Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược của quốc gia. Trên tinh thần đó, Khánh Hòa đã triển khai sâu rộng Phong trào “Bình dân học vụ số” như một giải pháp đột phá để phổ cập tri thức, kỹ năng số đến với người dân trên địa bàn tỉnh. Phong trào không chỉ góp phần thu hẹp khoảng cách số mà còn đặt nền móng vững chắc cho tiến trình xây dựng xã hội số toàn diện, bao trùm và bền vững.

Kết quả bước đầu triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Kết quả bước đầu triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Từ chủ trương chiến lược đến hành động thực tiễn

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã xác định rõ hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. 100% cơ quan hành chính các cấp đã xử lý, giải quyết công việc trên môi trường điện tử; người dân và cán bộ dần hình thành thói quen sử dụng các nền tảng số như Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản điều hành, phần mềm đánh giá hiệu quả công việc, Cổng thông tin điện tử tỉnh… Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng bộc lộ nhiều khó khăn, nhất là sự chênh lệch rõ nét về khả năng tiếp cận giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư. Trước thực tiễn đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 257-KH/TU, ngày 26/02/2025 về quán triệt, tuyên truyền và phổ biến Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Kế hoạch số 294-KH/TU, ngày 23/5/2025 về triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh. Để cụ thể hóa về mặt Nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 7817/KH-UBND, ngày 19/6/2025 thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh, trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương nhằm đạt được mục tiêu, tiêu chí đề ra.

Ảnh. UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Khánh Hòa (Báo Khánh Hòa)

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã kịp thời định hướng tuyên truyền đến các cơ quan báo chí, ban tuyên giáo và dân vận cấp huyện, đội ngũ báo cáo viên các cấp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 57-NQ/TW; Nghị quyết số 48-NQ/TU, ngày 20/02/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Phong trào “Bình dân học vụ số. Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền Phong trào đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng, hướng tới mục tiêu phổ cập tri thức và kỹ năng số cơ bản cho người dân, nhất là các nhóm yếu thế, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phổ cập kỹ năng số cho người dân; thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, khơi dậy tinh thần tự học, tự nâng cao năng lực số trong mỗi cá nhân, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh. Công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng như: Tổ chức học tập, quán triệt; sinh hoạt chuyên đề; hội thi; hoạt động văn hóa;… Trên các chuyên trang Thời sự, Chính trị và chuyên mục Chuyển đổi số, Báo Khánh Hòa thường xuyên đăng các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, kết quả triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” tại các địa phương, đơn vị gắn với xây dựng xã hội học tập trong thời đại số nhằm tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân đối với chủ trương chiến lược của Đảng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ảnh. Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang, nhà trường phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng tổ chức hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo du lịch” (Báo Khánh Hòa)

Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1636-QĐ/TU, ngày 28/02/2025 quy định Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh theo hướng thực chất, bài bản, công khai, minh bạch; trong đó, tiêu chí về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số là một trong những nội dung bắt buộc, góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện.

Một trong những điểm nhấn nổi bật của phong trào là việc tổ chức triển khai mô hình “Hành trình bình dân học vụ số” thông qua những chuyến xe đến với người dân ở các vùng ngoại ô thành phố, nông thôn, miền núi để truyền tải những kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm về công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời, chỉ đạo thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của các “Tổ công nghệ số cộng đồng”, “Đội hỗ trợ phản ứng nhanh” để hỗ trợ cán bộ và người dân tại cơ sở, tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng số và kỹ năng thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

Tỉnh cũng thường xuyên quan tâm tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cập nhật, nâng cao tri thức, phổ cập về kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với các nội dung: Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước; quy định mới về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; kỹ năng sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức; sử dụng phần mềm Đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc (KPI) cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh;... Đối tượng đào tạo được mở rộng so với các chương trình đào tạo nguồn nhân lực số trước đây.

Khó khăn không nhỏ, quyết tâm càng lớn

Bên cạnh những kết quả nổi bật, việc triển khai Phong trào vẫn gặp không ít trở ngại, như: Kỹ năng số của người cao tuổi và người khuyết tật còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng các nền tảng số thiết yếu như VNeID, dịch vụ công trực tuyến. Việc tiếp cận công nghệ số của các nhóm đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các chương trình đào tạo riêng dành riêng cho người cao tuổi và người khuyết tật, dẫn đến việc tiếp cận công nghệ số của các nhóm này chưa hiệu quả. Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp đang trong giai đoạn hoàn thành, ổn định tổ chức bộ máy tại các địa phương cấp xã, gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động đào tạo và truyền thông. Đồng thời, việc tiếp cận các nền tảng, dịch vụ số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số của các hộ gia đình ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Hiện nay, hệ thống pháp lý vẫn còn thiếu các quy định cụ thể, đồng bộ đối với một số lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, dữ liệu lớn (big data), gây khó khăn cho việc quản lý, định hướng phát triển và ứng dụng vào thực tiễn.

Ảnh. Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh thực hiện các thủ tục cấp định danh điện tử mức độ 2 cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Khánh Hòa (Báo Khánh Hòa)

Để triển khai hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số và tầm quan trọng của việc phổ cập kỹ năng số cho người dân trong tình hình mới. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Trung ương về Phong trào. Tổ chức hướng dẫn, theo dõi việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đảng viên tiên phong học tập kỹ năng số” trong các tổ chức cơ sở đảng. Tổ chức Lễ phát động Phong trào “Bình dân học vụ số” và triển khai “Ngày hội toàn dân học tập số” vào ngày Chuyển đổi số quốc gia - ngày 10/10 nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của toàn dân. Tổ chức lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho công chức, viên chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức khoc học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Triển khai ứng dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà quốc gia (MOOCs) “Bình dân học vụ số” để đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho mọi đối tượng. Tổ chức triển khai ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ học tập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, phát triển kĩ năng số dựa trên công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Tiếp tục triển khai và duy trì hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề để tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hành, ứng dụng trực tiếp trong quá trình rèn luyện kỹ năng số;...

Đối với tỉnh Khánh Hòa, Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là một hoạt động truyền thông đơn lẻ, mà là một nỗ lực toàn diện, lâu dài và có tính định hướng chiến lược nhằm nâng cao năng lực số cho toàn dân. Với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Khánh Hòa đang khẳng định vai trò tiên phong trong thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số”, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện và hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số.                                                                                                                                                                                                                                                            Lâm An

Từ chủ trương chiến lược đến hành động thực tiễn Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã xác định rõ hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. 100% cơ quan hành chính các cấp đã xử lý, giải quyết công việc trên môi trường điện tử; người dân và cán bộ dần hình thành thói quen sử dụng các nền tảng số như Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản điều hành, phần mềm đánh giá hiệu quả công việc, Cổng thông tin điện tử tỉnh… Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng bộc lộ nhiều khó khăn, nhất là sự chênh lệch rõ nét về khả năng tiếp cận giữa khu vực đô thị và nông thôn

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng chống dịch đối với người nhập cảnh qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh
Từ phong trào "Bình dân học vụ" năm xưa đến phong trào "Bình dân học vụ số" ngày nay
Góp phần chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe trẻ em
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1-6: Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa: Công trình xứng tầm, sân chơi ý nghĩa cho thiếu nhi
Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân

Gửi bình luận của bạn