số của tỉnh, trực tiếp tham mưu cho tỉnh ủy về công tác này. Triển khai chủ trương chuyển đổi số, nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể được ban hành. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn ngày 13-5-2021 về việc các trường chính trị thí điểm dạy học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19​. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phối hợp với Học viện xây dựng các tài liệu, hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy LLCT (ví dụ: tài liệu tập huấn sử dụng phần mềm dạy học, sổ tay chuyển đổi số…). Như vậy, công tác chuyển đổi số tại các trường chính trị có định hướng rõ ràng và được quan tâm về nguồn lực.

2.2.Thực trạng chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị tại các trường chính trị tỉnh

Thứ nhất, về việc ứng dụng hệ thống quản lý học tập và dạy học trực tuyến tại các trường chính trị

Trong những năm gần đây, các trường chính trị tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai hình thức đào tạo trực tuyến nhằm thích ứng với xu thế chuyển đổi số và yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tổ chức giảng dạy và quản lý đào tạo theo hình thức trực tuyến từ giữa năm 2021. Hầu hết các trường nhanh chóng chuyển từ lớp học tập trung sang dạy học qua mạng Internet bằng các công cụ như Microsoft Teams, Zoom... Một số trường đã triển khai hệ thống quản lý học tập (LMS) chuyên dụng. Chẳng hạn, Trường Chính trị Trần Phú (Hà Tĩnh) phối hợp với Viettel để cài đặt và tập huấn sử dụng phần mềm giảng dạy trực tuyến Smart LMS - một nền tảng thiết kế riêng cho trường chính trị, tích hợp quản lý dạy - học, thi cử và cho phép chèn câu hỏi trắc nghiệm trong bài giảng(2)​. Sự chủ động này giúp các trường bảo đảm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong điều kiện phòng chống dịch. Việc dạy - học trực tuyến bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Nhiều lớp học được tổ chức trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến, trực tiếp, như: Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ (Quảng Ninh) tính đến tháng 8-2023, đã tổ chức hơn 70 lớp học trung cấp LLCT và bồi dưỡng cán bộ dưới hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến, thi trực tiếp(3)​. Các trường chính trị khác cũng từng bước xây dựng quy chế đào tạo trực tuyến để bảo đảm việc dạy - học nền nếp​. Đến năm 2023, hầu hết các trường chính trị đều tổ chức giảng dạy trực tuyến khi cần thiết, từ các lớp trung cấp LLCT tới các khóa bồi dưỡng ngắn hạn. Việc sử dụng LMS tuy chưa đồng bộ nhưng nhiều trường đã chú trọng đầu tư hoặc tận dụng các nền tảng sẵn có để quản lý học tập. Điều này tạo tiền đề cho mô hình lớp học mở, linh hoạt về không gian và thời gian, cho phép học viên tiếp cận bài giảng “mọi lúc, mọi nơi” đúng nghĩa​.

Thứ hai, mức độ đầu tư hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số.

Trường chính trị các tỉnh được quan tâm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ. Hầu hết đều trang bị mạng Internet, cải tiến trang thông tin điện tử và xây dựng các phòng học, phòng họp trực tuyến với thiết bị hiện đại. Trường Nguyễn Văn Cừ và các trung tâm chính trị huyện ở Quảng Ninh đã có đường truyền riêng cho cầu truyền hình, sử dụng phần mềm Microsoft Teams bản quyền, tích hợp hệ thống camera an ninh, âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn cho lớp học trực tuyến. Năm 2023, trường đã thiết lập 10 phòng chuyên dụng để giảng viên dạy trực tuyến với đầy đủ máy tính, wifi ổn định, micro chống ồn… phục vụ hiệu quả cho mô hình “lớp học thông minh”.​

Tại Phú Thọ, nhà trường được nâng cấp phòng họp trực tuyến từ cuối 2021, đồng thời triển khai loạt dự án: nâng cấp cổng thông tin điện tử, tập huấn giảng dạy e-learning, áp dụng chữ ký số cho văn bản, phần mềm kế toán tài chính và hệ thống quản lý văn bản VNPT-iOffice liên thông 4 cấp​. Trường Chính trị Bình Định phối hợp VNPT cài đặt phần mềm Văn phòng điện tử, quản lý cán bộ; trao đổi văn bản hoàn toàn trên môi trường số(4).

Đến nay, phần lớn các trường đã có phòng máy tính, máy chiếu, màn hình tương tác phục vụ giảng dạy; nhiều trường lắp đặt camera tại giảng đường để quản lý khoa học hơn​. Đặc biệt, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa khánh thành mô hình quản trị Học viện thông minh và khai trương nền tảng giáo dục số phục vụ cán bộ, giảng viên toàn hệ thống vào tháng 4-2025(5). Những bước đi này cho thấy hạ tầng số trong hệ thống các trường chính trị đang dần được hoàn thiện, tạo nền móng vững chắc cho việc triển khai các hoạt động dạy – học, quản lý trên môi trường số.

Thứ ba, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong giảng dạy lý luận chính trị

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… đang tác động sâu sắc tới giáo dục và đào tạo(6)​. Hiện nay, việc ứng dụng Big Data chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý và học tập. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đề ra mục tiêu phát triển hệ thống quản trị học viện thông minh, số hóa dữ liệu nội bộ và liên kết khai thác dữ liệu bên ngoài nhằm hình thành nguồn dữ liệu lớn phục vụ đào tạo, nghiên cứu LLCT​. Các giải pháp đang được triển khai gồm: số hóa giáo trình, tài liệu; xây dựng ngân hàng đề thi, câu hỏi trực tuyến; ứng dụng phần mềm phân tích dữ liệu học tập của học viên để cá thể hóa việc học. Đây là cơ sở để từng bước ứng dụng phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ đánh giá quá trình học, cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy LLCT​.

Về trí tuệ nhân tạo, các công cụ AI thế hệ mới như ChatGPT đã bắt đầu được giảng viên và học viên quan tâm sử dụng trong môn lý luận chính trị. Thực tế cho thấy AI có thể trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích: ví dụ, ChatGPT giúp giảng viên tóm tắt nội dung bài giảng, giải thích khái niệm, cung cấp nhanh tư liệu, hình ảnh minh họa sinh động cho các sự kiện lịch sử​. Khảo sát cuối 2023 tại Trường Đại học Tài chính - Marketing (TP. Hồ Chí Minh) cho thấy 85,7% giảng viên và 97,3% sinh viên đã biết hoặc sử dụng ChatGPT trong giảng dạy, học tập; khoảng 46,4% giảng viên nhận thấy việc dùng ChatGPT giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy các môn LLCT​(7). Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong dạy học LLCT mới ở giai đoạn đầu và còn nhiều thách thức. Các chuyên gia cảnh báo rằng, sử dụng ChatGPT cần kiểm soát chặt chẽ để tránh lệ thuộc, vì giảng dạy LLCT đòi hỏi gắn lý luận với thực tiễn, điều mà công cụ AI khó bảo đảm nếu thiếu định hướng của người giảng viên​. Nhìn chung, hệ thống các trường chính trị đã ý thức về tiềm năng của AI, Big Data và đang từng bước thử nghiệm áp dụng - từ xây dựng kho dữ liệu điện tử đến tận dụng AI như một trợ lý ảo - nhằm đổi mới phương pháp dạy và học LLCT cho phù hợp kỷ nguyên số.

Thứ tư, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giảng viên các trường chính trị ngày càng được nâng cao thông qua quá trình chuyển đổi số

Hầu hết giảng viên đều chủ động tích hợp công nghệ vào công tác chuyên môn. Hiện nay, 100% giảng viên đã soạn giáo án điện tử thay cho giáo án giấy truyền thống​. Nhiều giảng viên đã khai thác hiệu quả kho tài nguyên trực tuyến (video, hình ảnh tư liệu, liên kết website, YouTube…) phục vụ bài giảng thêm sinh động, trực quan​. Kỹ năng sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến cũng được tăng cường. Chẳng hạn, tại Quảng Ninh, qua các đợt tập huấn, 92% giảng viên (kể cả giảng viên kiêm chức) đã làm chủ tốt các công cụ kỹ thuật số trong giảng dạy trực tuyến; khoảng 82% có thể vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học kết hợp công nghệ ở mức độ khá hoặc tốt​.

Đội ngũ giảng viên tích cực tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng sư phạm số. Tháng 7-2021, hơn 755 giảng viên thuộc hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị đã dự lớp tập huấn giáo trình mới qua cầu truyền hình trực tuyến từ Học viện tới 63 tỉnh, thành​, qua đó rèn luyện việc sử dụng thành thạo nền tảng hội nghị truyền hình và phương pháp dạy học tương tác từ xa. Nhiều giảng viên đã tiến hành nghiên cứu khoa học về chuyển đổi số trong giáo dục, biên soạn bài giảng e-learning và chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ thông tin trong chuyên môn​.

Nhờ những nỗ lực này, đại đa số giảng viên trường chính trị tự tin với công nghệ và coi đó là công cụ thiết yếu để nâng cao chất lượng bài giảng. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ (dưới 10%) giảng viên lớn tuổi hoặc ít tiếp xúc công nghệ cần được hỗ trợ để bắt kịp xu hướng chung​. Về tổng thể, đội ngũ giảng viên LLCT đã chuyển biến tích cực về kỹ năng công nghệ thông tin, sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của chuyển đổi số vào công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Những khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số giảng dạy LLCT

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, quá trình chuyển đổi số trong giảng dạy LLCT tại các trường chính trị vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần khắc phục.

Thứ nhất, về thể chế, chính sách

Hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến các môn LLCT chưa hoàn thiện đồng bộ. Các văn bản quy phạm hiện hành mang tính chung chung, thiếu quy định cụ thể cho loại hình đào tạo đặc thù này​. Khi Covid-19 bùng phát, việc chuyển sang dạy trực tuyến diễn ra gấp rút, mỗi nơi một cách thức do chưa có hướng dẫn thống nhất​. Đến khi dịch lắng xuống, quy chế chính thức về duy trì đào tạo trực tuyến trong hệ thống trường chính trị vẫn chưa rõ ràng. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trường dừng dạy trực tuyến sau khi hết dịch, cho thấy tính chất tạm thời của giải pháp này thời điểm đó. Hiện nay, dù chủ trương chuyển đổi số rất mạnh mẽ, nhưng việc sửa đổi quy chế đào tạo, bồi dưỡng bằng các hình thức học trực tuyến, thi trực tuyến, công nhận kết quả học trực tuyến… còn chậm. Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cũng thiếu hoặc chưa đồng bộ, như: chính sách khuyến khích giảng viên tham gia phát triển bài giảng số, chế độ thù lao cho giờ dạy trực tuyến, quy định về bản quyền học liệu điện tử, quy định quản lý thi, kiểm tra… Việc sớm hoàn thiện khung pháp lý sẽ là thách thức lớn nhưng cần thiết để chuyển đổi số được triển khai bền vững, có nền nếp.

Thứ hai, về hạ tầng và công nghệ.

Tuy đã được đầu tư, song điều kiện cơ sở vật chất giữa các trường chưa đồng đều. Một số trường chính trị còn thiếu trang thiết bị hiện đại, phòng học chưa được số hóa đồng bộ. Thực tế giai đoạn dịch bệnh cho thấy tình trạng “trăm hoa đua nở” về nền tảng dạy học: mỗi trường dùng một phần mềm khác nhau, từ Zoom, Teams đến Google Meet, gây nên sự manh mún, thiếu thống nhất và tiềm ẩn rủi ro bảo mật. Đến nay vẫn chưa có một nền tảng LMS dùng chung cho toàn bộ hệ thống trường chính trị, nên việc quản lý, chia sẻ tài nguyên số liên trường còn hạn chế. Nguồn kinh phí cũng là vấn đề nan giải. Ngân sách nhà nước có hạn, một số địa phương chưa đủ điều kiện đầu tư lớn cho hạ tầng số của trường chính trị. Việc triển khai các hệ thống e-learning đòi hỏi chi phí duy trì, nâng cấp dài hạn. Điều này gây khó khăn khi thực hiện. Nhiều trường thám gia đề án chuyển đổi số chung của tỉnh hoặc tranh thủ dự án từ các doanh nghiệp viễn thông, dẫn đến phụ thuộc vào tiến độ và phạm vi các dự án.

Thứ ba, về nhân lực và nhận thức

Mặc dù đa số giảng viên đã nhanh chóng thích ứng, vẫn còn một bộ phận giảng viên lớn tuổi hoặc ít kỹ năng tin học gặp khó khăn trong việc chuyển đổi phương pháp dạy học. Những người không theo kịp công nghệ mới có thể ngại đổi mới, tiếp cận chậm với phần mềm dạy học hoặc gặp lúng túng khi giảng trực tuyến. Công tác bồi dưỡng cho nhóm này cần thời gian và kiên trì, trong khi khối lượng công việc tại trường chính trị thường rất lớn, dễ khiến họ quá tải. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại sự thay đổi cũng là rào cản: một số giảng viên ban đầu chưa tin tưởng vào hiệu quả dạy trực tuyến, lo ngại khó quản lý học viên, hoặc e ngại rằng ứng dụng AI có thể làm giảm vai trò của người dạy. Về phía học viên, không phải tất cả đều thành thạo công nghệ; một bộ phận cán bộ lớn tuổi học trung cấp LLCT ban đầu cũng bỡ ngỡ với học trực tuyến, ảnh hưởng đến mức độ tiếp thu. Do đó, cần thời gian để các chủ thể thay đổi tư duy và nâng cao kỹ năng số đồng đều.

Thứ tư, về nội dung và phương pháp.

Chuyển đổi số đặt ra yêu cầu đổi mới chương trình, học liệu cho phù hợp với môi trường số. Tuy nhiên, việc số hóa nội dung bài giảng LLCT không đơn giản. Nhiều bài giảng trước đây chủ yếu truyền đạt trực tiếp, nay phải thiết kế lại để có tính tương tác, chia nhỏ thành các học phần trực tuyến hợp lý, xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài tập trên LMS... Nếu vẫn dùng nguyên chương trình truyền thống cho dạy trực tuyến sẽ kém hiệu quả​. Khó khăn nữa là khâu kiểm tra, đánh giá: tổ chức thi trực tuyến đòi hỏi hệ thống giám sát chặt chẽ để ngăn chặn gian lận; hình thức kiểm tra phải điều chỉnh (tăng cường tiểu luận, làm việc nhóm trực tuyến…) thay cho thi viết thông thường. Nhiều giảng viên phản ánh việc đánh giá học viên trực tuyến khó chính xác như trực tiếp nếu thiếu công cụ công nghệ hỗ trợ. Hơn nữa, học liệu điện tử cho môn LLCT còn chưa phong phú, kho dữ liệu số dùng chung giữa các trường chưa hình thành đầy đủ. Việc tự xây dựng bài giảng e-learning đòi hỏi thời gian, kỹ năng và đôi khi vượt quá khả năng cá nhân giảng viên nếu không có đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ.

Thứ năm, về bảo đảm chất lượng và an ninh.

Chất lượng đào tạo LLCT phụ thuộc nhiều vào tương tác thầy - trò và tranh luận thực tiễn, trong khi mô hình trực tuyến dễ gây học thụ động nếu thiết kế chưa tốt. Không gian mạng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin nếu hạ tầng trường học không được bảo mật cao. Việc quản lý lớp học trực tuyến, điểm danh, kỷ luật học viên đòi hỏi giải pháp công nghệ đi kèm (như camera giám sát thi cử, phần mềm chống gian lận thi...). Hiện tượng học viên nhờ người học hoặc làm bài thay có thể xảy ra nếu quy chế không chặt chẽ. Thực tế triển khai cho thấy cần điều chỉnh quy định về thời gian tối thiểu tham gia lớp trực tuyến, chế tài đối với vi phạm của người dạy và học... Ngoài ra, việc ứng dụng AI cũng đặt ra thách thức mới về chất lượng, thông tin ChatGPT cung cấp đôi khi thiếu chính xác hoặc mang định kiến, nếu giảng viên không kiểm chứng kỹ có thể ảnh hưởng đến nội dung bài giảng. Vì thế giảng viên phải thông minh hơn ChatGPT để khai thác AI một cách chủ động, chọn lọc. Đây là kỹ năng mới không dễ đạt được ngay.

2.3. Đề xuất giải pháp chuyển đổi số nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị

Một là, trong thời gian tới, các trường chính trị cần chú trọng nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Việc thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo và đào tạo chuyên sâu sẽ giúp giảng viên tiếp cận nhanh chóng với những công nghệ và phương pháp giảng dạy hiện đại, từ đó vận dụng hiệu quả vào thực tế công việc.

Hai là, tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại để chuyển đổi số thành công. Các trường cần nâng cấp hệ thống mạng, cải thiện tốc độ và ổn định đường truyền internet, đồng thời xây dựng các phòng học thông minh với trang thiết bị công nghệ tiên tiến, tạo nền tảng hỗ trợ cho việc triển khai các phương pháp giảng dạy hiện đại.

Ba là, xây dựng và phát triển hệ thống tài liệu số, học liệu điện tử cần được xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Việc số hóa giáo trình, bài giảng đa phương tiện và xây dựng ngân hàng tài liệu điện tử sẽ giúp học viên và giảng viên dễ dàng tiếp cận, khai thác, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho việc tự học, nghiên cứu, giảng dạy.

Bốn là, cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng ứng dụng công nghệ số. Việc ứng dụng các mô hình giảng dạy tiên tiến như lớp học đảo ngược, kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong đánh giá kết quả học tập sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo LLCT tại các trường chính trị.

Năm là, các trường cũng cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số. Chính sách khuyến khích, khen thưởng các sáng kiến và việc áp dụng hiệu quả công nghệ số vào giảng dạy cần được cụ thể hóa, giúp tạo động lực và thúc đẩy sự đổi mới trong hoạt động giảng dạy. Việc tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các trường chính trị cần được thực hiện.

Sáu là, để duy trì hiệu quả lâu dài của chuyển đổi số, cần chú trọng xây dựng và hình thành văn hóa chuyển đổi số trong môi trường giảng dạy lý luận chính trị. Việc nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động sáng tạo và tích cực ứng dụng công nghệ số từ mỗi cán bộ, giảng viên và học viên sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi toàn diện trong công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh kinh tế số và xã hội số hiện nay.

3. Kết luận

Chuyển đổi số là yếu tố tạo ra những thay đổi căn bản trong giảng dạy LLCT ở các trường chính trị tỉnh, thành phố, thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, tương tác và sát thực tiễn. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến không chỉ cải thiện hiệu quả truyền đạt kiến thức, mà còn định hình lại cách thức phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và năng lực lãnh đạo cho học viên.

Tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng của chuyển đổi số, cần giải quyết những hạn chế về cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ của đội ngũ giảng viên và xây dựng môi trường dạy - học linh hoạt, thích ứng cao. Chuyển đổi số không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà là động lực trung tâm để hiện đại hóa toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý có đủ năng lực hội nhập, sáng tạo và dẫn dắt sự phát triển bền vững của đất nước.

_________________

Ngày nhận bài: 2-5-2025; Ngày bình duyệt: 8-5-2025; Ngày duyệt đăng: 10-5-2025.

Email tác giả: thanhsy3979@gmail.com

(1) Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3-6- 2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ hai, chỉ sau y tế.

(2) Trường Chính trị Trần Phú phối hợp Viettel Hà Tĩnh ứng dụng phần mềm giảng dạy trực tuyến, https://baohatinh.vn, ngày 19-5-2021.

(3) Nguyễn Thị Thanh Thùy: Trường Nguyễn Văn Cừ tăng cường đào tạo trực tuyếnhttps://baoquangninh.vn, ngày 7-9-2023.

(4) Phan Thị Hoa: Chuyển đổi số tại Trường Chính trị tỉnh Bình Định trong thời gian vừa quahttps://truongchinhtri.binhdinh.gov.vn, ngày 13-02-2023.

(5), (6) Vietnam.vn. (2025). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khai trương nền tảng giáo dục số.

(7) Thu Hoài: Ứng dụng ChatGPT trong dạy và học các môn lý luận chính trịhttps://www.sggp.org.vn, ngày 22-11-2024.

 

TS NGUYỄN VĂN SỸ
Học viện Chính trị khu vực IV

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ thực hiện phần thi giảng viên dạy giỏi cấp trường năm 2025_Ảnh: baophutho.vn 1. Mở đầu Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố, việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy lý luận chính trị (LLCT) là yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Chuyển đổi số trong giảng dạy LLCT giúp hiện đại hóa phương pháp truyền đạt kiến thức, mở rộng khả năng tiếp cận học tập của học viên, tăng cường sự tương tác, tư duy sáng tạo và phả

Tin khác cùng chủ đề

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở, góp phần xứng đáng vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Vai trò của giảng viên Trường Chính trị trong phòng chống thông tin “xấu, độc” trên các nền tảng video trực tuyến
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị - một lực lượng quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Nâng cao chất lượng dạy học lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Tăng cường thao giảng giảng viên lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Gửi bình luận của bạn