Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó “... mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”1. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã để lại cho chúng ta những thành quả quý báu cùng những bài học có giá trị trường tồn, mà một trong những bài học đó là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bài học này rất cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam trong kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

1. Sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trực tiếp góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Lịch sử đã chứng minh, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của các nước XHCN và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cũng như tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc 30 năm đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nói cách khác, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những nhân tố trực tiếp góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thể hiện ở những nội dung:

Thứ nhất, khơi dậy ý chí, bản lĩnh và trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam đi đôi với tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là của Liên Xô, Trung Quốc để giành thắng lợi quyết định

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”2; đồng thời, thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã hun đúc ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta, từ Bắc chí Nam đã bước vào trận chiến đấu với khí thế hào hùng và với quyết tâm cao độ như lời căn dặn của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi tiễn đồng chí Lê Đức Thọ và Bộ Tư lệnh tiền phương: “phải thắng mới được về!”; đặc biệt là tinh thần bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến! Toàn thắng!”3. Ý chí và quyết tâm đó đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của Đảng, quân đội và nhân dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần to lớn để chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Cùng với việc khơi dậy ý chí, bản lĩnh và trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam, sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần của Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống XHCN đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tổng khối lượng viện trợ của các nước khoảng 2.362.682 tấn, trị giá khoảng 7 tỷ rúp, trong đó, phần lớn là của Liên Xô và Trung Quốc4. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đi đôi với sự ủng hộ về chính trị, tinh thần, Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống XHCN còn ủng hộ về vật chất và cố vấn, chuyên gia kỹ thuật. Trong đó, Liên Xô đã viện trợ những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại như: máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo... Đặc biệt, khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đang diễn ra quyết liệt, ngày 14-4-1975, “Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô quyết định giúp đỡ khẩn cấp cho nhân dân miền Nam Việt Nam nhiều loại dụng cụ y tế, thuốc, sữa... giá trị trên 500.000 rúp”5. Trung Quốc viện trợ chủ yếu là vũ khí bộ binh, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, một phần nhiên liệu, phương tiện vận tải và một số xe quân sự, pháo và đạn pháo.

Những vũ khí, phương tiện quân sự do Liên Xô và Trung Quốc viện trợ đã được khối óc và bàn tay của cán bộ, chiến sĩ Việt Nam cải tiến kỹ thuật, vận dụng sáng tạo trong quá trình chiến đấu, đem lại hiệu suất chiến đấu rất cao, góp phần làm nên thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đề cập đến vấn đề này, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, khóa III, trình Đại hội IV (1976) của Đảng, đã khẳng định: Vì tình nghĩa quốc tế vô sản, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em khác đã “dành cho nhân dân ta sự ủng hộ và giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu”6.

Thứ hai, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh tổng hợp của đất nước với sự ủng hộ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình, dân chủ thế giới

Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn, với tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Tại miền Nam, dù phải chịu sự đàn áp dã man, tàn bạo của địch, nhưng với ý chí quật cường, bất khuất, quân và dân Nam Bộ vẫn một lòng, một dạ đi theo cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng và sự nghiệp thống nhất đất nước; anh dũng chiến đấu, từng bước đánh bại các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, tạo tiền đề tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Tại miền Bắc, thực hiện khẩu hiệu: “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, các tầng lớp nhân dân vừa xây dựng CNXH, vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Người Việt Nam ở nước ngoài đã hướng về Tổ quốc, đóng góp vật chất, công sức hoặc cùng với nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình mở ra mặt trận đấu tranh trên thế giới và trong “lòng địch”, góp phần xứng đáng vào ngày toàn thắng của dân tộc7.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã đoàn kết một lòng, nỗ lực cao độ, tập trung lực lượng tiến công địch, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên (4-3-1975 – 3-4-1975) toàn thắng, tiếp đó là Chiến dịch Huế và Chiến dịch Đà Nẵng (5-3-1975 – 29-3-1975), kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4-1975 – 30-4-1975). Chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, các lực lượng tham gia chiến dịch đã huy động quân số lớn chưa từng có cùng một khối lượng lớn vật chất khổng lồ. Trong đó, riêng miền Bắc, từ năm 1973 đến năm 1975, đã đưa vào chiến trường 57.000 tấn đạn, 154.217 tấn vật chất khác8. Trong trận quyết chiến chiến lược quyết định, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng, Đảng chỉ đạo lấy tiến công quân sự của các binh đoàn cơ động, kết hợp chặt chẽ với sự nổi dậy của quần chúng đấu tranh chính trị và binh vận, làm tan rã nhiều bộ phận quân địch, giải phóng từng địa bàn chiến lược rộng lớn, tiến tới tổng tiến công, nổi dậy để giành thắng lợi hoàn toàn. Trong số những nhân tố góp phần vào thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một giá trị đặc biệt quan trọng, điều mà chính người Mỹ đã thừa nhận: “Tinh thần dân tộc và lòng tự hào bùng cháy, thổi lên trong mỗi lòng người dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi ngoại bang. Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất - một chí thép - giúp họ (Việt Nam - TG) thực hiện được điều tưởng như không thể. Để cuối cùng, chí thép đã đánh bại mọi công nghệ siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”9.

Trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cùng với sức mạnh nội tại của cách mạng Việt Nam thì sự cổ vũ, giúp đỡ, ủng hộ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình, dân chủ thế giới đã góp phần làm nên thắng lợi. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, để đoàn kết và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, hơn 200 tổ chức, ủy ban, phong trào đoàn kết được lập ra ở hầu hết các nước trên thế giới, thông qua các hoạt động ủng hộ, với những hình thức đa dạng và phong phú như: ghi tên tình nguyện sang giúp nhân dân Việt Nam đánh Mỹ, hiến máu nhân đạo, quyên góp tiền của, vật chất ủng hộ Việt Nam. Tại các nước tư bản cũng như nhiều nước là đồng minh của Mỹ, các tổ chức công đoàn và các đảng cộng sản là lực lượng nòng cốt trong phong trào phản đối chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ với nhiều hình thức như: biểu tình, mít tinh, ủng hộ tiền ở Thụy Điển, Pháp. Tại Mỹ, “Nhiều hoạt động phản đối chiến tranh làm rung chuyển nước Mỹ, như ngăn chặn các đoàn tàu chở lính, hàng quân dụng, vũ khí trang bị sang Việt Nam; thanh niên, sinh viên đốt thẻ quân dịch, chống đi lính,... đã tạo ra một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ”10. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của phong trào hòa bình, dân chủ thế giới. Trên các phương tiện truyền thông của nhiều nước trên thế giới đã lên án tội ác của Mỹ ở Việt Nam và cổ vũ, động viên nhân dân ta chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Hàng triệu người trên khắp thế giới ngày đêm theo dõi bước tiến, vui cùng niềm vui chiến thắng của quân và dân ta. Vì thế, “thắng lợi của chúng ta là thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình trên thế giới đã ủng hộ nhân dân ta đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược”11. Sức mạnh như vũ bão của quân dân Việt Nam và sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của phong trào hòa bình, dân chủ thế giới kết hợp đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, phát huy cao độ liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia

Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia được hình thành từ rất sớm và phát triển đến đỉnh cao trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong khối liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương, Việt Nam luôn là trụ cột. Sự phát triển của cách mạng Việt Nam đã cổ vũ, động viên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Lào và Campuchia. Ngược lại, mỗi thắng lợi của cách mạng Lào và Campuchia luôn tác động mạnh mẽ tới sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, Chính phủ và nhân dân hai nước Lào và Campuchia anh em đã tạo điều kiện cho quân đội ta mở đường vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí vào chiến trường miền Nam. Tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết gắn bó, keo sơn giữa ba dân tộc Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ở Lào, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã phát động đấu tranh với ba đòn chiến lược (nổi dậy của quần chúng nhân dân, tiến công bằng quân sự, gây áp lực; nổi dậy ly khai của một bộ phận binh sỹ) kết hợp với đấu tranh pháp lý giành quyền làm chủ trong cả nước. “Ở Campuchia, phối hợp chặt chẽ với chiến thắng của nhân dân Việt Nam, quân và dân Campuchia mở cuộc tổng công kích, lật đổ chế độ Lon Non, giải phóng Phnom Penh ngày 17-4-1975, đưa đến sự ra đời nhà nước Campuchia dân chủ. Sự đoàn kết ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại Đế quốc Mỹ, giải phóng ba nước khỏi ách xâm lược, nô dịch của Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trong cùng một thời gian tương đối gần nhau”12. Thắng lợi của hai nước Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ đối với nhân dân Lào đứng lên giành thắng lợi cuối cùng, dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2-12-1975. 

 

 

2. Vận dụng bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay

 

Từ sau khi đất nước được thống nhất, nhất là sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng chỉ rõ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những bài học quý trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong thời gian tới, trước những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải nhận thức ngày càng đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và vận dụng một cách toàn diện, sâu sắc, linh hoạt, sáng tạo bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xây dựng và phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, giữ vững độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ trong hoạch định chủ trương, đường lối kháng chiến; phát huy tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù; đồng thời, tăng cường và tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã xây dựng được lực lượng quân sự, lực lượng chính trị vững mạnh; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ rất to lớn về vật chất, tinh thần của nhân dân thế giới, đặc biệt là của các nước XHCN, nhất là Liên Xô, Trung Quốc. Chính sức mạnh nội lực về quân sự, chính trị và lực lượng áp đảo về mọi mặt cùng sự cải tiến, sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ vật chất và tinh thần của bè bạn quốc tế đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Vận dụng bài học này, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: giữ vững độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là vấn đề mang tính quy luật. Bởi chỉ có giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền lãnh thổ, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý thức tự tôn, tự cường và khát vọng vươn lên của toàn dân tộc mới hội nhập quốc tế thành công và ngược lại, hội nhập quốc tế sâu rộng, tranh thủ và khai thác tối đa mọi nguồn lực từ bên ngoài cùng với sức mạnh nội tại mới tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định 8 mối quan hệ lớn cần nắm vững và thực hiện tốt trong thực tiễn, trong đó có mối quan hệ thứ bảy là “giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”. Đến Đại hội XIII (2021), Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh cần “... giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”13.

Trong bối cảnh mới, cần tiếp tục phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước và bản lĩnh, trí tuệ, mọi tiềm năng và sức sáng tạo của con người Việt Nam ở trong nước cũng như sự đóng góp về vốn, tri thức, vật chất và tinh thần của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, làm cơ sở để phát huy năng lực nội sinh; trên cơ sở đó, tranh thủ xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển; thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; xu thế hợp tác và liên kết kinh tế; sức mạnh của sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế cũng như sức mạnh của thế giới văn minh trong kỷ nguyên số, cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức... nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu: “Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao”14.

Thứ hai, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế; đồng thời, mở rộng quan hệ của Việt Nam với các đối tác ngày càng thực chất, hiệu quả

Phát huy bài học kinh nghiệm về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã kiên định độc lập, tự chủ về chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh: đồng thời, với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ và hợp tác của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ trên cơ sở “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại... là bạn, là đối tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”15, nhằm “phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực”16. Nhờ vậy, đã xây dựng tiềm lực đất nước vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, từng bước nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

 Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đối ngoại, Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể”17 nhằm tối ưu hóa nguồn nội lực trong nước và nguồn ngoại lực để xây dựng và phát triển đất nước phát triển nhanh, bền vững, theo đúng định hướng XHCN, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Trong bối cảnh mới, quan hệ của Việt Nam với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng ngày càng phải đi vào chiều sâu, thực chất trên cơ sở gắn kết lợi ích chiến lược. Coi trọng quan hệ truyền thống hữu nghị, hợp tác gần gũi, tình nghĩa, thủy chung với các nước bạn bè truyền thống. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, của các kênh, nâng cao vai trò, thế mạnh và đặc thù của từng trụ cột, chủ thể và lực lượng tham gia công tác đối ngoại trên tất cả lĩnh vực. Tích cực tham gia các cơ chế đa phương, mở rộng hợp tác song phương để thúc đẩy phát triển và nâng cao vị thế của đất nước. Tranh thủ sáng kiến, hỗ trợ của các nước, các xu hướng liên kết, hợp tác kinh tế quốc tế mới nhằm bảo đảm ổn định, phát triển kinh tế. Chủ động đề xuất sáng kiến mới, đồng thời đóng góp vào các chương trình nghị sự quốc tế quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy xu hướng hợp tác quốc tế tích cực, thể hiện trách nhiệm ngày càng cao của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu với các loại hình, mức độ, nội hàm tham gia mới, ngang tầm với vị thế, uy tín, vai trò quốc tế của đất nước.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia lên một tầm cao mới, phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân mỗi nước và góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến công chói lọi của dân tộc Việt Nam và là đỉnh cao của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia. Thực tiễn đã khẳng định, Việt Nam - Lào - Campuchia đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất định sẽ đoàn kết chặt chẽ, xây dựng và vun đắp mối quan hệ giữa ba nước “Mãi mãi xanh tươi/Đời đời bền vững”, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân mỗi nước và góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Thực tiễn đó là kinh nghiệm quý để tiếp tục xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia lên một tầm cao mới, phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân mỗi nước và góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Vận dụng bài học này, trong bối cảnh mới, quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia cần được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Ba nước cần tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp; ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương; tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh để xây dựng mối quan hệ hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia trở thành hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế đương đại.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là trang sử chói lọi của dân tộc Việt Nam, đã để lại những bài học quý, trong đó: “Nhờ kết hợp sức mạnh của nhân dân ta với sức mạnh của thời đại, nhờ đường lối quốc tế đúng đắn của Đảng, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ rất to lớn về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của tất cả các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, tạo thành một mặt trận quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược”18. 50 năm đã trôi qua, nhưng bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vẫn vẹn nguyên giá trị, không chỉ có giá trị lý luận và thực tiễn mà còn gợi mở nhiều vấn đề quan trọng nhằm xây dựng, phát triển đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một Việt Nam, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 4/2025

1, 6, 11, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2004, T. 37, tr. 440, 938, 938, 485-486

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 280, 475-476

3. Xem Bản Quân lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngày 7-4-1975

4. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập IX: Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và bài học lịch sử, Nxb CTQG, H, 2013, tr. 226

5. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Chiến thắng 30-4-1975 - Đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H, 2020, tr. 693-694

7. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Chiến tranh nhân dân Việt Nam - Thời kỳ 1954-1975 (Một số chuyên đề), Nxb KHXH, H, 2021, tr. 158-159

8. Nguyễn Xuân Tú: Hậu phương miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb CTQG, H, 2009, tr. 215

9. Chân trần, chí thép, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr. 8

10. “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong Đại thắng mùa Xuân 1975 và giá trị hiện thực”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Hùng Vương, số 1-2020, tr. 79

12. Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự: Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sự hội tụ sức mạnh của dân tộc Việt Nam, Nxb QĐND, H, 2015, tr. 255

13, 15, 16, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. 1, tr. 164, 161-162, 110-111, 162-163

14. Tổng Bí thư Tô Lâm: “Rạng rỡ Việt Nam”, Báo Nhân dân, ngày 3-2-2025.

 
GS, TS NGUYỄN XUÂN THẮNG
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
1. Sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trực tiếp góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 Lịch sử đã chứng minh, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của các nước XHCN và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cũng như tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia đã góp phần tạo nên sức mạnh to lớn, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc 30 năm đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nói cách khác, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những nhân tố trực tiếp góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thể hiện ở những nội dung: Thứ nhất, khơi dậy ý ch

Tin khác cùng chủ đề

Dấu ấn của những Tổng Bí thư gắn với những thắng lợi tiêu biểu của cách mạng Việt Nam (Kỳ 1)
Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Gửi bình luận của bạn