Khi nói về Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”(1). Thiếu tướng Nguyễn Thị Định là biểu tượng cao đẹp của phụ nữ miền Nam “thành đồng Tổ quốc”, người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Thị Định - biểu tượng người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời đại Hồ Chí Minh
Đồng chí Nguyễn Thị Định - biểu tượng người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời đại Hồ Chí Minh

 

1. Mở đầu

Đồng chí Nguyễn Thị Định - Nữ tướng anh hùng, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bến Tre. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi là một chiến sĩ cộng sản tham gia trong phong trào Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền, là Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đến khi đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có đóng góp to lớn đối với phong trào Đồng khởi, với cách mạng miền Nam và sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.

2. Nội dung

2.1. Tấm gương chiến sĩ kiên cường, Nữ tướng anh hùng của dân tộc

Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920, là con út trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, trực tiếp chứng kiến sự bóc lột, khủng bố tàn bạo của thực dân và nỗi cơ cực của đồng bào, được người anh ruột giác ngộ, Nguyễn Thị Định sớm tham gia phong trào cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Năm 1938, với những đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong năm đó, Nguyễn Thị Định xây dựng gia đình với đồng chí Nguyễn Văn Bích - Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, nhưng không bao lâu thì chồng bà bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo.

Năm 1940, Nguyễn Thị Định bị thực dân Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước), là nơi rừng sâu, nước độc giáp với biên giới Campuchia. Với ý chí kiên cường, Nguyễn Thị Định cùng những người bạn tù biến nhà tù thực dân tăm tối và tàn bạo thành trường học cách mạng. Trong sự tra tấn dã man của bọn cai tù, bệnh tim của đồng chí ngày càng nặng, sức khỏe ngày càng suy yếu. Do sự đấu tranh quyết liệt của các chị em trong tù, cai tù phải chấp nhận đưa đồng chí về điều trị tại Nhà thương Biên Hòa, sau đó về quản thúc tại địa phương. Trở về với vết thương chưa kịp lành, đồng chí đã nhanh chóng liên lạc với tổ chức Đảng và tham gia phong trào Việt Minh của tỉnh. Ba tháng sau, khi nhận được tin chồng hy sinh ngoài Côn Đảo, nén đau thương, đồng chí tích cực hoạt động, tham gia giành chính quyền tại Bến Tre. Nguyễn Thị Định đã cầm cờ dẫn đầu hàng nghìn quần chúng tiến vào chiếm thị xã Bến Tre.

Sau khởi nghĩa giành chính quyền, cách mạng miền Nam gặp muôn vàn khó khăn do âm mưu xâm lược của Pháp. Những tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946, tình hình trở nên gay go, ác liệt, bất lợi cho cách mạng, đã đặt ra vấn đề bức thiết với phong trào cách mạng miền Nam là mở ra một con đường để tiếp nhận vũ khí và các nhu yếu phẩm của miền Bắc chuyển vào phục vụ chiến trường. Tháng 3-1946, Nguyễn Thị Định được Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre tin tưởng, giao trọng trách tham gia đoàn đại biểu quân - dân - chính - đảng Khu 8 đi bằng đường biển ra Trung ương, thực hiện nhiệm vụ báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí.

Bằng lòng quả cảm, trí thông minh, thuyền trưởng Nguyễn Thị Định cùng các thành viên trong đoàn đã đưa con thuyền chở 12 tấn vũ khí chi viện trở về miền Nam an toàn. Số vũ khí mà đoàn công tác đưa về có ý nghĩa lớn đối với quân và dân miền Nam, không chỉ góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt trang bị vũ khí, giúp lực lượng dân quân có thêm cơ sở để tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, mà còn là tiền đề để Trung ương có cơ sở nghiên cứu, đánh giá, đi tới quyết định thành lập tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Năm 1947, Nguyễn Thị Định được bầu vào Tỉnh ủy Bến Tre. Từ năm 1947 đến năm 1951, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre, Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày, Chủ tịch Mặt trận huyện. Năm 1953, đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng Ban phụ vận và Ủy viên Mặt trận tỉnh Bến Tre. Năm 1954, đồng chí được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy bí mật.

Những năm sau Hiệp định Giơnevơ, nhân dân miền Nam sống trong cảnh ngột ngạt của chế độ Mỹ - Diệm. Tháng 4-1959, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa thông qua Đạo luật 91, được Ngô Đình Diệm ban hành ngày 6-5-1959 mang tên Luật 10/59 về việc thành lập các “Tòa án Quân sự Đặc biệt” với lý do “xét xử các tội ác chiến tranh chống lại chế độ Việt Nam Cộng hòa”. Với Luật 10/59, chúng lê máy chém đi khắp miền Nam công khai giết hại những người cộng sản và quần chúng cách mạng, đặt cách mạng miền Nam trước những thử thách ngặt nghèo nhất. Bản thân Nguyễn Thị Định cũng bị chính quyền Mỹ - Diệm truy tìm gắt gao.

Trước bối cảnh đó, tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) đã họp và xác định “đường lối cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”(2), sử dụng “phương pháp đấu tranh trước mắt là kết hợp sử dụng hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp, kết hợp chặt chẽ phong trào ở đô thị với phong trào ở nông thôn và vùng căn cứ,… ở những nơi sử dụng lực lượng vũ trang tự vệ, vũ trang tuyên truyền phải thấu suốt nguyên tắc phục vụ cho đấu tranh chính trị”(3). Hội nghị xác định phải thành lập một Mặt trận rộng rãi ở miền Nam, nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc và tay sai.

Nghị quyết 15 của Trung ương ra đời và đến với cách mạng miền Nam như “nắng hạn gặp mưa rào”. Tháng 12-1959, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Định dẫn đầu Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre tham dự cuộc họp do Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ tổ chức tại căn cứ Tam Thường (Hồng Ngự - Kiến Phong). Tại Hội nghị, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ và căn cứ điều kiện thực tế, Liên Tỉnh ủy chủ trương: “Phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ ở nông thôn, đối với các tỉnh tiếp giáp căn cứ Đồng Tháp Mười đều tích cực đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, hỗ trợ nông dân nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch, giành quyền là chủ ấp, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa đồng loạt”(4).

Dựa vào quần chúng, dựa vào trí tuệ tập thể và bản lĩnh quân sự, Nguyễn Thị Định cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo phong trào “Đồng khởi” bắt đầu từ ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh, sau đó lan rộng ra toàn tỉnh, tạo nên sức mạnh “như nước vỡ bờ”. Đồng khởi Bến Tre đã mở đầu cho cao trào tấn công và nổi dậy của toàn miền Nam và là nơi khởi đầu của “Đội quân tóc dài” - đội quân có một không hai trên thế giới, đã trở thành biểu tượng phụ nữ Việt Nam kiên cường, trung hậu do Nguyễn Thị Định lãnh đạo.

Giữa lúc phong trào Đồng khởi đang diễn ra quyết liệt, khi biết tin người con trai duy nhất là Nguyễn Ngọc Minh - được đưa ra Bắc học tập từ sau năm 1954, bị bệnh mất, đồng chí đã nén đau thương, tiếp tục lãnh đạo phong trào Đồng khởi đến thắng lợi. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi mở ra vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn, góp phần quan trọng đưa đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 20-12-1960. Trong quá trình lãnh đạo Đồng khởi Bến Tre, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre.

Năm 1961, Nguyễn Thị Định là Khu ủy viên Khu 8. Năm 1964, đồng chí được bầu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1965, Nguyễn Thị Định giữ chức Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam; sau đó tại Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam, được bầu là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam. Tháng 4-1974, Nguyễn Thị Định được vinh dự phong quân hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên cương vị Phó Tư lệnh, Nguyễn Thị Định đã cùng Bộ Chỉ huy miền Nam lãnh đạo cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trước mỗi tình huống khó khăn, đồng chí luôn tìm ra phương án đánh địch táo bạo và dám chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Tiêu biểu như trận đánh chống càn vào tháng 2-1967, trong cuộc hành quân Gianxon Xity của Mỹ - Ngụy nhằm xóa số căn cứ Trung ương Cục miền Nam của ta.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Nguyễn Thị Định được Bộ Tư lệnh phân công đi chỉ đạo tỉnh Tây Ninh. Đến Tây Ninh, đồng chí phổ biến Nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ Tư lệnh Miền, nhấn mạnh tình hình khó khăn của Tây Ninh do địch lập các ấp chiến lược trong đó có bọn tay sai đội lốt tôn giáo lôi kéo nhân dân. Với kinh nghiệm chỉ đạo Đồng khởi và chống càn của Mỹ - ngụy, đồng chí chỉ đạo đưa cán bộ nữ vào ấp chiến lược, xây dựng cơ sở để khi anh em tấn công có chỗ ém quân, xây dựng lực lượng tự vệ mật tại chỗ, tranh thủ các tín đồ, tích cực làm công tác binh vận để làm tan rã quân Cao Đài do Ngụy xây dựng, cô lập chức sắc tay sai…

Tháng 3-1970, sau khi Lon Non tiến hành đảo chính lật đổ Sihanouk và giành quyền kiểm soát Chính phủ Campuchia, các căn cứ của ta ở biên giới Campuchia gặp nhiều khó khăn, Nguyễn Thị Định rất bản lĩnh khi đưa ra quyết định: trong lúc chờ chủ trương của Bộ, của Trung ương Cục, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước cấp trên và quyết định đánh. Khi Mỹ cho quân đổ bộ xuống địa điểm Xóm Giữa, mở trận càn với quy mô lớn hòng quyết tâm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, đồng chí đã phân tích tình hình và chủ động tìm phương án đối phó, bảo vệ căn cứ. Một mặt, đồng chí chỉ đạo gần một nghìn cán bộ cơ quan hành quân di chuyển, đồng thời ngụy trang chu đáo các kho tàng, phân tán các kho lớn; mặt khác chỉ đạo các lực lượng vũ trang anh dũng chiến đấu ngăn chặn được bước tiến của quân địch, bảo vệ được kho tàng và vùng căn cứ trong đó có cơ quan đầu não của ta. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân 1975, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định cùng Bộ Tư lệnh Miền tham mưu để Quân ủy Trung ương kịp thời xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Thị Định giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IV, V, VI), Đại biểu Quốc hội (khóa VI, VII, VIII), Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Trên những cương vị mới, đồng chí tiếp tục thể hiện là một người lãnh đạo có tầm nhìn, có bản lĩnh, uy tín, quan tâm sâu sắc đến đời sống nhân dân. Với bạn bè thế giới, nữ tướng Nguyễn Thị Định là biểu tượng của cuộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, đoàn kết, hữu nghị của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới.

2.2. Tấm gương trung hậu, đảm đang, luôn đi đầu trong công tác phụ nữ

Là chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nữ tướng thao lược, Nguyễn Thị Định còn là một phụ nữ khiêm nhường, trung hậu, đảm đang, giản dị và giàu lòng vị tha, nhân ái.

Khi bị giam cầm, bị bệnh nặng, phải đối diện với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù, nhưng Nguyễn Thị Định và những người cộng sản đã biến nhà tù tối tăm thành nơi tỏa sáng niềm lạc quan cách mạng. Trong tù, chị Ba Bích - tên gọi thân thương mà những người bạn tù dành cho đồng chí, thường dạy cho chị em cách đối phó với bọn quản tù; tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho những người bạn tù. Sự gần gũi, yêu thương giúp đỡ bạn tù như những người thân, truyền ý chí đấu tranh cho họ khiến chị trở thành trung tâm đoàn kết, đấu tranh của khu nhà B - nơi giam giữ tù nhân nữ.

Trên chiến trường khốc liệt của miền Nam, hình ảnh Phó Tổng Tư lệnh Nguyễn Thị Định như truyền một niềm tin, một sức mạnh của tình yêu và lòng quả cảm đến cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ tiếp đón chị không chỉ như người chỉ huy, mà còn như người chị thân thương, với tên gọi “chị Ba” trìu mến.

Là người phụ nữ trải qua nỗi đau khổ mất chồng, mất con, bản thân bị tù đày, vào sinh ra tử, chị Ba Định thấu hiểu sâu sắc và dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ, đồng thời là người tiên phong trong việc khẳng định vị thế phụ nữ. Dưới sự lãnh đạo của chị, phong trào phụ nữ “đội quân tóc dài” đã trở thành một đội quân độc đáo, là minh chứng rõ nét về phụ nữ không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là những chiến sĩ kiên cường, dám đối đầu với kẻ thù trên mọi mặt trận. Thông qua hành động quả cảm và sự dấn thân của mình, chị đã truyền cảm hứng và khích lệ hàng triệu phụ nữ Việt Nam tham gia tích cực và góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, từ thực tế sinh động của phong trào phụ nữ, trên cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Định đặc biệt quan tâm tới công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, luật pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và khơi dậy, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam. Dấu ấn quan trọng của đồng chí Nguyễn Thị Định với công tác Hội và phong trào phụ nữ là đề xuất tham mưu Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ, đề xuất Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 163-HĐBT ngày 19-10-1988 quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên thể chế hóa vai trò đại diện cho quyền làm chủ của các tầng lớp phụ nữ tham gia quản lý nhà nước, như: được mời tham gia bàn bạc về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính sách, pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước về những việc có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tham gia các Hội đồng tuyển sinh, tuyển lao động, khen thưởng...

Từ Quyết định số 163, nhiều chính sách đối với phụ nữ do Hội đề xuất đã được ban hành, như: trợ cấp cho cán bộ nữ đi học, cấp đất làm nhà cho phụ nữ đơn thân, giải quyết lao động dôi dư, miễn giảm ngày công lao động nghĩa vụ đối với phụ nữ… Đồng chí Nguyễn Thị Định là người đặt nền móng và dành nhiều tâm huyết cho sự ra đời của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

3. Kết luận

Cuộc đời và những cống hiến của nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân noi theo. Là nữ tướng anh hùng, nhà lãnh đạo có uy tín, hình ảnh của đồng chí Nguyễn Thị Định đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang, trao truyền giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam hôm nay và mai sau, truyền cảm hứng cho phụ nữ thế giới trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ, được bạn bè và nhân dân thế giới tin yêu, kính trọng.

_________________

Email tác giả: lehang1242003@yahoo.com

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 173

(2) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2000), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr. 157

(3) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 - 2000), Sđd, tr. 157

(4) Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 8: Quân khu 8 - 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.341

 

 

TS LÊ THỊ HẰNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

  1. Mở đầu Đồng chí Nguyễn Thị Định - Nữ tướng anh hùng, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bến Tre. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi là một chiến sĩ cộng sản tham gia trong phong trào Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền, là Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đến khi đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có đóng góp to lớn đối với phong trào Đồng khởi, với cách mạng miền Nam và sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc. 2. Nội dung 2.1. Tấm gương chiến sĩ kiên cường, Nữ tướng anh hùng của dân tộc Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920, là con út trong gia

Tin khác cùng chủ đề

Dấu ấn của những Tổng Bí thư gắn với những thắng lợi tiêu biểu của cách mạng Việt Nam (Kỳ 1)
Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Gửi bình luận của bạn