Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng đã vạch rõ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam, đó là tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với đường lối cách mạng đúng đắn đó, suốt 95 năm qua, Đảng đã giữ vững vai trò lãnh đạo, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước độc lập, hòa bình, tự do; thực hiện đổi mới, hội nhập, phát triển ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam

1. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - Bước ngoặt quyết định của cách mạng Việt Nam

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, biến Việt Nam thành một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam đã xuất hiện các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp theo ý thức hệ phong kiến, tư sản và những cuộc đấu tranh tự phát của giai cấp công nhân. Mặc dù các phong trào đấu tranh yêu nước diễn ra rất sôi nổi và liên tục ở khắp các địa phương, vùng, miền, song cuối cùng đều thất bại. Điều đó chứng minh lực lượng phong kiến và tư sản, ngay cả giai cấp công nhân khi chưa có chính đảng cộng sản lãnh đạo, đều không đủ năng lực để đảm đương vai trò lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc; không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi khách quan của lịch sử Việt Nam.

Trước thực trạng khủng hoảng, bế tắc về con đường cứu nước, yêu cầu đặt ra là phải có một tổ chức cách mạng tiên phong với đường lối đúng đắn để lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập. Trong quá trình trăn trở, khảo nghiệm thực tiễn tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam phù hợp với thời đại mới. Để lãnh đạo, dẫn dắt cuộc cách mạng này trước hết phải có đảng cách mạng dẫn đường, Người khẳng định cách mạng muốn thành công: "Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi"1. Từ nhận thức đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chủ động chuẩn bị mọi mặt về chính trị tư tưởng, tổ chức và cán bộ để tiến tới sự ra đời của đảng cộng sản. Trên cơ sở đó, từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, đã diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam ở bán đảo Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc2. Đây là sự kiện trọng đại trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng đã từng cho rằng: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta”3.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và xác định con đường cách mạng đã cho thấy, kể từ đầu năm 1930, cách mạng Việt Nam đã gắn liền với xu hướng phát triển của thời đại - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới được mở ra từ cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Về lý luận, Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, lý luận cách mạng, khoa học, tiến bộ; là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Về đường lối cách mạng, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và con đường phát triển cho cách mạng Việt Nam, đó là tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, gắn liền với cách mạng CNXH. Đây là con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đất nước và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại; vì đã giải quyết được những vấn đề căn cốt của lịch sử Việt Nam là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và con người; đáp ứng được lợi ích dân tộc và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Về tổ chức, Đảng được tổ chức chặt chẽ và thống nhất. Đại hội XIII (2021) của Đảng xác định: “là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh”4có đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, sẵn sàng đấu tranh vì lý tưởng của Đảng, vì Tổ quốc và nhân dân. "Mặc dù non trẻ và nhỏ bé, Đảng Cộng sản được tổ chức tốt nhất và hoạt động mạnh nhất trong tất cả các lực lượng"5.

Với ý nghĩa đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu, khách quan, đã chấm dứt sự khủng hoảng về tổ chức lãnh đạo và đường lối cứu nước ở Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX. Trong bi cảnh các lực lượng, tổ chức, đảng phái khác trong xã hội đã thất bại, không đảm đương được vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nên ngay khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

2. Đảng luôn giữ vững vai trò lãnh đạo

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã khẳng định: “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”6Đảng cũng xác định rõ vị trí, vai trò là “cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”7 để thực hiện những cam kết chính trị và chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử.

Kể từ khi đất nước giành được độc lập (năm 1945), Đảng Cộng sản Đông Dương (từ năm 1976 là Đảng Cộng sản Việt Nam) trở thành đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vai trò cầm quyền của Đảng đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam..., là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội8. Điều này cho thấy, sự cầm quyền của Đảng là hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp; được Nhà nước, xã hội và nhân dân Việt Nam công nhận.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù xâm lược là những thế lực tư bản hàng đầu trên thế giới như thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ; chịu sự hy sinh, tổn thất không nhỏ về tổ chức và lực lượng. Tuy nhiên, Đảng đã khẳng định bản lĩnh, sức sống và năng lực lãnh đạo của một đảng cộng sản chân chính mà không một thế lực xâm lăng nào có thể khuất phục được.

Trước “chấn động chính trị” ở Đông Âu và Liên Xô cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90, thế kỷ XX làm hàng loạt đảng cộng sản và công nhân bị mất vai trò cầm quyền, lãnh đạo, dẫn đến sự phân rã của một số đảng cộng sản và công nhân và sự sụp đổ chế độ XHCN ở những quốc gia này. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vững vai trò cầm quyền, bản lĩnh, sáng suốt đề ra đường lối đổi mới đúng đắn và lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Một thực tế là, trước và sau khi Đảng ra đờitrở thành Đảng cầm quyền (từ 1945) cho đến năm 19889, ở Việt Nam đã hình thành và tồn tại nhiều đảng, tổ chức chính trị với ý thức hệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động khác nhau. Trong những năm 1945-1946, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội…, đã cấu kết với các thế lực đế quốc, phản động chống phá hòng lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng ngay khi Đảng vừa nắm quyền. Từ năm 1988 đến nay vẫn còn những tổ chức phản động tự tuyên bố lập đảng ở nước ngoài như Việt Tân, Dân chủ…, ra sức chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN ở Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng.

Như vậy, không phải có một vị trí quyền lực được sắp đặt sẵn cho Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng không phải là một con đường thẳng dễ dàng, thuận lợi trong quá trình Đảng cầm quyền; mà đó là cả một quá trình đầy ghềnh thác. Với năng lực và uy tín của một đảng cộng sản, được hun đúc bằng lửa đạn, chông gai và được chứng minh bằng những thành tựu cách mạng vĩ đại của đất nước, Đảng vẫn giữ vững vai trò cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, xã hội và nhân dân. Uy tín và năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã buộc các đảng phái chính trị đối lập phải thừa nhận: “Một Đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, tôn trọng, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì Đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”10.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong 15 năm đầu sau ngày thành lập, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi vĩ đại ấy đã khẳng định đường lối đúng đắn, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng - một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc"11.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, được sự hậu thuẫn của các nước tư bản, đế quốc, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Trong bối cảnh đó, Đảng đã khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, lãnh đạo “sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc”; phát động cuộc kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “tự lực cánh sinh”, “dựa vào sức mình là chính”, với quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến (1945-1954), dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève, miền Bắc được giải phóng, bắt đầu bắt tay vào xây dựng CNXH và tiếp tục đấu tranh tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đế quốc Mỹ đã vi phạm Hiệp định, tiến hành xâm lược với ý định biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Trong bối cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, trước kẻ thù lớn mạnh và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Đảng đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ trong quyết định đường lối đưa cách mạng Việt Nam tiến lên. Với đường lối đúng đắn và sự sáng tạo trong chỉ đạo thực tiễn, Đảng đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, tiến hành xây dựng CNXH ở miền Bắc và lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam đi đến thắng lợi với đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Trong những năm cuối thập niên 70 và 80, thế kỷ XX, Đảng tiếp tục lãnh đạo quân và dân cả nước xiết chặt hàng ngũ, đoàn kết, chiến đấu anh dũng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới ở phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, giành và giữ vững nền độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc đã tạo nền tảng vững chắc để Đảng tiếp tục lãnh đạo cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên thống nhất, hòa bình và CNXH.

Trong sự nghiệp cách mạng XHCN, Đảng thể hiện quyết tâm chính trị cao độ lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn, thách thức lớn bởi điểm xuất phát thấp, lạc hậu; vượt qua những hạn chế, sai lầm, “nhìn thẳng vào sự thật”, “đánh giá đúng sự thật”, đề ra đường lối đổi mới đất nước đúng đắn. Trải qua gần 40 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Đảng không ngừng phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực: “Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại”12. Tiềm lực, sức mạnh quốc gia không ngừng nâng lên. Đến năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,09%; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD, đứng thứ 34, giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ, xếp thứ 32/193; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.692,1 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 25,35 tỷ USD; tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 664,8 triệu USDCơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm còn 11,86%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tăng năng suất lao động đạt 5,7%. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế. Xếp hạng chính phủ điện tử toàn cầu của Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022, đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên Hợp quốc, năm 2003. Phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển con người. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 1,9%. Thu nhập bình quân của người lao động là 7,7 triệu động, tăng 8,6%13. Chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) xếp thứ 54/166 quốc gia, vùng lãnh thổ14. Độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”15.

Những thành tựu to lớn của đất nước trong quá trình thực hiện đường lối  đổi mới, hội nhập và phát triển đã chứng minh sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có khả năng lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; lợi ích của nhân dân gắn liền với sự nghiệp của Đảng; mục đích, lý tưởng của Đảng cũng là ước mơ, nguyện vọng của nhân dân”16.

3. Đảng luôn tự chỉnh đốn, tự đổi mới, đáp ứng vai trò lãnh đạo, cầm quyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”17Việc Đảng cầm quyền duy nhất rất dễ dẫn đến tệ quan liêu, bảo thủ, trì trệ. Song, Đảng Cộng sản Việt Nam có quyền tự hào và khẳng định chắc chắn cho đến nay là một trong những đảng lãnh đạo liên tục, lâu dài nhất trên thế giới với hơn 95 năm, trong đó có 80 năm liên tục lãnh đạo, cầm quyền. Đây là kết quả từ sự sàng lọc của chính lịch sử, nhưng đồng thời cũng là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu và chiến đấu không ngừng đối với chính bản thân Đảng và với các đảng phái khác, nhất là các đảng đối lập, các thế lực thù địch. Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp, của nhân dân và của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng đã từng cho rằng: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật  vĩ đại18"Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác"19.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển từ năm 1930 đến nay, Đảng luôn khẳng định sức sống bền bỉ, sự trưởng thành về mọi mặt, luôn tự chỉnh đốn, tự đổi mới để phát triển, đáp ứng vai trò lãnh đạo của nghiệp cách mạng Việt Nam.

Về nền tảng tư tưởng: Đảng luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đất nước; không ngừng học hỏi và nâng cao trình độ lý luận.  

Về tổ chức: Đảng không ngừng xây dựng, chỉnh đốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng để giữ cho tổ chức Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, thực sự cách mạng - khoa học, đáp ứng vai trò lãnh đạo toàn hệ thống chính trị và nhân dân; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng trong mọi hoàn cảnh, nhiệm vụ.

Về lực lượng: Đảng luôn giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng, liên tục bổ sung lực lượng và phát triển đội ngũ hùng mạnh cho Đảng20. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”21, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” 22, Đảng không ngừng rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, có đủ phẩm chất, uy tín, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt được tăng cường, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm.

Về năng lực cầm quyền: Đảng luôn tự đổi mới tư duy, không ngừng nâng cao năng lực hoạch định cương lĩnh, đường lối, chiến lược; có phương pháp cách mạng đúng đắn. Luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, không ngả nghiêng dao động trước những khó khăn, sóng gió. Luôn đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo trong điều kiện mới; chủ động, sáng tạo đưa ra những quyết sách phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Sự thành công của cách mạng Việt Nam trong những năm đổi mới gắn với quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng và chống tiêu cực trong Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, luôn luôn nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong mọi hoàn cảnh.

Trên con đường phát triển, Đảng không tránh khỏi những khuyết điểm, hạn chế. Tuy nhiên, Đảng đã thẳng thắn nhận khuyết điểm và sửa chữa sai lầm để tiến lên; luôn chú trọng tinh thần tự phê bình và phê bình trong mỗi cán bộ, đảng viên theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”23.

Trải qua hơn 95 năm (1930-2025), đặc biệt là trong gần 40 năm tiến hành đổi mới, tình hình thế giới có rất nhiều biến chuyển, phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá Đảng hòng làm cho Việt Nam chệch khỏi mục tiêu CNXH. Trong hoàn cảnh đó, Đảng vẫn thể hiện rõ trí tuệ sáng suốt và bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên định đường lối đổi mới, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; chú trọng giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đảng khẳng định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta… sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”24.

Những kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật đạt được trên các lĩnh vực trong hơn 95 năm qua đã khẳng định và củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tạo động lực mạnh mẽ để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam. 

 

Ngày nhận bài:6-1-2025; ngày thẩm định, đánh giá:17-4-2025; ngày duyêt đăng: 22-4-2025

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 289

2. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) ra Nghị quyết lấy ngày 3-2 dương lịch hằng năm làm Ngày Kỷ niệm thành lập Đảng. (Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 21, tr. 904

3, 17, 18, 19. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 12, tr. 406, 557-558, 400, 402

4. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2023 tr. 5

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 2, tr. 21

6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 88, 88

8. Khoản 1, Điều 4 Hiến pháp năm 2013

9. Đến năm 1988, sau khi Đảng Dân chủ Việt Nam (thành lập năm 1944) và Đảng Xã hội Việt Nam (thành lập năm 1946) tuyên bố tự giải tán, ở Việt Nam chỉ còn một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam

10 . Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức sáng ngày 3-2-2020

11. Hồ Chí Minh Toàn tập,  Nxb CTQG, H, 2011, T. 7, tr. 25

12. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, đăng trên Báo Nhân dân, ngày 01-2-2024 

13. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024, https://www.gso.gov.vn/bai-top/2025/01/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2024/

14. Theo: Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024, //kenh14.vn/bao-cao-hanh-phuc-the-gioi-2024-viet-nam-tang-11-bac-so-voi-nam-2023-20240320095751419.chn  //dantri.com.vn/kinh-doanh/viet-nam-xep-thu-54166-quoc-gia-ve-chi-so-sdgs

15, 24. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. 1, tr. 25, 104

 16. Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQG, H, 2023, tr. 369

20. Từ hơn 300 đảng viên khi Đảng mới ra đời, đến năm 2021, toàn Đảng có 5.192.533 đảng viên, sinh hoạt trong 24.788 đảng bộ cơ cở, 27.337 chi bộ cơ sở”. (Xem: “Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H, 2021, T. II, tr. 185)

21, 22, 23. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 309, 280, 301.

TS TRẦN THỊ NHẪN
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - Bước ngoặt quyết định của cách mạng Việt Nam Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, biến Việt Nam thành một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam đã xuất hiện các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp theo ý thức hệ phong kiến, tư sản và những cuộc đấu tranh tự phát của giai cấp công nhân. Mặc dù các phong trào đấu tranh yêu nước diễn ra rất sôi nổi và liên tục ở khắp các địa phương, vùng, miền, song cuối cùng đều thất bại. Điều đó chứng minh lực lượng phong kiến và tư sản, ngay cả giai cấp công nhân khi chưa có chính đảng cộng sản lãnh đạo, đều không đủ năng lực để đảm đương vai trò lãnh đạo ph

Tin khác cùng chủ đề

Dấu ấn của những Tổng Bí thư gắn với những thắng lợi tiêu biểu của cách mạng Việt Nam (Kỳ 1)
Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Gửi bình luận của bạn