Ảnh hưởng của chất lượng thể chế đối với sự phát triển kinh tế bền vững là vấn đề được các chuyên gia thuộc lĩnh vực kinh tế học quan tâm nghiên cứu trong thời gian qua. Chính quyền cấp tỉnh là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật và đánh giá thực tế các tác động của chính sách, pháp luật đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Bài viết phân tích, làm rõ cơ sở lý luận về chất lượng thể chế, phát triển kinh tế bền vững và nhận định các xu hướng tác động của chất lượng thể chế đối với phát triển kinh tế bền vững ở địa phương cấp tỉnh hiện nay. Từ đó bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng thể chế; tạo ra các thể chế, chính sách tốt để mang đến môi trường phát triển kinh tế ổn định trong thời gian tới cho các địa phương

Lý luận về vai trò của chất lượng thể chế đối với phát triển kinh tế bền vững ở địa phương cấp tỉnh
Lý luận về vai trò của chất lượng thể chế đối với phát triển kinh tế bền vững ở địa phương cấp tỉnh

1. Đặt vấn đề

Vai trò của thể chế ở cấp địa phương (đặc biệt là cấp tỉnh) ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh phân cấp quản lý, cải cách hành chính và phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững và bao trùm. Thể chế cấp tỉnh giữ vai trò cầu nối giữa nhà nước trung ương và thực tiễn phát triển địa phương. Ở cấp tỉnh, thể chế có vai trò bảo đảm sự minh bạch, giải trình và giám sát giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, giúp kiềm chế lạm quyền và tăng tính phản hồi chính sách. Mỗi địa phương có đặc điểm kinh tế – xã hội, văn hóa, nguồn lực khác nhau, vì vậy, thể chế địa phương hợp lý sẽ tạo sự sáng tạo, tăng tính thích nghi để địa phương được phát triển theo thế mạnh riêng dựa trên các nguồn lực sẵn có.

2. Quan niệm về chất lượng thể chế ở địa phương cấp tỉnh

Cho đến nay, thuật ngữ “thể chế” (Institution) đã được rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra quan niệm. Ngành Kinh tế học thể chế mới (New Institutional Economics) bắt đầu từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX kế thừa và phát triển từ những tư tưởng về chi phí giao dịch của Coase, R. H. (1937)1; về quyền sở hữu của Alchian, A. A., & Demsetz, H. (1972)2; về hành động tập thể (collective actione) của Olson, M. (1965)3; về sự hợp tác và chuẩn mực xã hội của Ostrom, E. (1990)4 và thông tin bất cân xứng của Akerlof, G. A. (1970)5.

Trong số những nhà kinh tế học thể chế mới, North, D. C. (1990) được xem là người tiên phong trong nghiên cứu về thể chế. Ông cho rằng, thể chế là yếu tố quan trọng giải thích những thay đổi về tăng trưởng kinh tế. Thể chế là những luật lệ của cuộc chơi trong xã hội, những ràng buộc do con người tạo ra để điều chỉnh và định hình các tương tác của mình6. Thể chế bao gồm: thể chế chính thức, thể chế phi chính thức và các cơ chế, biện pháp chế tài. Chức năng chính của thể chế là định giá cho sự vi phạm và mức độ nghiêm trọng của hình phạt. Thể chế luôn không ngừng thay đổi.

Nghiên cứu của Williamson (2000)7 tiếp cận theo phân tích xã hội đã phân loại thể chế theo 4 cấp độ. Cụ thể:

Cấp độ thứ nhất là cấp độ “xã hội gắn kết”. Đây là nơi tồn tại các chuẩn mực, phong tục, tập quán, truyền thống… Tôn giáo đóng vai trò lớn ở cấp độ này. Các thể chế ở cấp độ này thay đổi rất chậm – trong khoảng thời gian hàng thế kỷ hoặc thiên niên kỷ.

Cấp độ thứ hai là “môi trường thể chế”. Bao gồm các quy tắc chính thức, như: hiến pháp, pháp luật và quyền sở hữu (North, D. C. 1991)8. Thể chế ở cấp độ này có thể hiểu là việc quy định các “luật chơi” cho các mối quan hệ tương tác trong xã hội, bao gồm các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước cũng như việc phân bổ quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.

Cấp độ thứ ba của thể chế là cấp độ quản trị. Trong khi cấp độ thứ 2 quy định luật chơi thì cấp độ quản trị quy định “cách chơi” (chơi như thế nào). Trên thực tế, các quan hệ kinh tế chủ yếu trong xã hội được thực hiện thông qua các hợp đồng và việc xuất hiện những hành vi phá vỡ các cam kết trong hợp đồng để trục lợi là không hiếm. Khi đó, thể chế quản trị cần bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên và trừng phạt những hành vi vi phạm hợp đồng. Thể chế ở cấp độ này làm cho hợp đồng được thực thi với chi phí thấp, từ đó tác động thích cực đến phát triển kinh tế. Kinh tế học thể chế mới (NIE) chủ yếu quan tâm đến cấp độ 2 và 3.

Cấp độ thứ tư của thể chế tác động đến việc phân bổ nguồn lực và lao động của các doanh nghiệp và tổ chức. Đây là cấp độ vi mô của thể chế. 

Báo cáo Phát triển thế giới năm 2002 (World Development Report 2002) của Ngân hàng Thế giới (WB) xem xét thể chế ở 3 trụ cột tương hỗ, gồm: thúc đẩy các thị trường hiệu quả; tăng cường trách nhiệm giải trình và xây dựng năng lực thể chế. Theo đó, thể chế là quy tắc (luật lệ), cơ chế thực thi và tổ chức gắn liền với cơ chế thực thi đó. Điều này cho thấy, cơ chế thực thi và tổ chức gắn liền với cơ chế thực thi đó cũng hoạt động trên cơ sở các quy tắc, luật lệ. Ngược lại, bản thân chúng cũng tác động đến việc bảo đảm thực hiện các quy tắc, luật lệ đó trên thực tế9

Trong Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2010 – các thể chế hiện đại được các tổ chức nhận định: “thể chế không phải là một công trình hay tổ chức, thể chế là các quy định theo đó các cá nhân, công ty và Nhà nước tác động lẫn nhau”. Hay nói cách khác: “thể chế là những nguyên tắc xác định mối quan hệ giữa xã hội và các thành viên trong xã hội và thể chế ngày càng được nhìn nhận như là yếu tố chính quyết định sự phát triển lâu dài của một quốc gia”10

Như vậy có thể thấy, thể chế bao gồm 3 khía cạnh cơ bản nhất là “luật chơi” (chính thức, phi chính thức), “cách chơi” (cơ chế, chế tài thực thi) và “người chơi” (con người, tổ chức gắn với hành vi).

“Chất lượng thể chế” hay chất lượng của thể chế là thuật ngữ được sử dụng để mô tả mức độ hiệu quả và hiệu lực của các cơ chế quản lý, tổ chức và pháp lý trong một quốc gia hoặc một tổ chức nào đó. Giống như thể chế, chất lượng thể chế là một khái niệm rộng có thể bao gồm chất lượng của các quy tắc, quy định chính thức (formals rules) cũng như tính hiệu quả và minh bạch trong cách thức tổ chức thực thi và điều hành của các tổ chức.

Acemoglu, D., & Robinson, J. A. (2012) đã phân chia thể chế thành 2 loại là “tước đoạt” và “dung hợp”11. Trong đó, thể chế kinh tế dung hợp (inclusive economic institutions) là thể chế cho phép và khuyến khích sự tham gia đông đảo của người dân trong các hoạt động kinh tế, từ đó, làm cho tài năng, năng lực và giá trị của mỗi người được phát huy tốt nhất. Thể chế này đặc trưng bởi sự bảo đảm quyền tài sản cá nhân, một hệ thống pháp luật công bằng và sự cung cấp dịch vụ công bình đẳng để mọi người có thể tham gia và trao đổi với nhau. Người dân ngày càng được trao quyền rộng rãi và bảo đảm từng có thể thực hiện được các quyền của mình, được tham gia dự phần trong phúc lợi xã hội. Quan niệm về thể chế dung hợp cũng tương đồng với quan niệm về thể chế tốt, quản trị nhà nước tốt được đúc kết từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển.

Khái niệm “quản trị nhà nước tốt” được nhắc đến nhiều ở thập niên 1990 trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ và dân chủ ngày càng mở rộng. Theo WB, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) vànhiều tổ chức khác, mô hình “quản trị nhà nước tốt” bao gồm 8 đặc tính cơ bản là: (1) Sự tham gia; (2) Nhà nước pháp quyền; (3) Minh bạch; (4) Đáp ứng yêu cầu của người dân và sự phát triển; (5) Hướng tới sự đồng thuận; (6) Công bằng và thu hút; (7) Hiệu lực và hiệu quả; (8) Tầm nhìn12. Từ đó, WB xây dựng Chỉ số quản trị toàn cầu (Worldwide Governance Indicator – WGI) bao gồm 6 khía cạnh: tiếng nói và trách nhiệm giải trình; sự ổn định về chính trị và không có bạo lực/khủng bố; hiệu quả quản trị của Chính phủ;chất lượng điều tiết; pháp quyền và kiểm soát tham nhũng.

Bên cạnh việc đo lường chất lượng thể chế ở cấp độ quốc gia, nhiều quốc gia đã phát triển bộ chỉ số đo lường chất lượng thể chế ở cấp độ địa phương để có cái nhìn rõ hơn về thể chế ở địa phương, bởi chất lượng thể chế địa phương có tầm quan trọng đối với quá trình phát triển gắn với thực tiễn kinh tế – xã hội của địa phương. Việt Nam cũng phát triển nhiều bộ chỉ số phản ánh chất lượng thể chế địa phương, như: Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 

Chất lượng thể chế là yếu tố phân hóa mạnh mẽ về mặt lãnh thổ, phụ thuộc vào các yếu tố quyết định về lịch sử, văn hóa hoặc kinh tế của địa phương. Do vậy, các phân tích chất lượng thể chế được thực hiện ở cấp địa phương có giá trị thực tiễn cao.

3. Lý luận về phát triển kinh tế bền vững ở địa phương cấp tỉnh

Phát triển kinh tế bền vững là mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia hiện nay. Bền vững trong phát triển kinh tế là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vì nó hỗ trợ đạt được các mục tiêu khác, như: xóa đói, giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, bảo đảm khả năng tiếp cận nền giáo dục và chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đồng thời thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. 

Có nhiều cách diễn giải khác nhau về kinh tế bền vững, như: (1) Bền vững về kinh tế là khả năng hỗ trợ một mức sản xuất kinh tế được xác định một cách liên tục và dài hạn; (2) Tính bền vững kinh tế đề cập đến khả năng của một hệ thống kinh tế trong việc duy trì năng suất và khả năng cạnh tranh theo thời gian trong khi vẫn bảo đảm phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường; (3) Phát triển bền vững về kinh tế có nghĩa là hệ thống kinh tế có thể tiếp tục cung cấp hàng hóa và dịch vụ cấn thiết cho người dân trong một thời gian dài và có xét đến giới hạn về môi trường tự nhiên, công bằng xã hội và hiệu quả kinh tế; (4) Phát triển bền vững về kinh tế là khả năng cung cấp lâu dài những nhu cầu của người dân, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm môi trường và phúc lợi xã hội.

Các nghiên cứu về phát triển kinh tế bền vững không chỉ coi trọng tăng trưởng về kinh tế mà là sự xem xét tổng hợp của cả 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường trong thời gian dài. “Thời gian dài” thể hiện tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế, chẳng hạn, có những nền kinh tế đã có tốc độ tăng trưởng cao, sự gia tăng của sản xuất công nghiệp, dịch vụ ở mức cao, đời sống của dân cư được cải thiện khá rõ rệt,… nhưng chỉ duy trì một thời gian ngắn và sau đó tốc độ tăng trưởng chậm dần thì điều nàykhông thể coi là phát triển kinh tế bền vững. 

Từ đó có thể hiểu, phát triển kinh tế bền vững ở địa phương cấp tỉnh là quá trình duy trì tăng trưởng kinh tế liên tục trong một thời gian dài của địa phương đó trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực đi đôi với bảo vệ môi trường, đáp ứng những yêu cầu của hiện tại mà không gây tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai.

Phát triển bền vững kinh tế ở địa phương cấp tỉnh bao hàm các nội dung:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tăng trưởng kinh tế bền vững thể hiện qua tốc độ tăng trưởng hợp lý và được duy trì ổn định.Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần cho phát triển kinh tế, không có tăng trưởng kinh tế sẽ không có khả năng tái sản xuất cũng như điều kiện để giải quyết những vấn đề xã hội khác. Để phát triển kinh tế của địa phương cấp tỉnh phát triển bền vững thì tăng tưởng kinh tế phải bền vững. Theo đó, tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải đạt tốc độ quá cao mà chỉ cần đạt chỉ tiêu ở mức hợp lý nhưng ổn định lâu dài. Tùy trình độ phát triển thì các nền kinh tế sẽ có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng khác nhau. Đối với các nền kinh tế đã phát triển thì việc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 1 – 2% có thể được coi là cao, tuy nhiên, với nền kinh tế kém phát triển hơn thì tốc độ tăng trưởng có thể đạt trên 10%/năm. Các nền kinh tế ở đầu giai đoạn công nghiệp hóa, như: Singapore, Hàn quốc, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm và duy trì trong thời gian dài trên 20 năm13.

Thứ hai, chất lượng tăng trưởng cao và được cải thiện.

Chất lượng tăng trưởng thể hiện ở cấu trúc của tăng trưởng và hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Do đó, phát triển kinh tế bền vững là khi cấu trúc tăng trưởng được xây dựng hợp lý và các nguồn lực của tăng trưởng phải được sử dụng hiệu quả. Cụ thể: 

(1) Cấu trúc tăng trưởng hợp lý. Cấu trúc tăng trưởng phản ánh tính hiệu quả và tính bền vững của các yếu tố bên trong cấu thành lên tăng trưởng kinh tế, bao gồm: cấu trúc tăng trưởng theo đầu vào, cấu trúc tăng trưởng theo đầu ra và cấu trúc tăng trưởng theo ngành. 

Kết quả của cấu trúc tăng trưởng theo yếu tố đầu vào phản ánh qua đóng góp của các yếu tố vốn, lao động, tài nguyên, năng suất tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế bền vững phải bảo đảm việc đóng góp ngày càng tăng cao của các yếu tố TFP.

Kết quả của cấu trúc tăng trưởng theo ngành, lĩnh vực phản ánh phát triển kinh tế bền vững với yếu tố là lợi thế so sánh và phù hợp với xu thế phát triển tất yếu trên thế giới, từ đó dẫn tới cơ cấu ngành kinh tế sẽ dịch chuyển theo hướng chuyển từ các ngành năng suất hiệu quả thấp sang các ngành có năng suất, hiệu quả cao. 

(2) Các nguồn lực cho phát triển kinh tế phải được sử dụng hiệu quả. Các nguồn lực cho tăng trưởng gồm: lao động, vốn, tài nguyên. Theo đó, phát triển kinh tế bền vững là khi các nguồn lực này của địa phương phải được huy động và sử dụng hiệu quả nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế cho tỉnh, thành phố đồng thời các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh phải hướng tới huy động các nguồn lực này. Theo đó, lao động cũng phải có đầy đủ việc làm ổn định đi đôi với năng suất cao và thu nhập cao. Tài nguyên thiên nhiên phải được khai thác và sử dụng tiết kiệm, nhất là các loại tài nguyên không có khả năng tái tạo và tập trung đầu tư tái tạo nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo.

Thứ ba, các chủ thể bình đẳng trong tham gia và hưởng thụ các thành quả của phát triển kinh tế.

Phát triển kinh tế bền vững phải bao hàm nội dung về mức độ bình đẳng trong tiếp cận cơ hội và chia sẻ thành quả phát triển, phân phối thu nhập. Có những trường hợp ở một thời kỳ nào đó, mặc dù nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển theo hướng tiến bộ nhưng tình trạng đói nghèo tuyệt đối của một bộ phận dân cư lại không được cải thiện. Trong trường hợp như vậy, mức GDP bình quân đầu người đã ẩn chứa mức chênh lệch thu nhập và đời sống giữa các bộ phận dân cư. Sự bất bình đẳng quá mức và đi kèm theo đó là tình trạng đói nghèo ngay khi kinh tế có tăng trưởng và cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển theo hướng hiện đại vẫn không được xem là trạng thái kinh tế phát triển. 

Tính bền vững của sự bình đẳng trong phân phối thu nhập không chỉ phụ thuộc vào phương thức phân phối các sản phẩm đã sản xuất ra mà trước hết là mức độ bình đẳng về cơ hội tham gia vào quá trình phát triển và nhờ đó mà đạt được sự bình đẳng về mức hưởng thụ các thành quả của sự phát triển. 

Thứ tư, các yếu tố bảo đảm phát triển kinh tế được tái tạo và gia tăng.

Phát triển kinh tế bền vững không chỉ là sử dụng có hiệu quả mà còn phải bảo đảm các yếu tố cho tăng trưởng, bao gồm các yếu tố đầu vào (lao động, tài nguyên, vốn), các chủ thể tạo ra sự tăng trưởng (các doanh nghiệp) được duy trì và phát triển để bảo đảm tăng trưởng lâu dài cho các thế hệ sau. Trong đó, khả năng tái tạo và gia tăng yếu tố lao động thể hiện qua chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh được cải thiện (thu nhập tăng, nghèo đói giảm, trình độ của người dân tăng, tình trạng sức khoẻ được cải thiện, điều kiện, môi trường sống ngày càng tốt hơn, trình độ của người lao động tăng lên); khả năng duy trì và tái tạo các nguồn tài nguyên thể hiện qua việc các nguồn tài nguyên như: rừng, đất, nước…, được duy trì và bảo vệ. Khả năng duy trì nguồn vốn thể hiện qua việc phân chia thu nhập cho tích lũy và đầu tư. Khả năng duy trì chủ thể tạo ra sự tăng trưởng thể hiện ở sự gia tăng và nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Xu hướng và đề xuất nâng cao vai trò của chất lượng thể chế đối với phát triển kinh tế bền vững ở địa phương cấp tỉnh

a. Xu hướng tác động

Không thể phủ nhận vị trí địa lý, sinh thái và văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia. Bởi thực tế cho thấy, những quốc gia ở sâu trong đất liền thường “thiệt thòi” hơn những quốc gia có biển và điều này cũng cản trở một phần tiến trình phát triển, hội nhập của một quốc gia. Tuy nhiên, có nhiều quốc gia có cùng đặc trưng địa lý, sinh thái và văn hóa nhưng sự phát triển lại không giống nhau, cùng các đặc trưng như vậy nhưng có quốc gia đã biết tận dụng lợi thế để phát triển đất nước thông qua thể chế, chính sách hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế để bứt phá nhưng cũng có quốc gia lại kém phát triển do việc xây dựng thể chế, hoạch định chính sách không gắn với thực tế, không phát huy được ưu thế mà các nguồn lực mang lại. Vì vậy, chất lượng thể chế có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế của các quốc gia. North, D. C. (1990) với nghiên cứu về các nền kinh tế dân chủ đã kết luận, thể chế dân chủ đóng vai trò quan trọng để duy trì một chính quyền tốt, từ đó hạn chế tham nhũng, bảo đảm một môi trường kinh tế tự do hơn, do đó, thúc đẩy phát triển kinh tế14

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý về tác động của thể chế đến sự phát triển kinh tế là rất phức tạp, có sự khác nhau giữa các quốc gia và thay đổi theo thời gian. Thậm chí, ở cùng một mức độ và trong cùng một quốc gia, cùng một thể chế có thể thúc đẩy tăng trưởng tại một thời điểm nhưng lại hạn chế sự phát triển ở một thời điểm khác15.

Chất lượng thể chế còn có tác động đến sự phát triển bền vững của môi trường. Chất lượng thể chế và các sáng kiến công nghệ liên quan đến môi trường sẽ góp phần làm giảm lượng CO2 thải ra môi trường, giúp bảo vệ môi trường bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững. Ngược lại, chất lượng thể chế kém sẽ có tác động không tốt đến nền kinh tế của một quốc gia trong thời gian dài (Hassan và cộng sự, 2020a)16

Như vậy, thể chế đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động hỗ trợ mở rộng thị trường hiệu quả và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo đói của quốc gia cũng như của một địa phương. Nhưng cũng cần chý ý, thể chế chính trị không phải yếu tố duy nhất quyết định sự tăng trưởng (ví dụ: một số quốc gia có thể chế dân chủ nhưng tăng trưởng chậm do yếu tố, như: năng lực điều hành, xung đôt lợi ích hoặc thiếu tư duy, chiến lược đổi mới). Tăng trưởng bền vững còn phụ thuộc vào phát triển khoa học – công nghệ(kinh tế hiện đại gắn liền với khả năng hấp thụ và đổi mới công nghệ). 

Bên cạnh đó, yếu tố sinh thái và văn hóa là nền tảng cho sự phát triển bền vững (tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý; văn hóa ảnh hưởng đến năng suất lao động, đạo đức công vụ, tinh thần đổi mới hay mức độ chấp nhận sự cải cách…). Quan trọng nhất là cần thừa kế tính tích cực từ thể chế kinh tế. Nếu thể chế chính trị không gắn với cải cách kinh tế sẽ dễ rơi vào hình thức. Những thành quả cải cách kinh tế (thị trường hóa, minh bạch ngân sách, cải cách doanh nghiệp nhà nước…) sẽ tạo đà cho sự phát triển thể chế chính trị lành mạnh hơn và ngược lại.

Trái lại, “thể chế chính trị chiếm đoạt” có thể có ảnh hưởng ít nhiều đến đến tính tích cực của thể chế kinh tế và qua đó nó có thể giúp tăng trưởng trong thời gian ngắn hạn. Giới chính trị có thể tạo ra một vài yếu tố tích cực của thể chế kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, việc tăng trưởng này không bền vững vì “tính bòn rút” sẽ được gia tăng vào cuối nhiệm kỳ. Từ đó, làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng và khả năng quyết định tham gia kinh doanh của giới đầu tư. Dù vậy, đôi khi, sự tập trung quyền lực là cần thiết để thực thi sự thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu, bảo đảm các khuyến khích kinh doanh và ổn định chính trị, phát huy tính kế thừa những tích cực của quá trình thay đổi thể chế, từ đó góp phần vào sự thịnh vượng của nền kinh tế. 

Do đó, tăng trưởng bền vững phụ thuộc vào mức độ tương thích giữa các thể chế thúc đẩy sự phát triển, mức độ tập trung quyền lực chính trị và cơ chế kiểm soát lạm dụng quyền lực, điều này góp phần vào quá trình tăng trưởng bền vững của một quốc gia. Ở cấp độ địa phương, các nghiên cứu định lượng của Nakabashi và cộng sự (2013)17, Wilson (2016)18; Đỗ Tuyết Nhung (2021)19; Ngô Quốc Dũng (2021)20 cũng đã chỉ ra tác động tích cực của chất lượng thể chế đối với các yếu tố phát triển kinh tế bền vững.

b. Đề xuất

Thứ nhất, cần tạo ra môi trường ổn định, làm giảm tính bất định và rủi ro của các giao dịch kinh tế. Muốn đạt được điều này, cần tạo ra thể chế có tính ưu việt cao. Kasper và Streit (1999) cho rằng, các giao dịch trao đổi hàng hóa diễn ra khi và chỉ khi các chủ thể kinh tế có một mức độ tin tưởng nhất định rằng các thỏa thuận của giao dịch sẽ được thực hiện, nếu không thực hiện được sẽ có những hành động chế tài đi kèm sau đó21

Thứ hai, cần xây dựng thể chế để bảo đảm cơ chế thị trường được vận hành một cách hiệu quả. Về mặt lý luận và thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào thị trường cũng chính xác trong việc phân bổ các nguồn lực, thị trường cũng có những hạn chế vốn có của nó và đôi khi mang lại những tổn thất cho xã hội, thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Vì vậy, vai trò của thể chế làbảo đảm thị trường vận hành hiệu quả thông qua việc khắc phục hoặc hạn chế các thất bại của thị trường; kiến tạo một môi trường kinh tế ổn định, nơi các tác nhân kinh tế có thể đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên mức độ rủi ro được dự đoán hợp lý.

Thứ ba, cần thiết lập các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư tại địa phương bằng cách xây dựng các thể chế gắn với thực tiễn kinh doanh của các nhà đầu tư trên địa bàn,điều này sẽ tạo sự yên tâm và góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển bên cạnh việc cạnh tranh của các nhà đầu tư. 

Thứ tư, cần xây dựng thể chế mang tính khuyến khích, tạo động lực cao để các chủ thể tích cực tham gia các hoạt động tạo ra vật chất cho bản thân họ và cho địa phương. Thể chế đóng vai trò thiết lập các cơ chế khuyến khích, qua đó định hình loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và phúc lợi xã hội của địa phương. Khi thể chế tạo ra những động lực phù hợp, các tổ chức và cá nhân tại địa phương sẽ chủ động tham gia vào quá trình sản xuất của cải vật chất, mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân và địa phương nơi mình sinh sống và làm việc.

Thứ năm, cần tạo ra khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ cho việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm, buộc các doanh nghiệp phải sản xuất sạch hơn, giảm lượng phát thải khí CO2; thúc đẩy các sáng kiến công nghệ liên quan đến môi trường hay đưa ra các chính sách khuyến khích các hành động vì môi trường. Đây chính là vai trò của thể chế được phát huy trong phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

Chú thích:
1. Coase, R. H. (1937). The Nature of the Firm. Economica, 4(16), 386 – 405.
2. Alchian, A. A., & Demsetz, H. (1972). Production, Information Costs and Economic Organization. The American Economic Review, 62(5), 777 – 795.
3. Olson, M. (1965). The Logic of Collective Action: Public Goods and the Theory of Groups. Cambridge, MA: Harvard University Press.
4. Ostrom, E. (1990). Governing the Commons: The Evolution of Institutions for Collective Action. Cambridge: Cambridge University Press.
5. Akerlof, G. A. (1970). The Market for “Lemons”: Quality Uncertainty and the Market Mechanism. Quarterly Journal of Economics, 84(3), 488 – 500.
6, 14. North, D. C. (1990). Institutions, Institutional Change and Economic Performance. Cambridge: Cambridge University Press.
7. Williamson (2000), The New Institutional Economics: Taking Stock, Looking Ahead. Journal of Economic Literature Vol. XXXVIII (September 2000) pp. 595 – 613.
8. North, D. C. (1991). Institutions. Journal of Economic Perspectives, 5(1), 97 – 112. https://doi.org/10.1257/jep.5.1.97
9. World development report 2002: building institutions for markets, https://documents1.worldbank.org/curated/en/850161468336075630/pdf/228250WDR00PUB0ons0for0markets02002.pdf
10. World Bank (2010). Vietnam Development Report 2010: Modern Institutions. Hanoi: World Bank.
11. Acemoglu, D., & Robinson, J. A. (2012). Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty. New York: Crown Business.
12. United Nations Development Programme (UNDP). (1997). Governance for Sustainable Human Development. New York: UNDP.
13. Robert C. Guell (2002): Issues in Economics Today (2nd ed), New York, McGraw-hill, US.
15. Ha-Joon Chang: Institutions and economic development: theory, policy and history. Journal of Institutional Economics, Volume 7 , Issue 4 , December 2011, pp. 473 – 498. DOI: https://doi.org/10.1017/S1744137410000378
16. Hassan và cộng sự (2020). Role of institutions in correcting environmental pollution: An empirical investigation. Sustainable Cities and Society, Volume 53, February 2020, 101901.
17. Nakabashi và cộng sự (2013): Institutions and Growth: A Developing Country Case Study.Journal of Economic Studies, 40, 614 – 634. https://doi.org/10.1108/JES-09-2011-0111.
18. Wilson (2016): Does governance cause growth? Evidence from China. World Development, 79, 138 – 51.
19. Đỗ Tuyết Nhung (2021). Chất lượng thể chế quản trị và tăng trưởng kinh tế địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
20. Ngô Quốc Dũng (2021). Tác động của thể chế đến nghèo đa chiều ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Thảo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề Vai trò của thể chế ở cấp địa phương (đặc biệt là cấp tỉnh) ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh phân cấp quản lý, cải cách hành chính và phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững và bao trùm. Thể chế cấp tỉnh giữ vai trò cầu nối giữa nhà nước trung ương và thực tiễn phát triển địa phương. Ở cấp tỉnh, thể chế có vai trò bảo đảm sự minh bạch, giải trình và giám sát giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, giúp kiềm chế lạm quyền và tăng tính phản hồi chính sách. Mỗi địa phương có đặc điểm kinh tế – xã hội, văn hóa, nguồn lực khác nhau, vì vậy, thể chế địa phương hợp lý sẽ tạo sự sáng tạo, tăng tính th

Tin khác cùng chủ đề

Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của Nhân dân
Những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm qua
Mùa xuân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Gửi bình luận của bạn