Trong tác phẩm Dân vận (năm 1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”(1). Những yêu cầu về phương pháp, phong cách làm việc trong bài viết thể hiện rõ nét tinh thần “Nói đi đôi với làm”, trở thành nguyên tắc đạo đức cơ bản của cán bộ, đảng viên.

Nguyên tắc nói đi đôi với làm trong tác phẩm Dân vận và giá trị đối với Đảng hiện nay
Nguyên tắc nói đi đôi với làm trong tác phẩm Dân vận và giá trị đối với Đảng hiện nay
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân sống trong khu vực dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột _Ảnh: TTXVN

1. Mở đầu

Ngày 15-10-1949, báo Sự thật, số 120 đã đăng bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. Bài báo ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải được chú trọng, tăng cường hơn nữa trong nhận thức và hành động nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho việc hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề của cách mạng Việt Nam. Tác phẩm tuy ngắn gọn, nhưng chứa đựng quan điểm mang tầm chiến lược về vai trò của nhân dân, vấn đề dân chủ, về vị trí, phương pháp, cách thức của công tác dân vận. Trong đó, “nói đi đôi với làm” được Hồ Chí Minh xác định là nguyên tắc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên nhằm hoàn thiện bản thân để phụng sự sự nghiệp cách mạng.

2. Nội dung

2.1. Nói đi đôi với làm - nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ đảng viên

Ngay từ tác phẩm Đường Cách mệnh, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ: “Tư cách một người cách mệnh” với 23 tiêu chí về đạo đức mà mỗi cá nhân phải thể hiện trong thái độ, trong ứng xử, trong việc làm và hành vi, với tự mình, với người khác, với công việc, mà tổ chức, đoàn thể giao cho. Trong đó, với bản thân - “tự mình phải”, Người nêu lên yêu cầu nói đi đôi với làm, “nói thì phải làm”.

“Nói đi đôi với làm” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phẩm chất đồng thời là nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện mà mỗi cán bộ, đảng viên cần bền bỉ, kiên trì thực hiện trong suốt cuộc đời. Đó là sự gắn liền giữa suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm phải thống nhất với nhau, không được mâu thuẫn, trái ngược. Đó còn là sự nhất quán về mục đích hành động, động cơ, biện pháp thực hành trong lối sống, lẽ sống ở đời và làm người của người cách mạng. Đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là đạo đức tu thân mà là đạo đức dấn thân, tức là đạo đức gắn liền với hành động, nói để làm, nhất là nói về đạo đức phải đi đôi với thực hành đạo đức, lấy hiệu quả của công việc làm thước đo đạo đức. Người từng nói: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”(2).

Nói đi đôi với làm còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên, công chức, nêu gương trước nhân dân “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng, được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo, những cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận phải là những tấm gương rèn luyện và thực hành đạo đức tiêu biểu nhất. Trong cuộc sống, Hồ Chí Minh luôn thực hành phương thức “ dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo”, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống và làm việc của mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói.

Công tác dân vận chính là mạch nối duy trì mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng, bởi “Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”(4). Do đó, đối với cán bộ phụ trách dân vận - những người trực tiếp tiếp xúc với dân, làm công tác vận động nhân dân thì nói đi đôi với làm lại càng phải trở thành phương châm, nguyên tắc hàng đầu trong cách ứng xử với nhân dân. Bên cạnh đó, trong tác phẩm Dân vận, Người cũng xác định rất rõ “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”(5). Như vậy, công tác dân vận không chỉ là công việc của cán bộ chuyên trách dân vận, mà mỗi cán bộ, cơ quan, tổ chức đều phải làm công tác vận động quần chúng gắn với nhiệm vụ, quyền hạn và công việc hàng ngày của mình. Kết quả của công tác dân vận không chỉ dừng lại ở việc đánh giá hoạt động của cán bộ, cơ quan chuyên trách công tác dân vận mà là nhìn vào quá trình hoạt động từ lời nói đến việc làm của bộ máy công quyền cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội.

Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh đã phê phán mạnh mẽ đối với “thói nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, nói không đi đôi với làm, “không thật thà nhúng tay vào việc”, coi đó là một căn bệnh nguy hiểm trong đội ngũ cán bộ. Người chỉ rõ, những kẻ mắc căn bệnh này thường “họp hành nhiều mà làm việc ít, nói nhiều mà làm ít”, xa rời quần chúng, không nắm bắt được thực tế cuộc sống. Họ chỉ giỏi “nói ba hoa chích chòe”, đưa ra những lời hứa hẹn sáo rỗng, những khẩu hiệu mỹ miều mà không hề có ý định thực hiện. Thói nói suông, nói không đi đôi với làm này gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Nó không chỉ làm giảm sút uy tín của cán bộ, của Đảng trong mắt quần chúng mà còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng. Người phê phán gay gắt những kẻ “miệng nói tay không”, chỉ biết hô hào suông, đồng thời nhấn mạnh: “Nói mà không làm là vô ích”, lời dạy của Người như một lời cảnh tỉnh sâu sắc, nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, thực sự vì dân, vì nước.

Không chỉ nêu lên quan điểm, Hồ Chí Minh còn là người thực hành “Nói đi đôi với làm” mẫu mực và trọn vẹn nhất. Với Người, đạo đức thể hiện ở hành động, nói để làm, nói đi đôi với làm, nói về đạo đức đi đôi với thực hành đạo đức, coi trọng hiệu quả công việc. Từ công việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đến trù tính định liệu tương lai, lo việc đối nội và đối ngoại, gây dựng phong trào và lực lượng, ngày đêm suy nghĩ tìm tòi chăm lo việc nước, việc đảng, việc dân... cho đến những việc làm đời thường trong sinh hoạt, giản dị, tiết kiệm, thanh đạm hằng ngày, Người luôn nhất quán giữa nói và làm, nói ít làm nhiều, nhiều khi chỉ làm mà không nói, tự việc làm toát lên tư tưởng. Lời nói đi đôi với việc làm của Người đã góp phần quan trọng nhằm tạo dựng một Chính phủ liêm chính, một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh bằng sự gương mẫu của người đứng đầu.

Tác phẩm “Dân vận” (1949)
Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự thật, ngày 15-10-1949_Ảnh: TTXVN

2.2. Biện pháp thực hiện “Nói đi đôi với làm”

Tác phẩm Dân vận thể hiện tư tưởng rất rõ của Hồ Chí Minh là: “từ dân, vì dân”. “Lực lượng của dân rất to” nên “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(6). Bản chất công tác dân vận “là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(7). Đối tượng của công tác dân vận là hướng tới mọi tầng lớp nhân dân, tập hợp, phát huy sức mạnh toàn dân bằng các phong trào cách mạng thiết thực để nhân dân có ý thức làm chủ và có điều kiện làm chủ thực sự.

Thực hiện “nói đi đôi với làm”, trước hết là “nói đúng” trên cơ sở “hiểu thấu” trái ngược với “hiểu chưa thấu, làm chưa đúng”(8) như trong tác phẩm Dân vận đã phê phán. Hiểu thấu là hiểu sâu sắc, toàn diện về đặc điểm, tâm lý, điều kiện và nguyện vọng của nhân dân; hiểu rõ tình hình thực tiễn từng địa phương, đơn vị, của đất nước và thế giới; hiểu nhiệm vụ công tác và trách nhiệm trước nhân dân. Trên cơ sở đó mà biết cách nói, biết cách viết theo ngôn ngữ quần chúng, rõ ràng, trong sáng, giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói, cách suy nghĩ, ý nguyện của nhân dân. Từ nói đúng, để thực hiện làm đúng đường lối, chính sách, đúng đối tượng, đúng phương pháp, đạt được mục tiêu đề ra.

Muốn hiểu thấu và làm đúng, đòi hỏi cán bộ phụ trách công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”(9), bởi thực hành công tác dân vận không chỉ đúng mà còn phải khéo bởi công tác dân vận không thuần túy chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là một khoa học, một nghệ thuật để cho những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với dân, làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân tự nguyện, tự giác tham gia đóng góp ý kiến và thực hiện, đưa đường lối chủ trương vào thực tiễn cuộc sống.

“Óc nghĩ”, là trên nền tảng lý luận và vốn hiểu biết phong phú, phải biết suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất, không làm bừa, làm ẩu, làm đối phó, làm cho xong.

“Mắt trông” là đề cao năng lực thực tiễn, phải nắm vững tình hình thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để có giải pháp triển khai phù hợp, thiết thực.

“Tai nghe, chân đi” là phải hành động thiết thực, thường xuyên, chủ động đến với dân, liên hệ mật thiết với quần chúng, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tránh bệnh quan liêu, vô cảm, xa dân.

“Miệng nói, tay làm” là phải thực hành nêu gương triệt để nhất, phải biết “nói” và biết “làm”, thống nhất giữa tuyên truyền và hành động, sao cho tinh thần dân vận thấm vào từng công việc cụ thể, tránh tình trạng: “Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi”(10).

Người nêu những ví dụ cụ thể trong dân vận như cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải “cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...”; Cán bộ canh nông thì “hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ, v.v...”(11).

Trong tác phẩm, Hồ Chí Minh chỉ rõ “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”(12), mà phải thực hiện “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Ðiểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.

Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.

Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”(13).

Đó là nhiệm vụ cơ bản mà mỗi cán bộ phải thực hiện đúng, đủ và khéo, từ tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu, phải làm cho dân tin, tập hợp dân thành lực lượng, gây dựng thành phong trào; phải gắn liền việc triển khai các hoạt động với tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; phê bình, khen thưởng. Tức là từ lời nói, lời tuyên truyền, cán bộ phải xắn tay vào những công việc cụ thể, thiết thực để đưa đường lối, chủ trương thành phong trào có hiệu quả thực tiễn.

2.2. Giá trị của nguyên tắc “nói đi đôi với làm” đối với công tác dân vận hiện nay

Trong tác phẩm ngắn gọn, với chỉ 573 từ, Hồ Chí Minh đã đặt ra và trả lời súc tích, thấu đáo các nội dung trọng tâm của công tác dân vận, trong đó có yêu cầu xuyên suốt để thực hiện tốt công tác dân vận là “nói phải đi đôi với làm”, cán bộ phụ trách dân vận “phải thật thà nhúng tay vào việc”. Thực hiện lời chỉ dẫn của Người, trong các thời kỳ cách mạng, Đảng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận, như Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW ngày 27-3-1990 về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân;Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới… và các quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị như Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25-02-2010 của Bộ Chính trị khóa X, Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII.

Triển khai các nghị quyết và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế trên, chất lượng công tác dân vận được nâng cao, góp phần quan trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy nguồn lực nhân dân vào bảo vệ và xây dựng đất nước. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị được nâng cao; coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân; góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng”(14).

Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm về cả nhận thức, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, nội dung và phương pháp tiến hành. Việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận, như phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” còn chưa phù hợp với từng đối tượng quần chúng, các loại hình cơ sở. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa coi trọng công tác vận động quần chúng và chưa chú trọng đưa nguyện vọng hợp pháp, lợi ích chính đáng của nhân dân làm nội dung chủ yếu trong lãnh đạo, chỉ đạo của mình. Công tác đánh giá và dự báo tình hình, nắm bắt tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân có nơi còn thiếu chính xác, chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức… Trong đó, nổi cộm là ở chất lượng và phương pháp hoạt động của đội ngũ cán bộ dân vận. Việc nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói mà không làm của một bộ phận cán bộ đảng viên trong đó có cán bộ phụ trách dân vận đã có những tác động tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Để khắc phục những hạn chế này, trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng dân vận thời gian tới, các cấp ủy đảng cần chú ý những vấn đề sau:

Một là, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, các tổ chức thành viên hệ thống chính trị về sự cần thiết của việc nói đi đôi với làm. Xem “Nói đi đôi với làm” là nguyên tắc, đạo đức, lẽ sống, là biểu hiện của sự gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao; thật sự là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Như Hồ Chí Minh đã khẳng định “Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động”(15). “Trong công tác” và “trong hành động” ở đây chính là trong hoạt động thực tiễn, tức là bằng “làm” chứ không không bằng “nói”.

Hai là, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân. Thực hiện tốt nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” theo phương châm “nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể, “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học tập đi đôi với làm theo”(16) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân để thực sự trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đủ trình độ, năng lực, phương pháp, tận tâm với nhân dân, với công việc, “không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” mà “phải thật thà nhúng tay vào việc”. Rèn luyện tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; nâng cao trình độ và trách nhiệm của người làm dân vận trên tinh thần “không để sót một người dân nào” và “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; có cơ chế, chính sách động viên, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, dân vận, đoàn thể. Trong đánh giá “lấy hiệu quả thực tế của công tác và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”; kiên quyết không bố trí cán bộ yếu về năng lực, trình độ, kém về đạo đức, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những biểu hiện sai lệch trong công việc. Mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng, thường xuyên tổ chức tự phê bình và phê bình, rút kinh nghiệm và xử lý kịp thời các sai phạm. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII) và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; tiếp tục triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02-02-2018 của Ban Bí thư “về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, củng cố niềm tin trong nhân dân, từ đó thực hiện hiệu quả công tác dân vận ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực; phát huy ở mức cao nhất sức, tài, trí của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ và phát triển đất nước.

3. Kết luận

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, thực tiễn đặt ra yêu cầu cao đối với công tác dân vận, đòi hỏi cán bộ dân vận phải thực hành triệt để nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”. Trong thực hiện, phải kết hợp chặt chẽ giữa “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, Kết luận 01 của Bộ Chính trị khóa XIII với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, làm cho nguyên tắc “nói đi đôi với làm” ngày càng đi vào cuộc sống, trở thành lẽ sống đẹp, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên.

_________________

Ngày nhận bài: 9-4-2025; Ngày bình duyệt:12 -4-2025; Ngày duyệt đăng: 19-4-2025.

Email tác giả: lehienhcma@gmail.com

(1), (5), (6), (7), (8), (9), (11), (12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 234, 233, 234, 232, 232, 233, 233, 232, 233.

(2)Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr. 68.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr. 284.

(4), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr. 278, 167.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 201-202.

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.428.

(16) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.331.

ThS NGUYỄN THANH HUYỀN
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La

TS LÊ THỊ HIỀN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân sống trong khu vực dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột _Ảnh: TTXVN 1. Mở đầu Ngày 15-10-1949, báo Sự thật, số 120 đã đăng bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z. Bài báo ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng phải được chú trọng, tăng cường hơn nữa trong nhận thức và hành động nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho việc hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề của cách mạng Việt Nam. Tác phẩm tuy ngắn gọn, nhưng chứa đựng quan điểm mang tầm chiến lược về vai trò của nhân dân, vấn đề dân chủ, về vị trí, ph

Tin khác cùng chủ đề

Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của Nhân dân
Những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm qua
Mùa xuân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Gửi bình luận của bạn