Trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như chiến tranh giải phóng, giữ vững nền độc lập, sự lãnh đạo tài tình của Đảng giữ vai trò quyết định, trong đó việc tận dụng thời cơ thuận lợi để nhanh chóng tiến tới thắng lợi cuối cùng. Bài viết làm rõ Đảng lãnh đạo chớp thời cơ tiến hành trong Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Nghệ thuật lãnh đạo chớp thời cơ của Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh giải phóng
Nghệ thuật lãnh đạo chớp thời cơ của Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh giải phóng

1. Lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945

Trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc 1930-1945, với tinh thần yêu nước và quyết tâm hy sinh, khát vọng giành độc lập dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành những cao trào cách mạng, những cuộc khởi nghĩa mạnh mẽ quyết liệt.

Tiêu biểu là cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh với sự thành lập của các Xôviết công nông, một hình thức chính quyền cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo. Đó là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940, được xem là biểu tượng cho ý chí quật cường và khát vọng độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam dưới chính sách áp bức, bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp. Tuy nhiên, cả hai cuộc đấu tranh cách mạng quyết liệt này cuối cùng đã thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt. Hàng nghìn chiến sĩ cộng sản và quần chúng yêu nước bị bắt bớ, tù đày, sát hại.

Lý do chủ yếu phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh và cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nói trên không giành được thắng lợi là do chưa có thời cơ cách mạng. Chính quyền thực dân, phong kiến trong thời gian còn khá vững chức, khi phong trào cách mạng nổ ra, chúng đã huy động các lực lượng vũ trang, cảnh sát, mật vụ thẳng tay đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Đồng thời, ở những thời điểm này, lực lượng cách mạng cũng chưa thực sự bảo đảm đủ mạnh để có thể giành và giữ được những thắng lợi giành được lúc ban đầu. Đó là lý do chính quyền cách mạng công nông đầu tiên ở Nghệ An, Hà Tĩnh trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, cũng như một số địa phương ở Nam Bộ giành được chính quyền trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nhưng đã nhanh chóng bị thực dân Pháp đàn áp.

Có được những bài học xương máu đó, Đảng Cộng sản Đông Dương trong lúc chủ trương tích cực xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa, vùng giải phóng, địa bàn đứng chân của các lực lượng lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, là những điều kiện chủ quan quyết định thắng lợi, thì cũng chờ đợi những thời cơ khách quan thuận lợi mang lại.

Từ đầu năm 1945, cuộc Chiến tranh thế giới II  bước vào giai đoạn kết thúc. Ở Châu Á, quân phiệt Nhật Bản bị đánh bại trên khắp các chiến trường và có những dấu hiệu sắp đến ngày tàn lụi. Tại Đông Dương, thời cơ thuận lợi cho cách mạng đầu tiên xuất hiện từ cuộc đảo chính của Nhật đối với thực dân Pháp ngày 9-3-1945. Chớp thời cơ, ngay lập tức, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động trên cả nước một cao trào kháng Nhật, cứu nước, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa khi thời cơ thuận lợi đến. Tranh thủ bối cảnh hỗn độn của cuộc đảo chính, nhiều chiến sĩ cách mạng đã thoát khỏi ngục tù của  thực dân Pháp và chỉ vài tháng sau, trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở các địa phương. Tại ngục Sơn La, gần 200 cán bộ, đảng viên thoát ngục về tham gia xây dựng bổ sung lực lượng cho chiến khu Trần Hưng Đạo, Vần-Hiền Lương, căn cứ địa Việt Bắc và các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ…1. Tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, hơn 100 tù nhân vượt ngục, hơn 200 tù nhân khác đấu tranh buộc Nhật phải trả tự do. Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, từ ngày 15 đến ngày 30-3-1945, gần 300 cán bộ, đảng viên cũng thoát khỏi tù ngục về hoạt động tại các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Tại các nhà tù, các “căng an trí” khác trên cả nước (trừ nhà tù Côn Đảo), hàng trăm chiến sĩ cách mạng cũng thoát ra ngoài, tiếp tục hoạt động cách mạng2.

Những thất bại của Nhật Bản trên chiến trường châu Á làm cho thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ngày càng sáng rõ hơn. Nhưng đúng lúc này, cuối tháng 7-1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ốm nặng. Trước tình thế cấp bách, Người căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù có hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”3.

Ngay khi nghe tin Nhật Bản gửi công hàm cho Hoa Kỳ chấp nhận Tuyên bố của Hội nghị Posdam, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương họp, quyết định ngay lập tức phát động khởi nghĩa trong toàn quốc và tiệu tập ngay Hội nghị toàn quốc của Đảng để bàn kế hoạch cụ thể lãnh đạo tổng khởi nghĩa. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị “nên họp ngay và cũng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để bỏ lỡ cơ hội”4.

Giữa tháng 8-1945, thời cơ thuận lợi xuất hiện khi quân phiệt Nhật phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Mặc dù lúc này, trên danh nghĩa, Chính phủ Trần Trọng Kim là người quản lý đất nước, nhưng thực chất quyền hành vẫn nằm trong tay quân đội Nhật ở Đông Dương và Việt Nam, với gần 100.000 quân với đầy đủ vũ khí. Cho nên, sự kiện Nhật đầu hàng Đồng minh là một thời cơ vô cùng thuận lợi cho Đảng Cộng sản Đông Dương phải chớp lấy, để đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến bến bờ thắng lợi.

Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào được tổ chức giữa tháng 8-1945 để thực hiện quyết tâm phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân ta. Bản Quân lệnh số 1 được ban hành ngày 13-8-1945 kêu gọi các đảng bộ địa phương phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa. Quyết tâm đó được xây dựng trên nền tảng cơ sở vững chắc là đến thời điểm này, lực lượng chính trị vũ trang do Đảng xây dựng đã lớn mạnh vượt bậc với mặt trận Việt Minh rộng lớn trong toàn quốc, với đội quân Việt Nam giải phóng quân đã được thống nhất và phát triển mạnh mẽ, với khí thế cách mạng đã lên rất cao và ngày suy tàn của đế chế Nhật Bản đã tới.

Hiện thực lịch sử đã chứng minh nghệ thuật lãnh đạo chớp thời cơ của Đảng là vô cùng tài tình và sáng suốt. Chỉ trong vòng hai tuần, từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 8-1945, hầu hết các địa phương trên cả nước đã khởi nghĩa giành chính quyền thành công và ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thời cơ cho Cách mạng Tháng Tám vô cùng thuận lợi, nhưng không phải là một thời cơ kéo dài mãi, bởi nếu không nhanh chóng chớp thời cơ, thì đầu tháng 9-1945, khi những lực lượng quân sự hùng mạnh của Đồng minh tiến vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật, cơ hội lãnh đạo nhân dân vùng lên giành chính quyền cách mạng sẽ không còn. Trong bối cảnh thuận lợi quân phiệt Nhật đã đầu hàng, không ít các thế lực đế quốc và tay sai cũng âm mưu giành chính quyền tại Việt Nam. Điều đó càng chứng minh sự sáng suốt và khẩn trương, kịp thời của Đảng trong lãnh đạo chớp thời cơ giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Đầu tháng 9-1945, khi những đội quân nước ngoài của phe Đồng minh tiến vào Việt Nam, họ đã buộc phải chấp nhận một thực tế rằng đã có một Chính phủ cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, đã vùng lên giành chính quyền từ tay quân đội Nhật, mặc dù lúc này đã thua trận, nhưng vẫn còn một lực lượng to lớn tại Việt Nam và hoàn toàn có thể đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta. Chính quyền đó đã tuyên ngôn trước nhân dân thế giới và nhân dân trong nước về thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và biểu thị quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được.

Cũng cần phải nói rằng, các thế lực phản động ở một số địa phương cũng nhân thời cơ quân đội Nhật hoang mang, dao động cũng đã cướp chính quyền tại một số địa phương, nhưng điều này không có ý nghĩa gì lớn đối với toàn bộ cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám do Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, tập trung dưới ngọn cờ của mặt trận Việt Minh. Chỉ một thời gian ngắn sau, những thế lực phản động này, hoặc phải cuốn gói theo chân quan thầy, hoặc bị cách mạng đập tan.

2. Chớp thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đầu năm 1975

Cho đến cuối năm 1974, đầu năm 1975 cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta đã bước vào giai đoạn kết thúc. Những thuận lợi do Hiệp định Paris mang lại đã tạo tiền đề cho quân và dân ta ở miền Nam tiến lên giành những thắng lợi to lớn trong năm 1973 - 1974. Một hiện tượng mới xuất hiện là quân giải phóng đã giải phóng và chiếm giữ hàng chục chi khu, quận lỵ mà quân đội Sài Gòn không có khả năng phản kích chiếm lại. Điều đó cho thấy thế và lực của quân đội Sài Gòn đã suy yếu nhiều cho dù lúc này vẫn được đánh giá là một trong những quân đội có sức mạnh đứng trong tốp đầu của thế giới.

Trong khi đó, ở Mỹ, Quốc hội bác khoản viện trợ của Tổng thống Nixon đề nghị bổ sung cho Việt Nam Cộng hòa, không những thế tháng 8-1974, Nixon phải từ chức do vụ Watergate, Gerald Ford lên thay và tuyên bố theo đuổi chính sách “kiềm chế tương đối” ở Đông Nam Á, Mỹ rút dần ra khỏi cuộc chiến tại Việt Nam.

Từ ngày 30-9 đến ngày 8-10-1974, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, xác định chiến lược tiến công trong Đông - Xuân 1974 xác định: “Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ... Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược được hồi phục... thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng”5. Bộ Chính trị cũng nhận định, diễn biến trên chính trường Mỹ hiện nay cho thấy Mỹ khó có khả năng can thiệp trở lại. Bộ Chính trị chủ trương giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.

Căn cứ chủ trương của Đảng, quân và dân ta tại miền Nam đã đẩy mạnh tiến công địch và đã liên tiếp giành những thắng lợi vang dội vào cuối năm 1974, nhất là giải phóng Phước Long, đẩy quân lực Việt Nam Cộng hòa ngày càng bị động đối phó và suy yếu toàn diện.  

Trong lúc này, tình hình thế giới cũng có những thuận lợi cơ bản cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Đó là chủ trương của Hoa Kỳ rút hoàn toàn khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam với việc cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là một “đòn chết người” đối với chính quyền Sài Gòn vì chính quyền này trong hàng chục năm qua đã tồn tại nhờ vào sự hậu thuẫn, bảo trợ của Hoa Kỳ. Nước Mỹ đã quá mệt mỏi, nước Mỹ đã quá chia rẽ và muốn rút hoàn toàn ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, đó là một chủ trương tạo thuận lợi cho công cuộc giải phóng miền Nam của quân và dân ta.

Trên mặt trận quân sự, cuối năm 1974 đầu năm 1975, Quân giải phóng miền Nam và nhân dân các địa phương ta đẩy mạnh tiến công ở Đông Nam Bộ và giành chiến thắng đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên chiếm được hoàn toàn tỉnh Phước Long. Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tung ra cuộc phản công quyết liệt nhưng không thể phản công chiếm lại Phước Long, đã cho thấy sức chiến đấu giảm sút nghiêm trọng của đội quân này. Một điều quan trọng nữa là phản ứng vô cùng yếu ớt của Hoa Kỳ trước việc Việt Nam Cộng hòa bị mất tỉnh Phước Long. Nước Mỹ vẫn chia rẽ và xu thế phản đối chiến tranh, phản đối sự can thiệp trở lại của Mỹ ở Việt Nam vẫn hết sức mạnh mẽ. Những động thái của Mỹ lúc ấy cho thấy Mỹ không còn muốn can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam nữa. Không có tiền bạc viện trợ, không có sự yểm trợ về vũ khí, tàu sân bay, đại bác, không quân chiến lược B.52 của Mỹ, sức mạnh của Việt Nam Cộng hòa suy yếu nghiêm trọng và nhiều người nhận ra rằng chế độ này không tồn tại được lâu nữa.

Từ ngày 8-12-1974 đến ngày 7-1-1975, Bộ Chính trị họp đợt hai, nhận định tình hình, nhất là thế và lực của quân giải phóng và quân đội Việt Nam Cộng hòa sau Chiến thắng Phước Long. Bộ Chính trị nhận định, Chiến thắng Phước Long cũng như thái độ của Hoa Kỳ cho thấy thời cơ thuận lợi để đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam đã đến. Kết thúc hội nghị, ngày 8-1-1975, Bộ Chính trị chỉ rõ: Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Chúng ta phải cố gắng cao nhất để giành chiến thắng nhanh gọn trong năm 1975.

 Quân và dân ta trên chiến trường miền Nam ngay lập tức tổ chức các chiến dịch lớn để tiếp tục tiêu diệt sức mạnh quân sự của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ngày 10-3-1975, quân giải phóng mở Chiến dịch Tây Nguyên, tiến công chiếm giữ Buôn Ma Thuột, sau đó đánh bại cuộc phản kích của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Không những không phản kích tái chiếm lại được Buôn Ma Thuột, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu còn mắc một sai lầm chiến lược là ra lệnh rút bỏ Tây Nguyên. Cuộc rút lui hỗn loạn trên đường số 7 từ Tây Nguyên về đồng bằng ven biển đã trở thành một thảm kịch và thực sự làm suy giảm to lớn binh lực cũng như tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ước tính có đến trên 100.000 quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Tây Nguyên “mái nhà của Đông Dương”, đã do quân giải phóng làm chủ.

Chiến dịch Tây Nguyên cho thấy ta có khả năng giành thắng lợi to lớn với nhịp độ nhanh hơn dự kiến. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương đẩy mạnh hơn nữa cuộc tiến công bằng các chiến dịch giải phóng Trị - Thiên- Huế và chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Ngày 27-3-1975, Quân ủy Trung ương điện cho Quân khu V và Quân đoàn 2 “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương, cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”6.

Hai ngày sau, Đà Nẵng, nơi tập trung binh lực lớn của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa với trên dưới 100.000 quân, căn cứ quân sự lớn nhất tập trung nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, được giải phóng.

Thời cơ đã đến, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam mạnh mẽ hơn nữa với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm” tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

Ngày 31-3-1975, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định thời cơ giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã hoàn toàn chín muồi. Hội nghị chỉ rõ: “Hiện nay, ta có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều”. Toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta cần “nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”. “Bất ngờ hiện nay chủ yếu là ở khâu thời gian”7.

Chính trong thời điểm này, nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng được đánh dấu bằng bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Quân đoàn II đang tiến về Sài Gòn. Bức điện nổi tiếng sau này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rõ hơn: “Cuộc tiến công lịch sử của Quang Trung - Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức. Ngày 4-4, tôi gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn II đang hành quân: “Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”… “Ngày 7-4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”8.

Những diễn biến trong tháng 4-1975 cho thấy Mỹ hoàn toàn bỏ rơi chính quyền Sài Gòn. Trên chiến trường, cánh cửa thép Xuân Lộc bị quân giải phóng phá toang. Thời cơ giải phóng Sài Gòn - Gia Định xuất hiện. Ngày 26-4-1975, quân và dân miền Nam mở Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bộ Chính trị khẳng định: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn”9.

Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Như vậy, kể từ khi chiến dịch Tây Nguyên nổ ra, chỉ hơn một tháng, ngày 30-4-1975, quân và dân ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, bằng thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Có thể nói, trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã bám sát tình hình quốc tế và trong nước, trên cơ sở đó phân tích tình hình một cách khoa học và đề ra chủ trương chớp thời cơ, đẩy mạnh chiến tranh cách mạng để giành thắng lợi cuối cùng.

Như vậy là trong lịch sử Đảng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc cũng như lãnh đạo chiến tranh giải phóng, Đảng đã luôn chủ động, sáng tạo, bám sát tình hình thế giới, trong nước, tình hình ta và địch trên chiến trường, từ đó đề ra những chủ trương, quyết tâm, quyết định chính xác, chớp được thời cơ khách quan cũng như tạo ra thời cơ chủ quan thuận lợi để tiến lên giành chiến thắng cuối cùng. Nghệ thuật lãnh đạo chớp thời cơ của Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong chiến tranh giải phóng đã trở thành một nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự của Đảng.

  

Ngày nhận: 1-3-2024 ; ngày thẩm định, đánh giá: 1-4-2025; ngày duyệt đăng: 8-4-2025

1, 2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930-1954), Quyển 1 (1930-1945), Nxb CTQGST, H, 2018, tr. 625 - 626, 625 - 626

3. Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, H, 1969, tr. 212

4. Nguyễn Lương Bằng: “Những lần gặp Bác”, in trong sách Bác Hồ, Hồi ký (in lần thứ hai), Nxb Văn học, H, 1979, tr. 56

5. Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb ST, H, 1985, tr. 360 - 362

6, 7, 9. Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb CTQG, H, 1995, tr. 690, 701, 718

8. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Hồi ức, Phạm Chí Nhân thể hiện, Nxb CTQG, H, 2004, tr. 139 – 140.TS NGUYỄN BÌNH
Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 Trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc 1930-1945, với tinh thần yêu nước và quyết tâm hy sinh, khát vọng giành độc lập dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành những cao trào cách mạng, những cuộc khởi nghĩa mạnh mẽ quyết liệt. Tiêu biểu là cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh với sự thành lập của các Xôviết công nông, một hình thức chính quyền cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo. Đó là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940, được xem là biểu tượng cho ý chí quật cường và

Tin khác cùng chủ đề

Dấu ấn của những Tổng Bí thư gắn với những thắng lợi tiêu biểu của cách mạng Việt Nam (Kỳ 1)
Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Gửi bình luận của bạn