“Tư duy nhiệm kỳ” được Đảng ta xác định là một căn bệnh, một biểu hiện thuộc 19 điều đảng viên không được làm, đồng thời là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nguyên nhân của căn bệnh này là do một số cán bộ lãnh đạo, quản lý tranh thủ nhiệm kỳ công tác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phục vụ mục đích cá nhân. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, “tư duy nhiệm kỳ” được thể hiện ở nhiều khâu, dưới nhiều hình thức tinh vi, rất khó phát hiện và xử lý. Vì vậy, nhận diện và kiên quyết đấu tranh với căn bệnh này là yêu cầu tất yếu và cấp thiết đang đặt ra.

Nhận diện và kiên quyết đấu tranh với bệnh “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác cán bộ
Nhận diện và kiên quyết đấu tranh với bệnh “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác cán bộ

1. Bệnh “tư duy nhiệm kỳ”

Tại Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XI của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ” như một căn bệnh, tệ nạn trong xã hội. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ””1. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII xem “tư duy nhiệm kỳ” là một biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên2. Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, xác định “tư duy nhiệm kỳ” là một trong những điều đảng viên không được làm. 

“Tư duy nhiệm kỳ” theo nghĩa tiêu cực, là lối suy nghĩ, hành động không đặt trong mối quan hệ với tổng thể, quy luật khách quan, bối cảnh tình hình, điều kiện thực tế, thiếu tính toàn diện, lịch sử, cụ thể. Đây là lối tư duy ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược, không vì sự phát triển bền vững; là cách nghĩ, cách làm mang tính “thời vụ”, vì vun vén cá nhân hoặc lợi ích nhóm mà bỏ qua lợi ích của tập thể, số đông; đi ngược lại, thậm chí hủy hoại, phá bỏ thành tích của những người tiền nhiệm chỉ vì muốn khẳng định “dấu ấn” cá nhân của người đứng đầu. Thông thường, thời điểm chuyển giao giữa nhiệm kỳ cũ và nhiệm kỳ mới là lúc xuất hiện nhiều biểu hiện rõ nét của “tư duy nhiệm kỳ”. Trong đó, có một số người “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, nghĩa là vo tròn, né tránh va chạm trong công việc để tái cử; một số người tìm mọi cách để vơ vét, tranh thủ tận dụng thời cơ để “kiếm chác” lợi ích trước khi nghỉ hưu…

Về lâu dài, bệnh “tư duy nhiệm kỳ” sẽ làm tổn hại nguồn lực, suy giảm động lực phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương. Lối tư duy này sinh ra sức ì lớn, kìm hãm sự phát triển của tổ chức, là một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi ích nhóm, vị kỷ, vụ lợi, chủ nghĩa cá nhân.Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung, “tư duy nhiệm kỳ” còn làm “biến dạng” chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, “anh hùng nhất khoảnh”, chỉ biết lợi ích cá nhân, ngành, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, địa phương mình, mà không nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng, xã hội3

Cùng với đó là tình trạng quan chức trước khi nghỉ hưu, chuyển công tác, lạm quyền, lộng quyền, ra sức vơ vét, tư lợi cá nhân. Khi đó, “tư duy nhiệm kỳ” trở nên vô cùng nguy hại, vì mọi chính sách, kế hoạch, chương trình hành động đưa ra đều xem nhẹ lợi ích tập thể, chỉ “chăm chăm” tư lợi cá nhân, làm xáo trộn bầu không khí làm việc tại cơ quan, đơn vị, gây nên sự nghi kỵ, bất hòa, bất mãn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của tổ chức...

Nhận thức rõ tác hại và hậu quả nghiêm trọng của “tư duy nhiệm kỳ” và hiện trạng lối tư duy tiêu cực đó đang “lây lan” trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người được giao giữ trọng trách nhất định trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là “vướng vào tư duy nhiệm kỳ, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”. Có thể thấy, Đảng ta đã nhận thức rõ hai vấn đề chính: thứ nhất, thẳng thắn thừa nhận việc ngày càng có những biểu hiện rõ hơn của “tư duy nhiệm kỳ” trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có quyền lực; thứ hai, “tư duy nhiệm kỳ” biểu hiện cụ thể ở hai dạng: dạng thứ nhất là chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn, trước mắt, có lợi cho mình; dạng thứ hai là tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, hoặc bố trí, sắp xếp vào những vị trí có lợi ích. 

Như vậy, có thể hiểu “tư duy nhiệm kỳ” là lối suy nghĩ, hành động không đúng, bất chấp quy luật, điều kiện, hoàn cảnh thực tế của cá nhân hoặc của một nhóm người, của tập thể trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, trong nhiệm kỳ thực hiện chức trách, nhiệm vụ nhằm chủ yếu theo đuổi mục tiêu, lợi ích trước mắt trong ngắn hạn để thu lợi nhiều nhất cả về vật chất và tinh thần cho bản thân, “nhóm lợi ích”, hoặc cho tập thể mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn chung của tập thể, cộng đồng; hoặc do trình độ, năng lực hạn chế, thiếu thông tin, không nắm chắc tình hình, dẫn đến nhận thức không đúng, không đầy đủ; đề ra và thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chương trình, quy hoạch, kế hoạch trong nhiệm kỳ không sát, không đem lại hiệu quả, thậm chí còn gây ra những hệ lụy và hậu quả khó lường cho cả hiện tại và lâu dài.

2. Nhận diện một số biểu hiện của bệnh “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác cán bộ 

Thứ nhất, bệnh “tư duy nhiệm kỳ” biểu hiện trong khâu nhận xét, đánh giá cán bộ. Khi nhận xét, đánh giá đối với cán bộ thường nể nang, né tránh theo kiểu “dĩ hòa vi quý”, “chín bỏ làm mười”, “nói việc nhỏ, bỏ việc lớn” để lấy lòng nhau và lấy lòng mọi người. Nhận xét, đánh giá đối với những cán bộ có khuyết điểm hoặc vi phạm, thường tập trung nhấn mạnh ưu điểm, thành tích, đồng thời nương nhẹ, lược bớt, bỏ qua hạn chế, yếu kém và những vấn đề không có lợi; nếu có vi phạm đến mức phải có hình thức kỷ luật thì cũng biện hộ, đổ lỗi cho khách quan nhằm giảm nhẹ hình thức kỷ luật, thậm chí chỉ “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc”. Đối với những cán bộ có thành tích, được khen thưởng hoặc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào vị trí công tác mới, thường nhấn mạnh một chiều, phóng đại ưu điểm, hạn chế nói đến khuyết điểm, “nói giảm, nói tránh”, chuyển thành những lời khuyên, lưu ý trong thời gian tới.

Những biểu hiện trên đều dẫn đến việc nhận xét, đánh giá cán bộ thiếu công tâm, khách quan, chính xác, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của các khâu khác trong toàn bộ chu trình của công tác cán bộ, vì đánh giá cán bộ là khâu tiền đề, là cơ sở để thực hiện các khâu khác của công tác cán bộ. 

Thứ hai, bệnh “tư duy nhiệm kỳ” thường xuyên xuất hiện trong khâu quy hoạch cán bộ.Do động cơ vụ lợi hoặc do tâm lý “hoàng hôn nhiệm kỳ”, người lãnh đạo, quản lý tại nhiều cơ quan, đơn vị đã “châm chước”, tạo điều kiện và cơ hội cho không ít trường hợp thiếu tiêu chuẩn để quy hoạch vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp. Hầu hết, đó là người thân, người nhà, người cùng “nhóm lợi ích” với người có thẩm quyền trong công tác cán bộ, hoặc là người chạy chức, chạy quyền. Cũng có lợi dụng quy hoạch để “hợp thức hóa” tiêu chuẩn cho người thân, người nhà, người chạy chức, chạy quyền có cơ hội bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, mà không tính đến những hậu quả trong tương lai đối với cơ quan, đơn vị, địa phương. Một số người thường “quan tâm” và “để mắt” đến người thân, cánh hẩu; chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận cho tương lai, để khi nghỉ hưu vẫn có “anh em, chiến hữu” kế tục sự nghiệp, hoặc có chỗ dựa về sau. Có tình trạng “quy hoạch treo”, nghĩa là mặc dù cán bộ đã được quy hoạch có đủ điều kiện, nhưng không được cất nhắc, bổ nhiệm, tạo điều kiện để phát triển, dẫn đến làm “xơ cứng”, “thui chột” động lực phấn đấu và phát triển của các cán bộ có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức. 

Thứ ba, bệnh “tư duy nhiệm kỳ” biểu hiện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.Tại một số cơ quan, đơn vị, việc lựa chọn cán bộ đi đào tạo không vì mục đích phát triển lâu dài, mà để “hợp pháp hóa” bằng cấp hoặc đáp ứng yêu cầu trước mắt (nâng lương, nâng ngạch cán bộ). Tình trạng tổ chức các lớp học và đăng ký dự học chỉ để hoàn chỉnh hồ sơ cán bộ, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn chức vụ mà chưa chú trọng yêu cầu thực chất, dẫn đến tình trạng “học giả” mà “bằng thật”.

Thứ tư, bệnh “tư duy nhiệm kỳ”thường biểu hiện trong khâu điều động, luân chuyển, sắp xếp cán bộ. Các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, được điều động, bổ nhiệm ở cơ quan mới, hoặc giữ vị trí lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới, thường “đem theo” những cán bộ thuộc “ê-kíp” của mình ở cơ quan cũ nhằm tạo vây cánh, dễ tạo thế, lợi ích nhóm trong quá trình công tác ở cơ quan mới, nhất là trong giai đoạn xây dựng quy hoạch phát triển, ra quyết định, ban hành chủ trương, chính sách, triển khai công việc cụ thể. Việc điều chuyển, bố trí cán bộ luôn có mặt tích cực, song, nếu việc điều chuyển, bố trí không dựa trên năng lực, sở trường, trình độ chuyên môn, mà chỉ dựa vào ý muốn, mối quan hệ, sự “biết điều” hoặc chạy chức, chạy quyền thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

Thứ năm, bệnh “tư duy nhiệm kỳ” biểu hiện rõ trong khâu bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là khi người đứng đầu sắp nghỉ hưu. Một số trường hợp đề bạt, bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử để bầu vào các chức danh lãnh đạo, quản lý được “châm chước” hoặc “cho nợ” tiêu chuẩn của chức danh bổ nhiệm nhằm đưa người thân, người nhà của người lãnh đạo hoặc người chạy chức, chạy quyền vào các vị trí quan trọng, có lợi thế; bổ nhiệm cán bộ không dựa trên năng lực thực tiễn công tác, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, mà do nể nang, quen biết, “nhóm lợi ích”, hoặc do đã nhận hối lộ bằng vật chất hoặc phi vật chất. Tại một số nơi, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, cấp ủy và “bộ sậu” ngấm ngầm chia chác, tẩu tán tài sản, bố trí người thân vào những công việc “béo bở”, có nhiều lợi ích để dễ bề thao túng quyền lực và trục lợi trong nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ. Chính bệnh “tư duy nhiệm kỳ” đã tạo điều kiện cho những đối tượng chạy chức, chạy quyền, hám danh hám lợi... có cơ hội đi vào hệ thống, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, năng lực hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, các ngành.

Ngoài ra, có không ít trường hợp thực hiện đúng “quy trình”, “bảo đảm” thủ tục, “tuân thủ” nguyên tắc tập trung dân chủ, song thực chất là thực hiện “ý kiến chỉ đạo” của cấp trên, do đó, không lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý tranh thủ thời gian trước khi hết nhiệm kỳ hoặc trước khi nghỉ hưu tiến hành tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách dễ dãi, tràn lan, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, hoặc không thực hiện đúng quy trình, quy định chung. Có không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, thực hiện “chuyến tàu vét” trong giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ”, gây ra nhiều hệ lụy lâu dài, khó giải quyết4. Những năm trước đây, tình trạng một số cán bộ lãnh đạo trước khi về hưu bổ nhiệm nhiều người thân, người quen giữ các chức vụ trong cơ quan, đơn vị, khiến dư luận bức xúc và chỉ được điều tra, xác minh, làm rõ khi có phản ánh từ báo chí và người dân. Không ít người có năng lực, trung thực, thẳng thắn và tâm huyết, dám đấu tranh với cái sai và bảo vệ cái đúng thì bị một số người có chức, có quyền dèm pha, ghét bỏ, không sử dụng hoặc bố trí vào những nơi chỉ để “ngồi chơi xơi nước”, hoặc những nơi khó khăn, vất vả; có người bị luân chuyển đến đơn vị khác hoặc cho nghỉ hưu trước tuổi nhằm tạo ra chỗ trống để bố trí người cùng phe cánh thay thế.

Có thể khẳng định, bệnh “tư duy nhiệm kỳ” là một biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; có biểu hiện tinh vi trong các khâu tuyển dụng, sử dụng, nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, thậm chí trong cả công tác thanh tra, kiểm tra… Những biểu hiện tiêu cực của “tư duy nhiệm kỳ” không chỉ làm trì trệ, đứt gãy mối quan hệ giữa các thành viên trong đơn vị, mà còn triệt tiêu, làm thui chột sự sáng tạo, đổi mới, cũng như sự phản biện, góp ý tích cực, vì tập thể, vì cái chung. Đó chính là “mảnh đất màu mỡ” để những tiêu cực, tệ nạn, vi phạm pháp luật nảy sinh, gây mất đoàn kết nội bộ, kìm hãm, thậm chí kéo lùi sự phát triển; là môi trường làm nảy sinh tình trạng hối lộ, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kéo bè, kéo cánh... Khi đã thao túng quyền lực trong nhiệm kỳ của mình, một số lãnh đạo có biểu hiện thiếu rèn luyện, tu dưỡng, không công tâm trong công việc, dễ sa vào cạm bẫy. “Tư duy nhiệm kỳ” còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và năng lực hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị các cấp; gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề đối với nền kinh tế đất nước, lãng phí nguồn lực, đặc biệt là giảm sinh khí, động lực phát triển của các tổ chức, suy giảm niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Đại hội XIII của Đảng đánh giá những biểu hiện của bệnh “tư duy nhiệm kỳ” là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước trong thời gian qua, cần nhanh chóng khắc phục triệt để5

3. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa những biểu hiện của bệnh “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác cán bộ

Một là, nhận thức đúng bản chất, tính nguy hiểm, dấu hiệu nhận diện, hậu quả… của “tư duy nhiệm kỳ”; quán triệt đầy đủ những quan điểm chỉ đạo của Đảng trong đấu tranh với “tư duy nhiệm kỳ”; tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý thức trách nhiệm của bản thân trong công tác đấu tranh đẩy lùi thực trạng “tư duy nhiệm kỳ”; tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Hai là, hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, cán bộ, gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ qua, đơn vị. Trước hết,  cần hoàn thiện các quy định về công tác tổ chức, cán bộ, quy định rõ chức danh, tiêu chuẩn cán bộ, bảo đảm không thể lợi dụng “tư duy nhiệm kỳ” trong nhiệm kỳ công tác. Cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tổ chức - cán bộ để xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó phát huy tối đa trách nhiệm của người đứng đầu, không dựa dẫm vào tập thể, không lợi dụng cơ chế tập thể để hợp pháp hóa, thực hiện ý đồ cá nhân. Nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế công khai, minh bạch trong công tác tổ chức - cán bộ, thi đua - khen thưởng nhằm khắc phục triệt để những biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ”, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, cần nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong việc lựa chọn công chức, viên chức; đặc biệt, cần có tiêu chí và quy trình cụ thể, rõ ràng đối với các chức danh chủ chốt. Chẳng hạn, công chức, người ứng cử vào các vị trí chủ chốt phải trình bày chương trình hành động trước nhân dân, với những cam kết cụ thể; nếu được bầu vào vị trí đó dự định sẽ triển khai những công việc gì, lộ trình, kế hoạch ra sao, công việc nào sẽ giải quyết trong nhiệm kỳ và công việc nào là chiến lược lâu dài. Nhân dân sẽ giám sát, truy vấn mỗi lần tiếp xúc cử tri, từ đó góp phần khắc phục biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ”. Tiếp tục thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị, bảo đảm khoa học, thiết thực, đánh giá xác đáng, đúng năng lực, trách nhiệm, kịp thời điều chỉnh hoặc thay thế cán bộ không có đủ khả năng, điều kiện, tín nhiệm thấp. Mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy, cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước Đảng, nhân dân trong việc lựa chọn người lãnh đạo kế tục, tránh chủ quan, hình thức, biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ là phải hoàn thiện các thể chế, quy định về công tác cán bộ. Theo đó, công tác đánh giá cán bộ cần được tiến hành khoa học và nghiêm túc, bám sát các tiêu chí và quy chuẩn hóa kết quả hoàn thành nhiệm vụ, hiệu quả công việc, tránh hời hợt, hình thức và không thực chất; kiên quyết không đưa những cán bộ thoái hóa biến chất, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào quy hoạch. Khi lựa chọn quy hoạch và bổ nhiệm, cần căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, kết quả đánh giá cán bộ; so sánh về kết quả công tác, chất lượng công việc của các chức danh quy hoạch tương đương, gắn với kết quả lấy phiếu giới thiệu của cán bộ, đảng viên theo đúng quy trình, quy định; bảo đảm tuyển chọn vào các cơ quan Đảng và hệ thống chính trị những cán bộ thật sự có đủ “tâm, tầm, tài”, “trung thành, trung thực, thẳng thắn, trí tuệ, tận tụy, thực tiễn”, thật sự vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy và cơ quan cần công tâm, gạt bỏ tư tưởng độc đoán chuyên quyền, cá nhân chủ nghĩa và đề cao trách nhiệm trong nhận xét, đánh giá, giới thiệu, thẩm định, xét duyệt và bổ nhiệm cán bộ. Cán bộ được ghi nhận công lao và bảo vệ trước áp lực của chủ nghĩa thành tích và tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, “an phận thủ thường”, nhất là người sắp hết nhiệm kỳ.

Ba là, có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, theo dõi, kiểm soát lợi ích nhóm, người đứng đầu các cấp trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm, giai đoạn đầu nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, hoặc chuẩn bị được điều động, luân chuyển công tác. Nếu thấy có biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ” trong quyết định các chủ trương, đầu tư, quy hoạch dự án và các vấn đề về công tác tổ chức - cán bộ, cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để xảy ra hậu quả, đồng thời chủ động chuẩn bị người thay thế đảm đương chức trách, nhiệm vụ của cán bộ đó. Ngoài dựa trên hiệu quả giám sát từ người dân và các phương tiện truyền thông, cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các cơ chế cụ thể để giám sát và ngăn ngừa từ bên trong, bởi đối với các biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ”, “phòng” luôn tốt hơn “chống”.

Bốn là, thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tính chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác cán bộ cũng như trong tham gia góp ý vào những chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước ở các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, bè phái, phe nhóm, cục bộ địa phương, từ việc nhận xét, đánh giá cán bộ đến giới thiệu, thẩm định, xét duyệt và bổ nhiệm cán bộ một cách chính xác, công tâm.

Năm là, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, viên chức, công chức để nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, phong cách, kỹ năng công tác; kết hợp việc đào tạo, bồi dưỡng với thực hiện luân chuyển để rèn luyện trong thực tiễn. Xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, nhất là đội ngũ cán bộ tham mưu cấp chiến lược ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Gắn chính sách tinh giản biên chế với việc thực hiện cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức để phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” gắn với lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng thi tuyển viên chức, công chức, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh. Cơ cấu lại và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, có chính sách và biện pháp đồng bộ để thay thế những người không đáp ứng được yêu cầu.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 213. 

2. Xem Cao Văn Thống: Nhận diện “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác cán bộ và giải pháp phòng, chống, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 20/8/2019, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/ guest/nam-2017/-/2018/520444/nhan-die n-%E2%80%9Ctu-duynhiem-ky%E2%80%9D-trong-cong-tac-can-bo-va-giai-phapphong%2C-chong.aspx.

3. Xem Thiện Văn: Khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” để góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 25/9/2016, http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/khac-phuctu-duy-nhiem-ky-de-gop-phan-bao-ve-loi-ich-quoc-gia-dan-toc.

4. Xem Nguyễn Tri Thức: Ngăn chặn biểu hiện tiêu cực của “tư duy nhiệm kỳ”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 26/9/2023, https:// nhandan.vn/ngan-chan-bieu-hien-tieu-cuc-cua-tu-duy-nhiem-kypost774403.html.

5. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 79.

PGS.TS. VŨ TRỌNG LÂM

Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

1. Bệnh “tư duy nhiệm kỳ” Tại Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XI của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ” như một căn bệnh, tệ nạn trong xã hội. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ””1. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII xem “tư duy nhiệm kỳ” là một biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên2. Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, xác định “tư duy nhiệm kỳ” là một trong những điều đảng viên không được

Tin khác cùng chủ đề

Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của Nhân dân
Những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm qua
Mùa xuân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Gửi bình luận của bạn