Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (ngày 21/7/1954), Việt Nam chia thành hai miền: Miền bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền nam vẫn tạm nằm dưới sự kiểm soát của kẻ thù. Dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại Hiệp định, tiến hành chính sách "tố Cộng, diệt Cộng" nhằm dập tắt phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền nam.
Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy tổ chức "Đoàn công tác đặc biệt", sau gọi là Đoàn 559, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho chiến trường miền nam; đưa bộ đội, cán bộ cơ quan dân-chính-đảng vào nam, ra bắc, đánh dấu mốc ra đời Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Trước tình hình nêu trên, tháng 1/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 15 (khóa II), do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đã xác định con đường đấu tranh thống nhất Tổ quốc là tiến hành đồng thời "Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam"[1].
Để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết là phải bảo đảm giao thông vận tải, chi viện kịp thời, đầy đủ lực lượng và vật chất cho miền nam, phát huy sức mạnh của cả dân tộc đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy tổ chức "Đoàn công tác đặc biệt", sau gọi là Đoàn 559, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho chiến trường miền nam; đưa bộ đội, cán bộ cơ quan dân-chính-đảng vào nam, ra bắc, đánh dấu mốc ra đời Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ tháng 7/1959, một tuyến chi viện chiến lược trên Biển Đông được triển khai nghiên cứu để có thể vận chuyển từng chuyến hàng tương đối lớn, nhanh hơn vào các chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong lúc đường vận tải dọc theo dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới các chiến trường này. Trên cơ sở đó, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược bằng đường biển-Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Nhằm ngăn chặn mọi nỗ lực chi viện, Mỹ và chính quyền Sài Gòn liên tục điều chỉnh các chiến lược chiến tranh, ra sức bao vây, đánh phá, chia cắt hai tuyến vận tải chiến lược. Ở trên bộ, địch mở các cuộc hành quân càn quét, đánh vào các căn cứ, cơ sở cách mạng; thiết lập Hàng rào điện tử McNamara, sử dụng các thiết bị điện tử tinh vi, hiện đại nhất để kiểm soát, ngăn chặn mọi sự xâm nhập qua tuyến đường này. Ở trên không, địch huy động hơn 733 nghìn lượt máy bay, trong đó có cả "pháo đài bay" B-52, ném xuống gần bốn triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học nhằm phá hủy các căn cứ, kho tàng, bến bãi và tiêu diệt lực lượng kháng chiến[2]. Ở trên biển, Mỹ sử dụng Hạm đội 7, các biên đội tàu sân bay và hàng trăm tàu chiến các loại, thành lập lực lượng đặc nhiệm phối hợp quân đội Sài Gòn, tăng cường máy bay trinh sát ngày đêm trên toàn tuyến ven biển; xây dựng nhiều trạm ra-đa và mạng lưới thông tin hiện đại quan sát ven bờ, trên các đảo để phát hiện, ngăn chặn.
Trước những thủ đoạn đánh phá của kẻ thù, quân và dân ta trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn vẫn ngày đêm kiên cường trụ bám, bảo đảm từng mét đường với quyết tâm địch đánh một, ta làm mười, một đường bị chặn, nhiều đường mới xuất hiện, đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày, "đường kín" xuất hiện.
Với lực lượng toàn tuyến lúc cao nhất lên tới 120 nghìn người, thế trận hậu cần-vận tải liên tục được điều chỉnh, từ vận tải thô sơ chuyển nhanh lên vận tải cơ giới, từ tổ chức binh trạm bộ đội hợp thành các binh chủng và sư đoàn khu vực sang tổ chức thành các sư đoàn binh chủng với nhiều sư đoàn ô-tô cơ động vận tải quân sự, sư đoàn công binh, bộ binh và phòng không; từ chủ yếu ẩn nấp, tránh né sự phát hiện, đánh phá của kẻ thù, chuyển sang chủ động tiến công, bảo vệ các mục tiêu, giữ vững mạch máu giao thông chiến lược.
Song hành cùng tuyến chi viện vượt dãy Trường Sơn, cán bộ, chiến sĩ trên những "Đoàn tàu không số" đã sáng tạo nhiều phương thức vận chuyển hiệu quả. Địch phong tỏa biển gần, đường trong; ta đi biển xa, đường ngoài; địch phong tỏa theo tuyến biển dài, ta đi phân đoạn; địch ngăn chặn tuyến này, bến này, ta mở ra tuyến khác, bến khác. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận, hoán cải phương tiện, kết hợp với ngụy trang, nghi binh, trà trộn vào các tàu, thuyền đánh cá của ngư dân, giữ bí mật, bất ngờ để vào bến nhanh, quay vòng tăng chuyến, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Từ chỗ chỉ có tàu gỗ, tải trọng thấp, hoạt động ven bờ, "Đoàn tàu không số" đã phát triển lên thành những đội tàu vỏ sắt, tải trọng lớn, hoạt động xa bờ, dài ngày, có trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược bằng đường biển.
Phát huy cao độ trí thông minh, sáng tạo và ý chí quyết tâm thống nhất đất nước, quân và dân ta đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược trên bộ ngày càng hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 17.000 km gồm năm trục dọc men theo dải Trường Sơn, 21 trục ngang nối với các địa bàn chiến lược, các quân khu, chuyển được hơn một triệu tấn vật chất, vũ khí giao cho các chiến trường và bảo đảm hành quân cho hơn hai triệu lượt cán bộ, chiến sĩ từ bắc vào nam và từ nam ra bắc[3].
Vượt qua mọi phong ba, bão táp và thủ đoạn ngăn chặn, đánh phá ác liệt của kẻ thù, tuyến chi viện chiến lược trên biển đã tổ chức 1.879 lượt tàu thuyền, vượt gần bốn triệu hải lý, vận chuyển hơn 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ từ miền bắc vào miền nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay và tàu chiến của địch[4].
Hai tuyến vận tải chiến lược trên biển và trên bộ song song hoạt động, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một hệ thống vận tải tương đối hoàn chỉnh, chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho chiến trường miền nam. Với nguồn chi viện ngày càng lớn từ hậu phương miền bắc, cách mạng miền nam đã giành được thắng lợi từng bước vững chắc, lần lượt làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tiến lên thực hiện thành công cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành trọn vẹn khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
-------------------------------
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.62.
[2] Đồng Sĩ Nguyên, Đường xuyên Trường Sơn (Hồi ức), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.325.
[3] Lịch sử Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.658.
[4] Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.402.
Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển là những con đường huyền thoại nối liền hậu phương lớn miền bắc với tiền tuyến lớn miền nam. Bằng trí thông minh, tinh thần dũng cảm, nghị lực phi thường, dân tộc Việt Nam đã viết nên những bản hùng ca trong cuộc đấu tranh vì chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" để non sông liền một dải.