Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, đấu tranh tư tưởng, lý luận, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức vững mạnh ở các trường sĩ quan quân đội. Bài viết luận giải để góp phần làm rõ nội hàm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn, những yếu tố tác động và chỉ ra định hướng cơ bản nhằm phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội.

Yếu tố tác động đến phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội hiện nay
Yếu tố tác động đến phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội hiện nay

Hiện nay, để phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) ở các trường sĩ quan quân đội, các chủ thể cần nhận thức sâu sắc những yếu tố tác động trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của kinh tế thị trường; yêu cầu nhiệm vụ của các trường sĩ quan quân đội; sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; những yếu tố của môi trường văn hóa, chính trị, phẩm chất đạo đức, đây là cơ sở quan trọng để xác định những chủ trương, giải pháp phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên KHXH&NV phù hợp, hiệu quả.

1. Quan niệm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là hệ giá trị văn hóa, chính trị, đạo đức bền vững, phản ánh bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được hình thành, phát triển trong quá trình chiến đấu, trưởng thành của quân đội, giúp cho Quân đội ta luôn “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(1). Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là nhiệm vụ, giải pháp cơ bản của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những nhận thức, hành vi sai trái trong mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng, thiết thực xây dựng Đảng bộ quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, hiện đại.  

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên KHXH&NV ở các trường sĩ quan quân đội là sự cụ thể hóa những thuộc tính đặc trưng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thành những thuộc tính đặc trưng nhân cách của giảng viên KHXH&NV, được biểu hiện như: có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đường lối, quan điểm của Đảng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao; đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, trung thực, khiêm tốn, giản dị, cầu thị, chân thành, lạc quan, nói đi đôi với làm, gương mẫu, mô phạm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; tích cực, chủ động học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức toàn diện, năng lực giảng dạy, nghiên cứu KHXH&NV, đấu tranh tư tưởng, lý luận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, hội nhập, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, lắng nghe, tôn trọng, học hỏi, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân, có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng.

2. Những yếu tố tác động đến phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội

Một là, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của kinh tế thị trường.

Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là những nhân tố mang tính thời đại sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là quá trình làm gia tăng các mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau giữa các khu vực, các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Xu thế này tạo ra thời cơ và cả những thách thức cho sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là cơ hội để Quân đội ta mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, vũ khí, khí tài, trang thiết bị kỹ thuật quân sự, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của quân đội, của đất nước. Đối với mỗi quân nhân nói chung, giảng viên KHXH&NV ở các trường sĩ quan quân đội nói riêng, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là cơ hội quan trọng để giao lưu, học tập, rèn luyện, phát triển và khẳng định bản thân. 

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện đất nước, “làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”(2). Phát triển kinh tế thị trường làm cho con người ngày càng trở nên năng động, sáng tạo, tự tin, nhanh chóng thích ứng với cái mới, tăng cường kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, đạo đức, lối sống - đây là yếu tố cơ bản cấu thành phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên KHXH&NV. Bên cạnh đó, sự phát triển của kinh tế thị trường sẽ trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập, rèn luyện, làm việc, công tác của giảng viên KHXH&NV ở các trường sĩ quan quân đội.

Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cũng tác động tiêu cực đến nhận thức, tình cảm, tâm trạng, động cơ, tư tưởng, đạo đức, lối sống của giảng viên KHXH&NV. Đó là, sự thâm nhập các luồng tư tưởng, văn hóa đa dạng, phức tạp, nhất là sự thâm nhập của tư tưởng duy tâm, các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Do đó, nếu không được nhận diện, định hướng, ngăn chặn dễ dẫn đến những nhận thức mơ hồ, ngoại lai, mất dần đi bản sắc văn hóa, đạo đức truyền thống dân tộc, dần phai nhạt hệ giá trị “Bộ đội Cụ Hồ”.

Sự phát triển kinh tế thị trường cũng tác động trực tiếp đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của giảng viên KHXH&NV ở các trường sĩ quan quân đội. Đó là, sự hình thành lối sống vị kỷ, đề cao cá nhân, thực dụng, cơ hội, hưởng thụ, tuyệt đối hóa, chạy theo lợi ích vật chất bằng mọi giá. Cùng với đó là sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sẽ thúc đẩy quá trình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trên thực tế, đã có những giảng viên KHXH&NV có tư tưởng muốn làm giàu nhanh, làm giàu bằng mọi giá, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật. Đây là lực cản lớn đến phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên KHXH&NV ở các trường sĩ quan quân đội cần phải được nhận diện và kiên quyết ngăn chặn.

Hai là, sự phát triển nhiệm vụ của các trường sĩ quan quân đội.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển rất nhanh đang tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Các vấn đề mới như “xã hội thông minh”, “giáo dục thông minh”, “chuyển đổi số” đang dần trở nên phổ biến đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có những yêu cầu phát triển mới. Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cơ bản xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”; phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, đòi hỏi mỗi nhà trường quân đội phải có đủ các điều kiện tương ứng, trước hết là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Giảng viên KHXH&NV ở các trường sĩ quan quân đội là một trong những lực lượng quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo của các nhà trường. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ họ phải có phẩm chất, kiến thức, năng lực toàn diện, sức khỏe tốt - những yếu tố cấu thành phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Sự phát triển của nhiệm vụ đòi hỏi cao trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện của các nhà trường cũng như tự đào tạo, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của mỗi giảng viên KHXH&NV. Do đó, sự phát triển của nhiệm vụ tạo ra những điều kiện thuận lợi, cơ hội để mỗi giảng viên KHXH&NV được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo yêu cầu ngày càng cơ bản, chuẩn hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, yêu cầu nhiệm vụ là điều kiện khách quan bên ngoài khi được giảng viên KHXH&NV nhận thức, xác định rõ động cơ, trách nhiệm sẽ chuyển hóa thành động lực bên trong thôi thúc họ không ngừng nỗ lực, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, phát triển, hoàn thiện phẩm chất, trình độ toàn diện, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học KHXH&NV, đấu tranh tư tưởng, lý luận, phương pháp sư phạm, tác phong công tác.

Tuy nhiên, yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đang đặt ra những vấn đề mới cho phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên KHXH&NV ở các trường sĩ quan quân đội. Điều đó đòi hỏi mỗi chủ thể phải nhận thức đầy đủ, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của các cấp về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, bám sát sự phát triển của nhiệm vụ chính trị, yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong, phong cách, nhiệm vụ, chức trách của giảng viên KHXH&NV. Từ đó, xác định mục tiêu, phương hướng, nội dung, hình thức, biện pháp phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, tránh áp đặt, chủ quan, yêu cầu thấp hoặc quá cao so với nhiệm vụ của giảng viên KHXH&NV.

Ba là, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với cách mạng nước ta trên mọi lĩnh vực, trong đó tư tưởng, văn hóa là “đột phá khẩu” của “diễn biến hòa bình” nhằm thúc đẩy nhanh quá trình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đối với quân đội, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện các biện pháp làm phai nhạt, mất đi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nhằm từng bước “phi chính trị hóa” quân đội.

Để thực hiện mục tiêu trên, chúng sử dụng đa dạng các hình thức, biện pháp, các phương thức khác nhau để chống phá với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Trước hết, các thế lực thù địch tiến công trực diện vào hệ tư tưởng của Đảng ta, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng... Mặt khác, chúng ra sức xuyên tạc, bóp méo, từng bước làm mất đi mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân. Đặc biệt, chúng ra sức xuyên tạc, phủ nhận hệ giá trị “Bộ đội Cụ Hồ” bằng nhiều phương thức: hạ bệ, bôi nhọ các lãnh đạo, chỉ huy, các tướng lĩnh trong quân đội; phủ nhận vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội ta; phủ nhận các chiến công của quân đội trong lịch sử bằng cách xóa nhòa đi tính chính nghĩa, bản chất của các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta; ra sức tuyên truyền đả kích, xuyên tạc, hạ thấp những mất mát, hy sinh của các quân nhân trong Quân đội ta hiện nay; tuyên truyền quan điểm vũ khí luận - tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí - kỹ thuật trong sức mạnh chiến đấu của quân đội; cổ súy quan điểm “dân sự hóa quân đội”, xuyên tạc môi trường tốt đẹp trong Quân đội ta; ra sức tuyên truyền lối sống thực dụng, hưởng thụ, văn hóa phương Tây, văn hóa phẩm đồi trụy trong quân đội.

Các thủ đoạn trên của các thế lực thù địch hòng làm suy giảm niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm, sự lãnh đạo của Đảng, vào hệ thống lãnh đạo, chỉ huy các cấp vào sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta, từng bước làm mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, quân đội. Thúc đẩy nhanh quá trình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Tất cả những vấn đề trên đều tác động, ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp đến phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên KHXH&NV ở các trường sĩ quan quân đội.

Để thực hiện được mục tiêu trên, các thế lực thù địch ra sức tận dụng mọi phương thức tiến hành để chống phá ta, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các kênh truyền thông đại chúng, xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa truyền hình, lập hàng nghìn trang web, blog, lập hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh - truyền hình có chương trình tiếng Việt, tổ chức các hội thảo, tọa đàm để xuyên tạc hệ tư tưởng của Đảng ta. Đặc biệt, chúng ra sức tận dụng khoa học và công nghệ, mạng xã hội để tác động trực tiếp, thường xuyên, liên tục đến nhận thức, tư tưởng, niềm tin của bộ đội, của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả mọi mặt công tác của các đơn vị quân đội, phá hoại hệ thống tổ chức từ bên trong.

Bốn là, những yếu tố của môi trường văn hóa, chính trị, đạo đức ở các trường sĩ quan quân đội.

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là hệ giá trị văn hóa, chính trị, đạo đức bền vững, tốt đẹp, phản ánh bản chất cách mạng, truyền thống của Quân đội ta và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mặt khác, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được hình thành, phát triển, lan tỏa trong môi trường văn hóa, chính trị, đạo đức nhất định. Do đó, quá trình phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn chịu tác động của môi trường văn hóa, chính trị, đạo đức ở các đơn vị.

Trong những năm qua, với nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn các trường sĩ quan quân đội đã tạo dựng được môi trường văn hóa, chính trị, đạo đức thuận lợi cho việc phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên KHXH&NV. Trong môi trường đó, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng ta giữ vai trò chủ đạo, định hướng toàn bộ suy nghĩ và hành động của mỗi tổ chức và cá nhân. Ở đó, các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, các tổ chức quần chúng, tập thể quân nhân được xây dựng vững mạnh, phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ. Các thiết chế văn hóa, đạo đức hoạt động hiệu quả, hệ giá trị “Bộ đội Cụ Hồ” được lan tỏa, bổ sung, phát triển. Tuyệt đại bộ phận cấp ủy, chỉ các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các nhà trường đều gương mẫu, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, có đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, đoàn kết, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các hiện tượng tiêu cực khác, từ đó tạo ra những tác động tích cực trong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tuy nhiên, cùng với những yếu tố thuận lợi như trên, môi trường văn hóa, chính trị, đạo đức ở các trường sĩ quan quân đội còn ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động tiêu cực, đó là sự thâm nhập của hệ tư tưởng tư sản, các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Đó là, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế. Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật ở một số cán bộ, giảng viên. Lối sống thực dụng, hưởng thụ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, tuyệt đối hóa vật chất, tiền bạc, tư tưởng muốn làm giàu nhanh, tham gia các tệ nạn xã hội ở một số cán bộ, giảng viên, nhân viên, chiến sĩ. Những điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến hình ảnh cao đẹp và việc phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì vậy, cần nhận thức rõ sự tác động này là cơ sở quan trọng để các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp xác định đúng chủ trương, biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các kế hoạch, mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng Quân đội ta ngày càng tinh, gọn, mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr. 435.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.322.

Tài liệu tham khảo:

1. Quân ủy Trung ương, Chuyên đề phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, Nxb Quân đội nhân dân, H.2022.

2. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới, Nxb Quân đội nhân dân, H.2024.

TS Nguyễn Hữu Tuấn - Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

Hiện nay, để phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) ở các trường sĩ quan quân đội, các chủ thể cần nhận thức sâu sắc những yếu tố tác động trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của kinh tế thị trường; yêu cầu nhiệm vụ của các trường sĩ quan quân đội; sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; những yếu tố của môi trường văn hóa, chính trị, phẩm chất đạo đức, đây là cơ sở quan trọng để xác định những chủ trương, giải pháp phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên KHXH&NV phù hợp, hiệu quả. 1. Quan niệm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội

Tin khác cùng chủ đề

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở, góp phần xứng đáng vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Hoàn thiện thể chế văn hóa công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Vai trò của giảng viên Trường Chính trị trong phòng chống thông tin “xấu, độc” trên các nền tảng video trực tuyến
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị - một lực lượng quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Nâng cao chất lượng dạy học lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Tăng cường thao giảng giảng viên lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Gửi bình luận của bạn