Dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là bản chất của chế độ ta mà còn là động lực quan trọng để xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu phát huy dân chủ trong lĩnh vực văn hóa đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Bài viết đánh giá khái quát thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng đời sống văn hóa, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của Nhân dân và xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay
Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay

1. Đặt vấn đề

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những giá trị cốt lõi và là đặc trưng tiêu biểu của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đảng xác định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”1.Trong lĩnh vực văn hóa, dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện sinh động thông qua việc Nhân dân được quyền tham gia xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đóng góp ý kiến, phản biện và giám sát các chủ trương, chính sách văn hóa ở cơ sở. 

Việc phát huy dân chủ trong đời sống văn hóa không chỉ góp phần khẳng định quyền làm chủ của Nhân dân mà còn tăng cường tính thực tiễn, sự phù hợp và hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hóa mới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình chuyển đổi số và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực văn hóa càng trở nên cấp thiết. Đây không chỉ là biểu hiện sinh động của bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn là điều kiện bảo đảm sự phát triển bền vững văn hóa con người Việt Nam, phù hợp với yêu cầu đổi mới, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.

2. Thực trạng dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng đời sống văn hoá ở nước ta hiện nay

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được xác định là vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, gắn liền với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Trên tinh thần đó, việc thực hiện dân chủ trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã có những chuyển biến tích cực, góp phần củng cố vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa của Nhân dân.

a. Những kết quả đạt được

Một là, dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là phương thức tổ chức, quản lý mà còn là mục tiêu hướng tới vì con người và do con người làm chủ trong tiến trình xây dựng đời sống văn hóa. Từ năm 2023 đến nay, trên phạm vi cả nước, việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong lĩnh vực văn hóa ngày càng có chiều sâu, với nhiều biểu hiện thiết thực, rõ ràng và hiệu quả.

(1) Dân chủ cơ sở trong lĩnh vực văn hóa được thể hiện bằng sự tham gia của người dân vào việc xây dựng hương ước, quy ước cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành phố có số lượng hương ước được xây dựng trên 100% các xã, phường của địa phương, tiêu biểu như: Phú Yên hiện có có 602 hương ước được công nhận trên tổng số 602 thôn, buôn, khu phố, đạt tỷ lệ 100%, trong đó: số hương ước được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã công nhận theo Nghị định só 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 là 140 hương ước 2 (tỷ lệ 23,3%). Số hương ước được UBND cấp huyện công nhận là 462 hương ước2…. Đây không chỉ là công cụ quản lý cộng đồng mà còn là diễn đàn để người dân bàn bạc, biểu quyết, quy định chuẩn mực ứng xử văn hóa ngay tại nơi mình sinh sống, qua đó phát huy quyền tự quản và tinh thần trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.

(2) Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng trên cả nước với nhiều nội dung cụ thể, như: xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đơn vị văn hóa… Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 5 năm thực hiện Nghị định số122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018, cả nước có hơn 20 triệu hộ gia đình (trên tổng số hơn 23 triệu hộ) được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ trên 89%. Bên cạnh đó, có gần 67.500 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, tương ứng 77% tổng số khu dân cư cả nước3. Những con số này không chỉ phản ánh quy mô phong trào mà còn cho thấy sự tham gia chủ động, tích cực và tự giác của người dân vào việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với xây dựng cộng đồng văn minh và đoàn kết.

Hai là, kết quả phát huy dân chủ còn thể hiện rõ nét qua các hoạt động tự tổ chức, tự quản đời sống văn hóa của người dân. Cả nước hiện có 63 thư viện cấp tỉnh, 647 thư viện cấp huyện, gần 22.000 thư viện cấp xã, thư viện cộng đồng, phòng đọc, không gian đọc cơ sở; gần 400 thư viện đại học và tương đương, 27.000 thư viện trường học/tổng số 40.000 cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non4. Tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 689/705 quận, huyện có trung tâm Văn hóa – Thể thao hoặc nhà Văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có trung tâm Văn hóa – Thể thao, đạt tỷ lệ 77,4%; 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có nhà Văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 76,3%5

Người dân ở nhiều địa phương không chỉ tham gia mà còn là chủ thể khởi xướng và điều hành hoạt động của các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, bảo tồn văn hóa dân gian, tổ chức các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa… Tại nhiều khu dân cư, các tổ tự quản về môi trường, an ninh, nếp sống văn hóa đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Đơn cử, tỉnh Nam Định, một địa phương điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa có 96% khu dân cư có nhà văn hóa, hằng năm, 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó trên 60% tổ chức thêm “bữa cơm đại đoàn kết” do chính người dân chủ trì và chuẩn bị6.

Ba là, không chỉ dừng lại ở hoạt động văn hóa phong trào, cơ chế dân chủ còn được thể hiện trong quyền giám sát, phản biện của Nhân dân đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách văn hóa tại địa phương. Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, người dân có điều kiện đóng góp ý kiến, góp phần điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trong quy ước, hương ước hoặc hoạt động văn hóa cộng đồng. Nhiều mô hình tự giám sát, đánh giá kết quả phong trào văn hóa ở cơ sở được hình thành, giúp quá trình thực thi dân chủ diễn ra thực chất, hiệu quả và bền vững hơn. Tại tỉnh Lạng Sơn, năm 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội đối với 186 dự thảo văn bản của chính quyền cùng cấp, với tổng số 1.073 ý kiến tham gia phản biện7… Nội dung phản biện tập trung vào dự thảo về việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

b. Một số hạn chế, bất cập

(1) Ở một số địa phương, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cán bộ cơ sở về vai trò, ý nghĩa của dân chủ trong lĩnh vực văn hóa còn chưa đầy đủ và thống nhất. Tình trạng hành chính hóa, áp đặt từ trên xuống vẫn diễn ra, khiến cho việc phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân thiếu thực chất, mang tính hình thức. Kết quả điều tra xã hội học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho thấy, có 21,7% người dân cho rằng ý kiến của mình chưa được lắng nghe một cách thực chất khi tham gia góp ý xây dựng quy ước, hương ước hoặc tổ chức lễ hội địa phương8

(2) Chất lượng và hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn chưa đồng đều, chưa thật sự phản ánh đúng thực chất của các danh hiệu được công nhận. Kết quả điều tra xã hội học chỉ ra rằng, có 25,6% người dân được hỏi thừa nhận việc bình xét còn mang tính nể nang, hình thức, một phần chạy theo thành tích, ít gắn với kiểm tra thực chất9

(3) Thiết chế văn hóa cơ sở thiếu đồng bộ, nhiều nơi hoạt động kém hiệu quả. Nhiều nhà văn hóa, thư viện, sân chơi cộng đồng đã được đầu tư xây dựng nhưng thiếu người phụ trách chuyên trách, không có nguồn kinh phí ổn định để duy trì hoạt động hoặc nội dung sinh hoạt nghèo nàn, trùng lặp theo kiểu “làm cho có”. Cùng với đó, các hình thức giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực văn hóa ở cơ sở hiện nay vẫn còn lúng túng, thiếu tính chuyên nghiệp và chưa phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo của người dân. Cơ chế để người dân tham gia giám sát, phản biện các hoạt động văn hóa tuy đã được đề cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật nhưng trên thực tế vẫn còn thiếu cụ thể, khó thực thi. 

3Giải pháp phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng đời sống văn hoá ở nước ta hiện nay 

Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa một cách hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hoá, cần triển khai đồng bộ các giải pháp dưới đây:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của dân chủ xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực văn hóa.

Nâng cao nhận thức là giải pháp mang tính nền tảng, định hướng tư tưởng và tạo tiền đề cho việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát huy dân chủ trong lĩnh vực văn hóa. Khi nhận thức được nâng lên, việc thực hành dân chủ sẽ trở nên tự giác, chủ động và gắn với thực tiễn hơn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh từ cơ sở. Giải pháp này hướng đến việc làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ rằng, dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là quyền tham gia mà còn là trách nhiệm trong xây dựng và phát triển văn hóa. Dân chủ phải gắn với pháp luật, đặt trong khuôn khổ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, vừa bảo đảm quyền tự do sáng tạo, vừa định hướng các giá trị chuẩn mực.

Để thực hiện giải pháp này, trước hết, cần chú trọng việc quán triệt sâu sắc và tuyên truyền thường xuyên các văn kiện, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến dân chủ và văn hóa, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa; Chỉ thị số 24-CT/TW về phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và các nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc học tập, phổ biến những nội dung này cần được tổ chức bằng nhiều hình thức linh hoạt, thiết thực, gắn với đặc điểm từng địa phương, cơ sở, như: sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, lớp bồi dưỡng chính trị, hội nghị báo cáo viên, hoặc thông qua hệ thống truyền thông, mạng xã hội, các diễn đàn văn hóa cộng đồng.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm bảo đảm quyền dân chủ trong lĩnh vực văn hóa.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật là giải pháp có ý nghĩa quyết định nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực văn hóa, thông qua hệ thống quy định pháp lý cụ thể, khả thi và có hiệu lực thực tiễn. Đây là điều kiện cần thiết để quyền làm chủ của Nhân dân được thực hiện rõ ràng, bình đẳng và minh bạch trong đời sống văn hóa ở cơ sở. Giải pháp này nhằm xây dựng hành lang pháp lý vững chắc để người dân có cơ sở pháp luật tham gia, giám sát, phản biện các hoạt động văn hóa một cách chính danh và có hiệu quả. Đồng thời, việc minh bạch hóa thông tin và nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền là yếu tố then chốt để nâng cao niềm tin của nhân dân, hạn chế tình trạng hình thức, né tránh hoặc áp đặt trong quản lý văn hóa.

Cần tiếp tục rà soát, bổ sung, cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền tham gia của người dân trong xây dựng quy ước, hương ước, tổ chức lễ hội, bảo vệ di sản và quản lý thiết chế văn hóa cộng đồng. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin các chương trình, dự án văn hóa tại cơ sở, đặc biệt ở cấp xã, phường. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng kênh tiếp nhận ý kiến và phản hồi minh bạch. Cùng với đó, cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân tham gia giám sát, phản biện đúng pháp luật, qua đó thúc đẩy dân chủ thực chất trong lĩnh vực văn hóa từ cơ sở.

Thứ ba, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội trong phát huy dân chủ văn hóa.

Trước hết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, huyện cần chủ trì phối hợp với các tổ chức đoàn thể,như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tổ chức định kỳ các diễn đàn Nhân dân về văn hóa, các buổi đối thoại giữa người dân với chính quyền về hoạt động lễ hội, quản lý di tích, xây dựng quy ước, hương ước. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phát huy vai trò giám sát, nhất là trong việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở trong lĩnh vực văn hóa; tổng hợp đầy đủ ý kiến nhân dân và phản hồi lại kết quả xử lý để nâng cao trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, cần có sự phối hợp thường xuyên giữa Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan chức năng để tham mưu, hoàn thiện cơ chế phối hợp, bảo đảm quyền giám sát, phản biện của nhân dân được thực hiện đúng pháp luật, đúng trọng tâm và có hiệu quả thực tiễn.

Thứ tư, phát triển môi trường văn hoá lành mạnh, dân chủ, hiện đại và giàu bản sắc.

UBND cấp huyện và xã cần ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở, như: nhà văn hóa, thư viện, trung tâm học tập cộng đồng. Phòng Văn hóa, thông tin và chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch sử dụng, vận hành hiệu quả các thiết chế đã có, bảo đảm duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng thường xuyên, phong phú, hấp dẫn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cần lồng ghép nội dung tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ bản sắc và loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu thông qua các mô hình văn hóa tự quản, câu lạc bộ văn hóa dân gian, tổ chức ngày hội văn hóa ở khu dân cư. 

Thứ năm, phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trong thúc đẩy dân chủ văn hóa.

Các cơ quan báo chí trung ương và địa phương cần chủ động xây dựng các chuyên mục, chuyên trang văn hóa dân chủ, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Phòng Văn hóa, thông tin, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội cần tổ chức tọa đàm, đối thoại, phản biện các vấn đề nổi cộm, như: thương mại hóa lễ hội, xuống cấp trong văn hóa ứng xử, lối sống thực dụng, lai căng… Đồng thời, các cơ quan quản lý thông tin, như: sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan quản lý thông tin, truyền thông, báo chí cần nâng cao năng lực giám sát, quản lý không gian mạng, ngăn chặn hiệu quả các nội dung xuyên tạc, phản văn hóa, lợi dụng danh nghĩa dân chủ để kích động, chia rẽ. Mặt khác, cần phát huy vai trò tích cực của đội ngũ nhà báo, người làm truyền thông trong việc định hướng giá trị, lan tỏa nội dung văn hóa tiến bộ, phù hợp với bản sắc dân tộc và chuẩn mực xã hội chủ nghĩa.

4. Kết luận

Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng đời sống văn hóa là một yêu cầu khách quan và cấp thiết trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Dân chủ trong lĩnh vực văn hoá không chỉ là biểu hiện sinh động quyền làm chủ của Nhân dân mà còn là động lực để xây dựng và phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc phát huy dân chủ trong đời sống văn hóa càng có ý nghĩa chiến lược nhằm phát triển con người Việt Nam toàn diện, hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ.

 Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 69. 

2. Phú Yên xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2024. https://bvhttdl.gov.vn/phu-yen-xay-dung-va-thuc-hien-huong-uoc-quy-uoc-nam-2024-

3. Tác giả tổng hợp số liệu theo báo cáo 5 năm thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.

4. Tác giả tổng hợp số liệu theo báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024.

5. Rà soát các quy định thuộc thẩm quyền địa phương để có giải pháp phù hợphttps://baovanhoa.vn/van-hoa/ra-soat-cac-quy-dinh-thuoc-tham-quyen-dia-phuong-de-co-giai-phap-phu-hop.

6. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11): Sôi nổi Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. https://baonamdinh.vn/tin-nong/202411/ngay-hoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-1811-soi-noi-ngay-hoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc.

7. Mặt trận Tổ quốc các cấp và tổ chức đoàn thể: Đổi mới công tác phản biện xã hội. https://baolangson.vn/mttq-cac-cap-va-to-chuc-doan-the-doi-moi-cong-tac-phan-bien-xa-hoi.

8, 9. Tác giả tổng hợp số liệu qua khảo sát, điều tra xã hội học tại tỉnh Ninh Bình, tháng 01/2025.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2020). Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị, Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011). Chương trình số 12/CtrPH-MTTW-BVHTTDL ngày 29/9/2011 về việc chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới.

 

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2020). Chương trình số 1376/CtrPH-BVHTTDL-MTTW ngày 07/4/2020 về việc phối hợp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2020 – 2025.

Thượng úy Trần Văn Tuấn
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

1. Đặt vấn đề Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những giá trị cốt lõi và là đặc trưng tiêu biểu của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đảng xác định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”1.Trong lĩnh vực văn hóa, dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện sinh động thông qua việc Nhân dân được quyền tham gia xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đóng góp ý kiến, phản biện và giám sát các chủ trương, chính sách v

Tin khác cùng chủ đề

Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của Nhân dân
Những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm qua
Mùa xuân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Gửi bình luận của bạn