Mùa Xuân năm 1975, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với quy mô chưa từng có, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng ấy, chiến dịch Tây Nguyên là đòn đánh tiêu diệt lớn mở đầu và giành thắng lợi vẻ vang, mang tầm quan trọng về mặt chiến lược. Thắng lợi ấy đã làm thay đổi cơ bản cục diện trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta, làm thất bại chiến lược phòng ngự của địch ở miền Nam, mở ra thời cơ và điều kiện rút ngắn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Chiến dịch Tây Nguyên – Chiến dịch tiêu diệt lớn mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Chiến dịch Tây Nguyên – Chiến dịch tiêu diệt lớn mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Bối cảnh lịch sử 

Đầu năm 1975, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nhận định: “Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự, chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn thuận lợi như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, giữa lúc phong trào ba nước Đông Dương đang trên đà tiến công mạnh, giành thắng lợi ngày càng to lớn”[1].

Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975 – 1976: Năm 1975 tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích – tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

“Ngoài kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm, trong kế hoạch năm 1975, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án khác: nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975[2].

Kết luận đợt hai Hội nghị Bộ Chính trị bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước (ngày 07/01/1975), Bộ Chính trị xác định: “Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”[3].

Bộ đội ta đánh chiếm Thị xã Buôn Ma Thuột (Ảnh tư liệu)

Chỉ đạo chiến lược của Đảng trong chiến dịch Tây Nguyên

Ngay sau Kết luận đợt hai Hội nghị Bộ Chính trị bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã tổ chức quán triệt Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị và bàn việc tổ chức thực hiện bước một kế hoạch tác chiến chiến lược với trọng tâm là bàn về chiến dịch Tây Nguyên – đòn tiến công mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, kết luận xác định khu vực và mục tiêu tiến công, nhiệm vụ chiến dịch, hướng phát triển, sử dụng lực lượng. Về phương thức tác chiến, cách đánh, “nhấn mạnh đến phương châm mạnh bạo, bí mật, bất ngờ, phải nghi binh rất nhiều để làm cho địch tập trung sự chú ý vào việc bảo vệ phía bắc Tây Nguyên. Chiến dịch Tây Nguyên được mang mật danh “Chiến dịch 275”[4].

Theo quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng được cử vào Tây Nguyên, cùng các đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng và một số cán bộ, tổ chức thành một bộ phận đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ở chiến trường miền Nam, mang bí danh Đoàn A.75.

Ngay khi vào đến Sở Chỉ huy của Bộ ở phía Tây Nam thị xã Buôn Ma Thuột, đồng chí Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương công bố quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên gồm: Tư lệnh – Trung tướng Hoàng Minh Thảo; Chính ủy – Đại tá Đặng Vũ Hiệp; Phó Tư lệnh – Thiếu tướng Vũ Lăng và các Đại tá Phan Hàm, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang; Phó Chính ủy – Đại tá Phí Triệu Hàm.

Qua nhiều lần bàn bạc, trao đổi, nhiệm vụ cụ thể của chiến dịch Tây Nguyên được xác định qua những yêu cầu cơ bản sau:

1. Tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch.

2. Giải phóng nhân dân và phần lớn vùng đất nam Pleiku và Cheo Reo, xung quanh Buôn Ma Thuột, đánh bại kế hoạch “bình định”, nống lấn và giải tỏa của địch, giữ vững, phát huy quyền làm chủ chiến trường, thực hiện chia cắt chiến lược…

3. Đánh phá giao thông và hậu cứ, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm cho tiềm lực kinh tế của địch giảm sút trầm trọng.

4. Phát triển đấu tranh chính trị trong các thị xã…

5. Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng vùng giải phóng, các đường chiến lược, chiến dịch…

“Trong 5 mục tiêu trên, yêu cầu tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng địa bàn được xác định là nhiệm vụ trung tâm quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của chiến dịch”[5]. Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta thống nhất “Đòn tiến công chiến lược đầu tiên phải tranh thủ bất ngờ, tập trung cao độ giải quyết Buôn Ma Thuột, bảo đảm chắc thắng trận đầu; tiếp đó, nhanh chóng phát huy thắng lợi, tiến công liên tục, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, giải phóng và giữ cho được những địa bàn chiến lược quan trọng ở Tây Nguyên”[6].

Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Buôn Ma Thuột (Ảnh: Gorick Francois) 

Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược hiểm yếu trong thế trận phòng ngự chiến lược chung của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam; là một chiến trường rừng núi nối liền với vùng ven hiểm trở. “Khi ta chuẩn bị đánh Tây Nguyên thì địch ở đây có 1 sư đoàn chủ lực, 7 liên đoàn biệt động quân (tương đương 10 trung đoàn) và 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp. Chúng đã bố trí trong thế phòng ngự hoàn chỉnh, nhưng do phán đoán sai ý định của ta, cho rằng nếu đánh Tây Nguyên ta sẽ đánh phía Bắc, nên chúng tập trung lực lượng giữ lấy Plei Ku, Kon Tum; ở Nam Tây Nguyên, cụ thể là ở Đắk Lắk, chúng để lực lượng ít hơn. Thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ Đắk Lắk, với 150.000 dân là một trung tâm chính trị và kinh tế của địch, là nơi đóng sở chỉ huy của sư đoàn 23”[7].

Từ ngày 01/3/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên trực tiếp lãnh đạo, điều hành các hoạt động của mọi lực lượng tham chiến trên toàn chiến trường, mở đầu chiến dịch.

Theo kế hoạch hiệp đồng tác chiến, “ta lấy ngày 4-3-1975 là ngày nổ súng đánh chia cắt để cài thế chiến dịch, ngày 10-3-1975 là ngày N của toàn chiến dịch tức là ngày đánh trận then chốt quyết định ở thị xã Buôn Mê Thuột”[8].

(Còn tiếp)

 

[1] Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.34

[2] Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975, Tập VIII: Toàn thắng (Xuất bản lần thứ hai), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.226-227

[3] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr.375.

[4] Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.37.

[5] Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975, Tập VIII: Toàn thắng (Xuất bản lần thứ hai), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.242.

[6] Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975, Tập VIII: Toàn thắng (Xuất bản lần thứ hai), Sđd, tr.247.

[7] Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Sđd, tr.43.

[8] Trung tướng Hoàng Minh Thảo: Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1977, tr.73.

Lê Thủ

Bối cảnh lịch sử  Đầu năm 1975, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nhận định: “Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự, chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn thuận lợi như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, giữa lúc phong trào ba nước Đông Dương đang trên đà tiến công mạnh, giành thắng lợi ngày càng to lớn”[1]. Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975 – 1976: Năm 1975 tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích – tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn to&agrav

Tin khác cùng chủ đề

Dấu ấn của những Tổng Bí thư gắn với những thắng lợi tiêu biểu của cách mạng Việt Nam (Kỳ 1)
Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Gửi bình luận của bạn