Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Lịch sử dân tộc Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ XX đến nay đã minh chứng rằng: “Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta trong lúc các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”1.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng và phát triển của dân tộc
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng và phát triển của dân tộc

1. Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp đánh Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng và miền Trung đã chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Một lực lượng từ miền Bắc đã tự tổ chức vào chi viện Đà Nẵng. Không chiếm được Đà Nẵng, quân Pháp tiến vào miền Nam để đánh chiếm Nam Kỳ. Nhân dân Nam Kỳ kiên cường chống xâm lược với các phong trào tiêu biểu của Nguyễn Trung Trực, Trương Định, với tinh thần: bao giờ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây. Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp tiến ra đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), nhân dân Hà Nội do Tổng đốc Nguyễn Tri Phương lãnh đạo quyết tâm kháng chiến. Pháp đánh ra Bắc Kỳ lần thứ hai (1882), Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu đã chỉ huy kiên cường chiến đấu. 

Từ khi quân Pháp đánh Đà Nẵng và Nam Kỳ, lực lượng triều đình nhà Nguyễn đã phản ứng yếu ớt, lần lượt để mất các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Kỳ và ký các hòa ước với Pháp, Hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862), Hòa ước Giáp Tuất (15-3-1874). Sau thất bại ở Bắc Kỳ, nhà Nguyễn đã ký Hiệp ước Hacmăng (Harmand) ngày 25-8-1883, tiếp đó là Hiệp ước Patơnốt (J.Patenôtre) ngày 6-6-1884 với Pháp. Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Ngày 17-10-1887, Tổng thống Pháp ký Sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise).

Mặc dù triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng thực dân Pháp, nhưng một bộ phận những người yêu nước trong triều đình và các tầng lớp nhân dân vẫn tiếp tục kháng chiến và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược với các xu hướng chủ yếu:

Xu hướng đấu tranh yêu nước theo tư tưởng phong kiến, đấu tranh giành độc lập, bảo vệ chế độ phong kiến, tiêu biểu là Phong trào Cần Vương bắt đầu từ tháng 7-1885. Ngày 13-7-1885, Vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương quyết tâm chống xâm lược. Sau khi Vua Hàm Nghi bị bắt tháng 11-1888, phong trào Cần Vương vẫn phát triển với các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu: Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1888) ở Hưng Yên do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo; Khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa (1886-1887) của Trần Xuân Soạn, Phạm Bành, Đinh Công Tráng; Khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1887-1892) ở Thanh Hóa do Tống Duy Tân và Cao Điển lãnh đạo; Khởi nghĩa Hương Khê ở Hà Tĩnh (1885-1895) do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Những năm đầu thế kỷ XX, các vị vua yêu nước như Thành Thái và Duy Tân tiếp tục nêu cao tư tưởng yêu nước chống Pháp.

Một xu hướng đấu tranh rộng rãi của nông dân diễn ra trên cả nước, cả ở miền xuôi và miền núi, tiêu biểu là phong trào nông dân Yên Thế ở Bắc Giang (1884-1913).

Đầu thế kỷ XX xuất hiện phong trào đấu tranh theo tư tưởng dân chủ tư sản. Tiêu biểu là Phan Bội Châu với xu hướng bạo động, từ Hội Duy Tân đến Phong trào Đông Du. Phan Châu Trinh theo xu hướng cải cách với các cuộc vận động Duy tân.

Việt Nam Quốc dân Đảng được thành lập (25-12-1927) tiêu biểu cho khuynh hướng dân chủ tư sản. Khởi nghĩa Yên Bái (9-2-1930) do tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng phát động đã bị Pháp đàn áp đẫm máu. Thất bại của Khởi nghĩa Yên Bái cũng kết thúc xu hướng dân chủ tư sản trong phong trào yêu nước.

Tất cả các phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ XIX đến 30 năm đầu thế kỷ XX diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, song đều thất bại trước sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp. Các phong trào thất bại vì đều do thiếu đường lối chính trị phù hợp nhằm giải quyết những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của một xã hội thuộc địa nửa phong kiến; thiếu tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp, đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc; và vì thiếu phương pháp đấu tranh thích hợp để tạo nên sức mạnh tổng hợp làm chuyển biến so sánh lực lượng giữa dân tộc bị áp bức với thế lực thực dân xâm lược.

Trong hoàn cảnh như thế, tháng 6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã khởi đầu cuộc hành trình cứu nước với một suy nghĩ và phương pháp mới: sang các nước phương Tây và các nước khác xem người ta làm như thế nào để trở về giúp đồng bào mình. Nguyễn Ái Quốc đã qua Pháp, các nước châu Phi, châu Mỹ, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở lại Pháp, năm 1919 bắt đầu sự nghiệp đấu tranh chính trị với việc tham gia Đảng Xã hội Pháp và gửi yêu sách tới Hội nghị Vécxây (Versailles). Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận tư tưởng của Lênin về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa và tìm thấy con đường đấu tranh giải phóng đúng đắn - con đường Cách mạng Tháng Mười Nga; tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

Suốt những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc hoạt động không mệt mỏi trong Đảng Cộng sản Pháp, trong Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô, tiếp đó ở Trung Quốc và nhiều nước châu Âu, châu Á. Nguyễn Ái Quốc thực hiện cả trách nhiệm quốc tế và sứ mệnh giải phóng dân tộc. Suốt 10 năm, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, giác ngộ và thức tỉnh tinh thần yêu nước và ý thức tự giác cách mạng của toàn dân tộc; định hình những quan điểm chính trị đúng đắn về đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, chiến lược và sách lược cách mạng; xây dựng tổ chức yêu nước và cách mạng với Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và huấn luyện, đào tạo cán bộ. Đó là sự chuẩn bị cơ bản, công phu và cần thiết các điều kiện về tư tưởng, lý luận, chính trị, tổ chức để xây dựng một đảng cách mạng chân chính. 

Trả lời câu hỏi đặt ra: cách mệnh trước hết phải có cái gì? Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”2.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã đề ra Cương lĩnh chính trị đúng đắn với mục tiêu chiến lược là làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản. Trước hết phải đánh đổ sự thống trị của đế quốc và phong kiến, mang lại độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Phải tập hợp và đoàn kết rộng rãi lực lượng của toàn dân tộc với lực lượng cơ bản là công nhân và nông dân. Tiến hành biện pháp đấu tranh cách mạng chứ không phải cải cách, thỏa hiệp. Cần phải xây dựng Đảng, đội tiền phong của giai cấp, liên lạc mật thiết với mọi lực lượng của dân chúng. Chú trọng liên lạc với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Sự kiện thành lập Đảng với Cương lĩnh chính trị đầu tiên là bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh và phát triển của dân tộc Việt Nam. Nội dung của Cương lĩnh đã giải quyết những vấn đề căn bản của cách mạng, lợi ích dân tộc, quốc gia và quyền sống chính đáng của con người; chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về đường lối và lãnh đạo - tình hình đen tối như không có đường ra. “Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”3.

Công lao vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trước hết ở sự lựa chọn đúng đắn con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc: muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Người đã kiên định lý tưởng, con đường cách mạng đó và định hướng đúng đắn cho Cương lĩnh của Đảng đã hòa nhập vào xu thế chung của thời đại, tiếp cận tư tưởng, lý luận cách mạng tiên phong. 

Lý tưởng và con đường cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc kiên định còn được những nhà yêu nước nổi tiếng của Việt Nam có mặt ở Pháp như Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường ủng hộ và giúp đỡ. Nguyễn Thế Truyền tham gia viết báo Le Paria, hoạt động trong Hội Liên hiệp thuộc địa và đã viết lời giới thiệu tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (Le Procès de la Colonisation Française) của Nguyễn Ái Quốc xuất bản lần đầu năm 1925. Phan Văn Trường nghiên cứu chủ nghĩa Mác và Nguyễn An Ninh đã hướng tới tư tưởng giải phóng và tự do. Khi về nước, Nguyễn An Ninh đăng bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Le Manifeste Communiste) của Mác và Ăngghen do Phan Văn Trường mang về từ Pháp. Đặc biệt, Phan Châu Trinh với chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đồng thời ủng hộ, đặt niềm tin vào con đường của Nguyễn Ái Quốc. Trong một bức thư gửi cho Nguyễn Ái Quốc, đề ngày 18-2-1922, ông khuyên Nguyễn “trở về nơi thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế”. Ông ví mình như “cây già”, “hoa sắp tàn”, còn Nguyễn Ái Quốc như “cây đương lộc”, “nghị lực có thừa, dầy công học hỏi, lý thuyết tinh thông”4.

Sau thất bại của Hội Duy Tân, Phong trào Đông Du, Việt Nam Quang phục hội, Phan Bội Châu đã tìm hiểu, nghiên cứu con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga. Khi ở Trung Quốc, ngày 14-2-1925, Phan Bội Châu gửi thư cho Nguyễn Ái Quốc như một sự tin cậy, ủy thác sự nghiệp đấu tranh cho thế hệ kế tiếp. Phan Bội Châu cảm phục Nguyễn Ái Quốc, một thiếu niên thông minh, có chí khí năm xưa, nay đã trở thành nhà cách mạng trưởng thành: “Nhớ lại hai mươi năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu gõ án ngâm thơ, anh em cháu thảy đều chưa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu, bác thấy rất xấu hổ. Nhận được liên tiếp hai lá thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác, gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được”5.

Sự lựa chọn con đường đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc được thế hệ đi trước ủng hộ và những người cùng thời hưởng ứng, đi theo, vì con đường đó đáp ứng sự nghiệp đấu tranh giải phóng và phát triển của dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng đúng đắn vào đặc điểm của cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Đặc điểm nổi bật là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam bị áp bức với thế lực đế quốc, thực dân cai trị phát triển gay gắt và trở thành vấn đề bức thiết của cách mạng; mâu thuẫn giai cấp có nhưng không phải là chuyện sống còn của dân tộc vì giai cấp địa chủ, tư bản bản xứ nhỏ yếu cả về kinh tế và chính trị, cả về thế và lực. Đấu tranh giai cấp diễn ra không giống các nước trên thế giới.

3. Khi Đảng ra đời, ngay trong cương lĩnh chính trị đầu tiên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc. Quan điểm đó được thực tiễn cách mạng kiểm nghiệm và chứng minh là đúng đắn qua các cao trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng (11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Nghị quyết nêu rõ: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”6. “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”7

Tháng 9-1940, phát xít Nhật đánh chiếm Việt Nam và Đông Dương. Nhật và Pháp câu kết với nhau cai trị các dân tộc Việt Nam và Đông Dương, mâu thuẫn dân tộc ngày càng phát triển, báo hiệu một thời kỳ bùng nổ cách mạng. Các cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (9-1940), Khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940) và Binh biến Đô Lương (1-1941) liên tiếp nổ ra. Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc mở rộng về quy mô và lực lượng tham gia. Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng. Tháng 5-1941, Người chủ trì HNTƯ 8, phát triển toàn diện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Nghị quyết HNTƯ 8 tiếp tục nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp. “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc. Vậy thì quyền lợi của nông dân và thợ thuyền phải đặt dưới quyền lợi giải phóng độc lập của toàn thể nhân dân”8

Với đường lối đúng đắn, hình thức tổ chức và phương pháp cách mạng thích hợp, Đảng đã tập hợp, đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc tạo nên thực lực cách mạng. Đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, đi từ khởi nghĩa từng phần, giành thắng lợi từng bước, chủ động nắm bắt thời cơ và khi điều kiện đã chín muồi, Đảng kiên quyết phát động toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 giành độc lập cho dân tộc và giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh lãnh đạo là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình, là bước phát triển sáng tạo thực tiễn và lý luận về cách mạng giải phóng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cuộc đấu tranh giải phóng giành thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên mới trong sự phát triển của dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên đất nước độc lập, nhân dân làm chủ xã hội và chuẩn bị những tiền đề để tiến lên con đường XHCN. 

Đất nước mới độc lập, chính quyền nhân dân còn non trẻ, thực dân Pháp đã quay lại chiếm Nam Bộ (23-9-1945), mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai. Khi thực dân Pháp thất bại sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), đế quốc Mỹ đã thế chân Pháp ở miền Nam tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất đối với một dân tộc, một quốc gia độc lập có chủ quyền. Dân tộc Việt Nam phải tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc suốt 30 năm (23-9-1945 – 30-4-1975) để giành độc lập, thống nhất hoàn toàn. Trong chặng đường đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt, tự hào đó, Đảng tiếp tục nêu cao ngọn cờ dân tộc, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến toàn thắng. Chế độ và Nhà nước dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh lãnh đạo đã tạo nên sức mạnh mới cho dân tộc, chiến thắng những thế lực xâm lược hùng mạnh và tàn bạo nhất trong thế kỷ XX.

Thế kỷ XX, CNTB phát triển thành CNĐQ, một mặt áp bức, bóc lột những người lao động trong nước, mặt khác đẩy mạnh chiến tranh xâm chiếm các thuộc địa, áp đặt chủ nghĩa thực dân đối với các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu. Vì vậy, CNTB không phải là con đường mà các dân tộc bị CNTB cai trị hướng tới. Theo quy luật vận động của lịch sử các hình thái kinh tế-xã hội, từ thế kỷ XIX, C.Mác-Ph.Ăngghen đã phát triển nhận thức, xây dựng lý luận về CNXH khoa học. Trải qua nhiều biến cố cách mạng, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là sự khởi đầu quá trình hiện thực hóa CNXH. Đó là quá trình chuyển biến cách mạng khó khăn, phức tạp, lâu dài, có thành công và thất bại, nhưng theo quy luật, loài người nhất định đi tới CNXH.

4. Trong cuộc hành trình cứu nước, năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã cho rằng, do những điều kiện riêng về lịch sử và xã hội mà CNXH, CNCS có thể áp dụng được ở châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng dễ dàng hơn ở châu Âu. Người cũng nhấn mạnh cần nhận thức đúng đắn về CNXH, CNCS. Tránh nhận thức “tả khuynh” phá bỏ tất cả quá khứ hay phạm vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Với tinh thần ấy, Cương lĩnh của Đảng thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã dứt khoát lựa chọn con đường XHCN khi giành được độc lập hoàn toàn cho dân tộc.

Xây dựng CNXH đòi hỏi phải có những tiền đề và điều kiện nhất định. Đó là lý luận khoa học về CNXH. Là chế độ chính trị tiên tiến có khả năng tổ chức, cải biến và tạo dựng nền kinh tế-xã hội vì lợi ích của con người, của nhân dân. Là cơ sở xã hội mà nòng cốt là công nhân, nông dân thực hiện quyền làm chủ thật sự, phát triển hết khả năng trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Năm 1954, miền Bắc được giải phóng và quá độ lên CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh những đặc điểm riêng để từ đó đề ra đường lối, phương châm và bước đi thích hợp và phải tìm ra quy luật riêng của Việt Nam, không thể làm giống các nước khác. Đó là sự khởi đầu quá trình hiện thực hóa CNXH ở Việt Nam. Ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và tiến hành cách mạng XHCN, xây dựng CNXH trên cả nước, đồng thời bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Đại hội VI của Đảng (12-1986) đề ra đường lối đổi mới trên cơ sở nhận thức đúng đắn hơn về CNXH, về thời kỳ quá độ và thực tiễn của Việt Nam. Đại hội VII của Đảng (6-1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội XI của Đảng (1-2011), từ thực tiễn 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, đã bổ sung và phát triển Cương lĩnh, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Trải qua các thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc (1954-1975), xây dựng CNXH trên cả nước (1975-1986), đặc biệt công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn. Sáng tỏ hơn về mục tiêu và mô hình 8 đặc trưng của xã hội XHCN của Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh. Sáng tỏ hơn về chế độ chính trị, về mô hình phát triển kinh tế, cơ cấu và chính sách xã hội và về hình thức, chặng đường, bước đi của thời kỳ quá độ. Nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài và nhận thức rõ quan điểm của Lênin: cách mạng XHCN là một thời đại. Sáng tỏ hơn về nội dung và khả năng bỏ qua chế độ TBCN, đồng thời tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ TBCN.

Từ khi ra đời đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn dân tộc Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử và thời đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam); thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên CNXH. Từ một nước thuộc địa, phong kiến nghèo nàn, lạc hậu trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, không ngừng nâng cao sức mạnh về mọi mặt, khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng, giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc và phát triển theo con đường XHCN triệt để giải phóng xã hội, vì tự do, hạnh phúc của con người.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 1/2015

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, T. 51, tr. 13-14

2.  Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 289

3. Sđd, T. 12, tr. 406

4. Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ: Đại cương Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1999, T. II, tr.252

5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nxb Lý luận chính trị, H, 2006, tr. 161

6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 6, tr. 536, 539

8. Sđd, T. 7, tr. 119-120.

PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp đánh Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng và miền Trung đã chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Một lực lượng từ miền Bắc đã tự tổ chức vào chi viện Đà Nẵng. Không chiếm được Đà Nẵng, quân Pháp tiến vào miền Nam để đánh chiếm Nam Kỳ. Nhân dân Nam Kỳ kiên cường chống xâm lược với các phong trào tiêu biểu của Nguyễn Trung Trực, Trương Định, với tinh thần: bao giờ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây. Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp tiến ra đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), nhân dân Hà Nội do Tổng đốc Nguyễn Tri Phương lãnh đạo quyết tâm kháng chiến. Pháp đánh ra Bắc Kỳ lần thứ hai (1882), Tổng đốc Hà Nội Hoà

Tin khác cùng chủ đề

Dấu ấn của những Tổng Bí thư gắn với những thắng lợi tiêu biểu của cách mạng Việt Nam (Kỳ 1)
Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Gửi bình luận của bạn