Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về sức mạnh của quần chúng nhân dân, chủ trương thành lập, mở rộng Mặt trận để tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Trong quá trình tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam những năm 1954-1975, Đảng đã lãnh đạo thành lập Mặt trận Tổ quốc ở miền Bắc và Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở miền Nam nhằm tập hợp, đoàn kết nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên cả hai miền. Từ năm 1968, Đảng lãnh đạo thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở các đô thị miền Nam. Sau khi thành lập, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân ở cả nông thôn, miền núi và đô thị tích cực đấu tranh, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975.

Chủ trương xây dựng, mở rộng mặt trận của Đảng và phong trào đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng ở đô thị trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chủ trương xây dựng, mở rộng mặt trận của Đảng và phong trào đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng ở đô thị trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - Ngọn cờ đoàn kết của nhân dân miền Bắc và miền Nam  

Năm 1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết. Theo Hiệp định, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai vùng do hai bên kiểm soát, sau hai năm sẽ tiến hành Tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Ngay sau Hội nghị Gienève thành công, ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước nêu rõ nhiệm vụ: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí”1Để thực hiện nhiệm vụ đó, Đảng chủ trương xây dựng các hình thức mặt trận thích hợp ở mỗi miền

Tại miền Bắc, ngày 10-9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập. Năm 1956 trong thư gửi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ thiêng liêng của chúng ta là: Kiên quyết tiếp tục đấu tranh thi hành Hiệp nghị Giơnevơ, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đường lối đấu tranh chúng ta hiện nay là: Toàn dân từ Nam đến Bắc đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ra sức củng cố miền Bắc thành nền tảng vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Hễ là con Rồng cháu Lạc, người có lương tâm, thì chắc ai cũng tán thành và ủng hộ mục đích cao cả ấy. Cho nên chúng ta đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, yêu thống nhất trong cả nước và ở nước ngoài”2. Sau khi thành lập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đoàn kết các tầng lớp nhân dân, dựa chắc trên nền tảng của khối liên minh công - nông và đội ngũ trí thức; động viên, đoàn kết, tổ chức nhân dân ra sức khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, thi đua sản xuất, thực hiện các kế hoạch khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, chi viện sức người, sức của cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam, đặc biệt, nhân dân miền Bắc đã trực tiếp chiến đấu và chiến thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. 

Nhận xét việc tổ chức, đoàn kết động viên toàn dân vừa xây dựng CNXH vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhà sử học Mỹ Gabriel Kolko đã viết: “Đường lối quần chúng và sự động viên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tỏ ra là một phương pháp rất có hiệu quả và nếu không làm được như vậy thì sự sống còn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ bị nguy hại hay ít ra sẽ không đủ khả năng để duy trì cuộc chiến tranh ở miền Nam”3.

Ở miền Nam, đế quốc Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn từ chối hiệp thương với miền Bắc, tiến hành bầu cử riêng rẽ, lập nên chính thể Việt Nam Cộng hòa, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm mở các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, thẳng tay đàn áp, bắt bớ cán bộ, chiến sĩ, những người kháng chiến cũ. Từ cuối năm 1954 đến tháng 2-1959, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam 180.843 người, làm thương tật 10.185 người, giết 4.971 người4Cách mạng miền Nam đứng trước những tổn thất hết sức nặng nề.

Trước tình hình trên, năm 1959, HNTƯ 15, khóa III xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam”; nhiệm vụ trước mắt là “đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ”5. Hội nghị chỉ rõ yêu cầu và nhiệm vụ đối với cách mạng miền Nam là: Phải đẩy mạnh công tác dân vận, tiến tới thành lập một Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm thật rộng rãi lấy liên minh công nông làm cơ sở, bao gồm tất cả lực lượng yêu nước ở miền Nam, tranh thủ mọi người có thể tranh thủ được. Với đặc điểm của tình hình cách mạng Việt Nam lúc đó, Hội nghị xác định miền Nam cần có mặt trận riêng để tập hợp nhân dân đấu tranh: “vì nhiệm vụ cơ bản của mỗi miền khác nhau, cho nên nhiệm vụ, tính chất, thành phần mặt trận ở mỗi miền có chỗ khác nhau. Vì vậy, cần có mặt trận riêng cho miền Nam”6Mặt trận ở miền Nam “tuy là riêng của miền Nam, không nằm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng phải cùng thực hiện mục tiêu chung của Mặt trận Tổ quốc là nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và thực tế phải do Đảng ta lãnh đạo”7. Chủ trương của HNTƯ 15 đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân miền Nam, làm bùng lên phong trào Đồng khởi trong những năm 1959-1960, đẩy chế độ Mỹ - Diệm vào thời kỳ khủng hoảng, đưa cách mạng miền Nam bước sang giai đoạn mới. 

Trên đà thắng lợi của phong trào Đồng khởi, tháng 9-1960, Đại hội III của Đảng xác định: Để đảm bảo cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam giành được toàn thắng, nhân dân miền Nam cần ra sức xây dựng khối công nông binh liên hợp và thực hiện một Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm, lấy liên minh công nông làm cơ sở. “Mặt trận này phải đoàn kết được các giai cấp và tầng lớp yêu nước, dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số, các đảng phái và tôn giáo yêu nước, và tất cả những người có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm. Mục tiêu của Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm ở miền Nam là hòa bình, độc lập dân tộc, tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hòa bình thống nhất Tổ quốc”8

Thực hiện chủ trương trên của Đảng, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Tại Hội nghị, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam công bố Chương trình 10 điểm, nêu rõ: “Mặt trận chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sỹ yêu nước ở miền Nam Việt Nam không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của Mỹ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”9. Sau Hội nghị thành lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy siết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”10. Dưới ngọn cờ cứu nước của Mặt trận, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã anh dũng tiến công, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, làm nên những chiến thắng vang dội: chiến thắng Ấp Bắc, Ba Gia, Bình Giã…, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. 

Không chỉ đoàn kết, tập hợp nhân dân miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn thu hút được nhiều tổ chức, đảng phái, cá nhân quốc tế ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam. Đến năm 1963 đã có 321 tổ chức thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau ở 42 nước, tổ chức ngày đoàn kết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam11. Đến cuối năm 1967, đã có 41 chính phủ, 12 tổ chức quốc tế, 5 tổ chức khu vực tuyên bố ủng hộ Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận đã có cơ quan đại diện tại 12 nước, đó là: Liên Xô, Trung quốc, Cuba, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Ba Lan, Tiệp Khắc, Campuchia, Ai Cập, Angeri, Indonexia, v.v…12

Nhận xét về vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo toàn dân miền Nam Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà, là người đại diện chân chính của nhân dân miền Nam Việt Nam”13.

 2. Thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, mở rộng mặt trận chống Mỹ, cứu nước

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, 1968, Trung ương chủ trương: “Ở thành thị, kết hợp lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị từ ngoài tiến công vào với sự nổi dậy mạnh mẽ dưới nhiều hình thức của hàng triệu quần chúng nhân dân trong thành phố”14. Để thực hiện việc nổi dậy của quần chúng tại các đô thị: “Cần thành lập một Mặt trận thứ hai bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng, lấy một tên thích hợp với cương lĩnh rộng rãi hơn Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Mặt trận thứ hai này sẽ giữ thái độ độc lập với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nhưng tuyên bố thực hiện liên minh với Mặt trận Dân tộc Giải phóng và tất cả những người muốn phấn đấu cho miền Nam Việt Nam có độc lập, chủ quyền, dân chủ, hòa bình và trung lập”15. Mặt trận thứ hai này nhằm “để phân hóa địch đến mức cao độ, tranh thủ và tập hợp thêm những lực lượng, những cá nhân chống Mỹ và Thiệu-Kỳ và tranh thủ các tầng lớp trung gian ở đô thị, đồng thời để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi ở ngoài nước, trong cao trào đấu tranh sẽ tới của quần chúng”. “Mặt trận thứ hai lấy tên là “Liên minh dân tộc, dân chủ và hòa bình”16.

Thực hiện chủ trương trên trong hai ngày 20 và 21-4-1968, giới trí thức yêu nước miền Nam đã mở Đại hội thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, bầu Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch. Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra Lời kêu gọi, nêu rõ mục tiêu: “Toàn thể đồng bào trong nước và ngoài nước hãy siết chặt hàng ngũ, phát huy lực lượng hùng mạnh, cùng đứng lên nỗ lực chiến thắng ngoại xâm, giành lại độc lập, chủ quyền dân tộc, tự do dân chủ và hòa bình chân chính”; “Quyết tâm thực hiện một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập và thịnh vượng, toàn thể đồng bào hãy đoàn kết dũng cảm đứng lên. Thắng lợi huy hoàng nhất định sẽ đến với chúng ta”. Để thực hiện mục tiêu trên, “Những người Việt Nam tha thiết với độc lập, dân chủ và hòa bình không có cách nào khác hơn là phải đoàn kết đứng lên chống lại xâm lăng…”, phải “Đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, kiên quyết chống ngoại xâm, đánh đổ toàn bộ chế độ bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ, thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc, giành độc lập dân chủ và hòa bình. Sau khi giành lại chủ quyền dân tộc, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam sẽ luôn luôn đoàn kết với các lực lượng và cá nhân yêu nước, hàn gắn những vết thương chiến tranh, kiến thiết đất nước, xây dựng một quốc gia có độc lập, chủ quyền, dân chủ, hòa bình, trung lập và thịnh vượng17

Sau khi thành lập, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã thông qua giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các đô thị miền Nam để tuyên truyền, vận động, tổ chức đấu tranh, thúc đẩy hoạt động yêu nước chống Mỹ và chế độ Sài Gòn. Nhờ đó, sau Tết Mậu Thân năm 1968, phong trào nổi dậy đấu tranh chính trị, của quần chúng ở đô thị miền Nam diễn ra liên tục, mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn. Đánh giá về vai trò của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, trong thư gửi Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự ra đời và những hoạt động tích cực của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam do Chủ tịch lãnh đạo là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”18.  

3. Phong trào đấu tranh chính trị, nổi dậy quần chúng ở đô thị miền Nam

Năm 1971, Thừa Thiên Huế tổ chức 68 cuộc đấu tranh chính trị đòi quân Mỹ rút về nước, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thu hút hơn 65 vạn lượt người tham gia. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, học sinh, sinh viên tổ chức phong trào “Nghe đồng bào tôi nói, nói cho đồng bào tôi nghe”, phong trào này được học sinh, sinh viên các thành phố lớn ở miền Nam như tại Huế, Đà Nẵng hưởng ứng. Ngày 9-2-1971, khi quân đội Sài Gòn đánh sang Nam Lào, hàng vạn thanh niên, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn xuống đường đả đảo Níchxơn, Nguyễn Văn Thiệu19. Ngày 10-3-1971, “Phong trào chống chiến tranh, chống tổng động viên” của học sinh, sinh viên đã chính thức được thành lập ở Sài Gòn. Tổ chức này đã ra bản Tuyên ngôn lên án Mỹ và chính quyền Sài Gòn leo thang chiến tranh, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Lào và Campuchia, chấm dứt việc bắt thanh niên vào lính và kêu gọi các tổ chức, tôn giáo, đảng phái vùng dậy đấu tranh.

Tháng 6-1971, khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chính thức thông qua luật bầu cử “Tổng thống”, các tầng lớp nhân dân đô thị miền Nam đã tổ chức hàng loạt cuộc đấu tranh gắn việc chống trò hề bầu cử của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu với việc đòi chấm dứt chiến tranh. Ngày 7-7-1971, “Phong trào nhân dân chống trò hề bầu cử” đã được thành lập. Phong trào đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đảng phải, tôn giáo ở miền Nam như: Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, Tổng hội sinh viên, Tổng đoàn học sinh Sài Gòn, Phong trào vận động công giáo xây dựng hòa bình, v.v… Tiếp đó, trong tháng 8-1971, ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Cần Thơ, Vĩnh Long, học sinh, sinh viên tổ chức chiến dịch “tiền bầu cử” và chiến dịch “nói cho đồng bào tôi nghe, nghe đồng bào tôi nói”. Ngày 24-8, hơn 1.000 học sinh và các giới đồng bào ở Đà Nẵng đã xuống đường đấu tranh hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu”, “Đả đảo chính sách đàn áp khủng bố”. Cuộc đấu tranh ngày càng lên cao, có lúc thu hút tới 40.000 người tham gia20

Cùng với phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, phong trào đấu tranh của công nhân cũng diễn ra sôi nổi, quyết liệt. Riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định năm 1971 đã có khoảng 400 cuộc đấu tranh của công nhân. Đỉnh cao là cuộc tổng đình công ngày 24-5-1971 của 80.000 công nhân và t chức thuộc 18 nghiệp đoàn do “Ủy ban yêu sách giảm thuế lương bổng” ở Sài Gòn tổ chức nhằm đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải hủy bỏ thuế lương bổng; cuộc bãi công ngày 7-10-1971 của 700 nữ công nhân hãng pin Con Ó để phản đối bọn chủ sa thải 17 nữ công nhân21

Thắng lợi của phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân các đô thị miền Nam trong năm 1971 được Đảng “khẳng định đó là thắng lợi bước đầu trên bước đường tiến tới một cao trào chiến đấu mới rộng lớn hơn nữa ở Sài Gòn và các thành thị khác”22

Sang năm 1972, hòa nhịp với các cuộc tiến công quân sự và phong trào nổi dậy giành quyền làm chủ của đồng bào vùng nông thôn, ở các thành thị miền Nam, phong trào đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu diễn ra mạnh mẽ. Trong 3 tháng đầu năm 1972, riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã nổ ra hơn 150 cuộc đấu tranh của công nhân đòi cải thiện cuộc sống, phản đối chiến tranh xâm lược. Nổi bật là cuộc bãi công của 5.000 công nhân bến tàu Sài Gòn nổ ra ngày 17-3-1972 phản đối giới chủ không chịu giải quyết yêu sách tăng 39% lương cho công nhân. Cuộc đấu tranh đã làm tê liệt mọi hoạt động ở cảng Sài Gòn và cuối cùng buộc giới chủ phải chấp nhận đề nghị chính đáng của người lao động23

Từ năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, song song với đấu tranh quân sự, ở đô thị, các tầng lớp nhân dân miền Nam đấu tranh đòi hòa bình, hiệp thương, đòi thi hành Hiệp định Paris, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống bắt lính kết hợp với cuộc vận động đào, rã ngũ trong binh lính Sài Gòn. Sang năm 1974, trong khi quân đội và chính quyền Sài Gòn suy yếu và khủng hoảng trầm trọng về mọi mặt thì phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân miền Nam chĩa mũi nhọn vào tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu càng phát triển mạnh mẽ. Từ ngày 8-9-1974, tại Huế, khoảng 5.000 người bất chấp sự đàn áp của cảnh sát đã biểu tình, tuần hành qua các phố, nêu cao khẩu hiệu chống Thiệu độc tài, tham nhũng. Một tuần sau, ngày 15-9-1974, hơn 5 vạn nhân dân Huế lại xuống đuờng đấu tranh đòi Thiệu phải trả lời về 6 tội đã được công bố trong “Bản cáo trạng số 1”. Phong trào đấu tranh chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu độc tài, tham nhũng đã nhanh chóng lan rộng khắp các thành phố, thị xã miền Nam, từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang đến Cần Thơ, Mỹ Tho, Bến Tre... Tại Sài Gòn, ngày 10-10-1974, 5.000 đồng bào Sài Gòn xuống đường biểu tình ủng hộ giới báo chí đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ngày 13-10-1974, 29 tờ báo nhất loạt đòi đình bản. Đến 31-10-1974, hơn 5.000 đồng bào Sài Gòn đốt đuốc biểu tình đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Đây là cuộc đấu tranh lớn nhất trong chiến dịch đòi tự do báo chí, chống chính quyền độc tài, tham nhũng ở miền Nam. Từ trong cao trào đấu tranh chính trị ở các thành thị miền Nam, nhiều tổ chức chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã ra đời như “Phong trào nhân dân chống tham nhũng”, “Lực lượng hòa giải dân tộc”, “Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí và xuất bản”, “Mặt trận nhân dân cứu đói”, “Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động, “Ủy ban vận động đòi tự do nghiệp đoàn”24.

Sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng yêu nước, cách mạng và sự suy yếu nhanh chóng của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam làm cho tình thế cách mạng thay đổi, tiền đề của việc giải phóng hoàn toàn miền Nam đã chín muồi. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn về chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam, quyết định “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”25. Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu, Bộ Chính trị đã điện cho chỉ huy các chiến trường ở miền Nam “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, kho tàng nhà máy, thành lập  chính quyền cách mạng và sáp vào vận động binh sỹ bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị ngụy quân”26. “Phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược, kết hợp tiến công và nổi dậy từ ngoại thành vào, từ trong đánh ra”27.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, để phối hợp với tiến công quân sự, các địa phương đề ra các phương châm, phương thức, biện pháp tổ chức, phát động quần chúng ở khắp các thành thị và nông thôn nổi dậy giành quyền làm chủ. Tại thành phố Đà Nẵng, trong khi bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt các cứ điểm mạnh của địch, buộc địch phải tháo chạy, Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà đã lãnh đạo lực lượng quần chúng trong thành phố nổi dậy, chiếm các công sở; đón các đơn vị chủ lực vào giải phóng thành phố. Tại thành phố Sài Gòn - Gia Định, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã đưa 1.700 cán bộ xuống các quận, huyện nội và ngoại thành phối hợp với các cơ sở quần chúng phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền và giúp Ủy ban cách mạng tiếp quản thành phố. Tại Cần Thơ, Mỹ Tho, Rạch Giá, Vĩnh Long, Bến Tre, khi lực lượng vũ trang tiến công áp sát ngoại vi, quần chúng đã nổi dậy giành chính quyền. Tại Châu Đốc và Bạc Liêu, quần chúng nổi dậy kết hợp với binh vận, buộc địch đầu hàng trước khi Quân giải phóng tiến vào thành phố. Với sự kết hợp cao nhất giữa tiến công quân sự và nổi dậy quần chúng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra trong 55 ngày đã giành toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. 

Như vậy, chủ trương thành lập Mặt trận Tổ quốc ở miền Bắc, Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở miền Nam, Đảng đã tập hợp, đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc chung quanh Mặt trận, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Từ trong và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành lập, mặt trận kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được mở rộng. Nếu trước đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có lực lượng chủ yếu là ở vùng rừng núi và nông thôn đồng bằng, thì từ tháng 4-1968,Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam có thêm lực lượng trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn trên toàn miền Nam. Có thể nói, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, là thắng lợi của đường lối xây dựng và mở rộng Mặt trận của Đảng.

 

Ngày nhận bài: 12-3-2025; ngày thẩm định: 24-4-2025; ngày duyệt đăng: 29-4-2-2024

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 15, tr. 230

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 10, tr. 358-359

3. Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb QĐND, H, 2003, tr. 313

4. Cao Văn Lượng, Phạm Quang Toàn, Quỳnh Cư: Tìm hiểu phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam. Nxb. KHXH, H, 1981, tr. 18 

5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 20, tr. 81, 87, 89

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tậpNxb CTQG, H, 2002, T. 21, tr. 526

9. Trần Bạch Đằng: Chung một bóng cờ, Nxb CTQG, H, 1993, tr. 957

10. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb ST, H, 1961, tr. 9

11. Nguyễn Đình Bin (chủ biên): Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000Nxb CTQG, H, 2002, tr. 188

12. Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2008, T. 2, tr. 357

13, 18. Hồ Chí Minh Toàn tậpNxb CTQG, H, 2011, T. 15, tr. 523, 558

14, 15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tậpNxb CTQG, H, 2004, T. 29, tr. 54, 60, 164

17. Báo Nhân dân, ngày 29-4-1968

19, 20, 21, 23, 24. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học: Lịch sử Việt Nam (từ năm 1965 đến năm 1975), Nxb KHXH, H, 2017, T. 13, tr. 334, 335-336, 337, 370, 480

22. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tậpNxb CTQG, H, 2004, T. 32, tr. 451-452

25. Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắngNxb CTQG, H, 2000, tr. 138

26, 27. Đảng Cộng sản Việt NamVăn kiện Đảng Toàn tập, NXB CTQG, H, 2004, T. 36, tr. 90, 96.

 
TS DUY THỊ HẢI HƯỜNG
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - Ngọn cờ đoàn kết của nhân dân miền Bắc và miền Nam   Năm 1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết. Theo Hiệp định, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai vùng do hai bên kiểm soát, sau hai năm sẽ tiến hành Tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Ngay sau Hội nghị Gienève thành công, ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước nêu rõ nhiệm vụ: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta t

Tin khác cùng chủ đề

Dấu ấn của những Tổng Bí thư gắn với những thắng lợi tiêu biểu của cách mạng Việt Nam (Kỳ 1)
Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Gửi bình luận của bạn