Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là tấm lòng yêu thương vô hạn đối với con người, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh và phẩm giá con người, một ý chí kiên quyết đấu tranh để giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, đói nghèo, lạc hậu; chăm lo, yêu thương đến mọi con người trong đời sống xã hội với tinh thần không bỏ sót đối tượng nào, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt trong việc làm, đời sống và học tập của con người. Bài viết phân tích và làm rõ hơn chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, qua đó đề xuất một số giải pháp cơ bản để góp phần phát triển con người Việt Nam thời kỳ mới. 

Phát triển con người Việt Nam thời kỳ mới theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh
Phát triển con người Việt Nam thời kỳ mới theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh

1. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có lòng yêu thương con người, coi trọng con người, tin tưởng tuyệt đối ở con người, hết lòng vì con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng chính bản thân con người. Chủ nghĩa nhân văn đó được thể hiện: 

Thứ nhất, coi con người như một thực thể thống nhất giữa “cá nhân” và “xã hội”. Con người là một chỉnh thể thống nhất về “thể lực, trí lực, tâm lực” trong các hoạt động của mình, luôn hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Người chỉ rõ: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”(1). Tư tưởng đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ nhìn nhận “con người” một cách chung chung, trừu tượng; con người tồn tại trong mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân với cộng đồng, dân tộc, giai cấp, nhân loại; là con người được sinh ra trên mảnh đất của một quốc gia gắn liền với đặc điểm lịch sử, truyền thống văn hóa, đạo đức mang bản sắc dân tộc và phát triển toàn diện. Vì vậy, Người nhìn nhận, xem xét con người trong tính đa dạng: đa dạng cả về thể chất, tính cách, trí tuệ, phẩm chất, tài năng sáng tạo, về các mối quan hệ xã hội, về khát vọng, về khả năng phát triển và đa dạng trong hoạt động xã hội.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Theo Người, lịch sử là do quần chúng nhân dân sáng tạo ra, chứ không phải do vài ba cá nhân anh hùng nào, vì vậy, chúng ta phải yêu dân, quý dân, trọng dân, vì “có dân là có tất cả”. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(2). Do đó, “trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”(3). Vì thế, mọi chính sách tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá của đất nước đều phải hướng tới con người, phục vụ lợi ích của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân”(4); “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”(5); “chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”(6). 

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước. Nhân dân là người giữ vai trò quyết định trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội. Người dân có quyền: làm chủ bản thân, nghĩa là có quyền được bảo vệ về thân thể, được tự do đi lại, tự do hành nghề, tự do ngôn luận, tự do học tập trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp cho phép; làm chủ tập thể, làm chủ địa phương, làm chủ cơ quan nơi mình sống và làm việc; làm chủ các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội thông qua bầu cử và bãi miễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời luôn lo cho nhân dân và vì nhân dân, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực thống nhất với nhau. 

2. Giải pháp phát triển con người Việt Nam thời kỳ mới theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh

Qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”(7). Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ thực tiễn đó, để tiếp tục phát triển con người Việt Nam thời kỳ mới theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần quán triệt và thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, phát triển con người cả về số lượng, có chất lượng cao, có lòng yêu nước, ý chí, khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn coi con người là vốn quý nhất, coi trọng con người, tin tưởng tuyệt đối ở con người, hết lòng vì con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng chính bản thân con người, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Ngày 06/01/2025, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê thông báo số liệu năm 2024: “Dân số trung bình của Việt Nam năm 2024 là 101,3 triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh và cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tỉ lệ tử vong duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng do những thành tựu phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện. 

Theo báo cáo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2024 là 101.112.656 người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia, Philippines) và thứ 16 trên thế giới. Trong tổng dân số cả nước, dân số nam là 50.346.030 người, chiếm 49,8%; dân số nữ là 50.766.626 người, chiếm 50,2%; dân số thành thị là 38.599.637 người, chiếm 38,2%; dân số nông thôn là 62.513.019 người, chiếm 61,8%”(8). Do đó, cần phải phát triển con người cả về số lượng, có chất lượng cao, có khát vọng phát triển để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Phát triển con người Việt Nam có giàu lòng yêu nước, ý chí, khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc, trong đó, lòng yêu nước giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(9).

Để hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng ta năm 2030 và kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước năm 2045 đưa nước ta thành nước phát triển, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh Việt Nam. Trong đó, việc xây dựng và phát triển con người trong điều kiện cơ đồ, vị thế đất nước có nhiều thay đổi, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Con người mới phải dấn thân vào: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”(10). Con người Việt Nam thời kỳ mới còn thể hiện ở ý chí quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, xây dựng và phát triển đất nước; ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Những phong trào thi đua đó đang phát huy cao độ lòng yêu nước của con người Việt Nam; không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần định hình những giá trị mới, lối sống mới của con người mới xã hội chủ nghĩa - khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc để sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi. 

Khơi dậy ý chí, khát vọng và quyết tâm đó, sau gần 40 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã có vị thế mới trong cộng đồng quốc tế, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh. “Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỉ đồng, tương đương 476,3 tỉ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023)”(11). 

Hai là, kiên định thực hiện mục tiêu, lý tưởng đạo đức cao đẹp trong phát triển con người mới theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Cương lĩnh cách mạng mà Đảng ta chỉ ra từ ngày thành lập cùng với sự phấn đấu bền bỉ, kiên cường hơn 95 năm qua đi theo con đường cách mạng vô sản, dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng đạo đức cao đẹp nhất, sâu sắc nhất, bao trùm nhất và quán xuyến lâu dài nhất mà Đảng và Nhân dân ta phấn đấu thực hiện. 

Kiên định mục tiêu, lý tưởng chính trị, đồng thời cũng là mục tiêu, lý tưởng đạo đức cao đẹp của Đảng - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội,  đó là: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”(12). Đây là vấn đề hàng đầu và thuộc về nguyên tắc bất di bất dịch, quyết định sự tồn vong của Đảng, đồng thời, cũng là yếu tố bảo đảm cho Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”(13). Bởi vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phài có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”(14). 

Tiến bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những giá trị đạo đức tiếp tục được các thế hệ cán bộ, đảng viên kế thừa và nâng lên tầm cao mới. Cùng với xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối, chú trọng xây dựng tổ chức đảng và công tác cán bộ, Đảng ta rất đề cao giáo dục đạo đức cách mạng trong Đảng và cũng đòi hỏi từng cán bộ, đảng viên nâng cao trách nhiệm thực hành đạo đức cách mạng. Sự tự tu dưỡng, tự giác thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên vô cùng quan trọng, đặc biệt là sự nêu gương của người đứng đầu các cấp. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên… Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng”(15). Mỗi cán bộ, đảng viên luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tin tưởng vào thắng lợi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, luôn xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân; có lòng nhân ái và gương mẫu về đạo đức, lối sống; thực hiện tốt “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn khắc ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(16).

Ba là, phát huy tinh thần đoàn kết để tạo động lực mạnh mẽ trong thời kỳ mới. 

Tinh thần đoàn kết trở thành giá trị vững bền, là “chất keo” kết dính tự nhiên, là mạch nguồn của sức mạnh Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại đều mang trong mình giá trị tinh thần ấy. Đoàn kết là nhân tố quyết định sự tồn vong của dân tộc ta qua suốt chiều dài lịch sử và sự thành công của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đã phát huy mạnh mẽ, cao độ tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, tạo cơ sở cho những thắng lợi to lớn của cách mạng. Người nhấn mạnh, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công. “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”(17); “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”(18). 

Trong kỷ nguyên mới, tinh thần đoàn kết càng được thể hiện qua việc chung tay góp sức xây dựng quê hương, đất nước, vì cuộc sống cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho toàn xã hội, quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo, đến những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, quan tâm giúp đỡ cùng nhau làm kinh tế. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(19). 

Tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Ðảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng hiện nay nhằm: “Tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh”(20). Đồng thời, “phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”(21). Theo đó, cán bộ, đảng viên phải thật sự tiên phong, có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, theo Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã thể hiện rõ những nội dung yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân; kiên quyết chống các biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của Nhân dân. Chỉ có tăng cường mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân “góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””(22). Đồng thời, sẽ khắc phục được: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””(23).

Bốn là, phát huy lòng tự trọng, đức tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo, nhạy bén của con người Việt Nam trong học tập, lao động sản xuất, kinh doanh. 

Một phẩm chất cao quý của con người Việt Nam là có lòng tự trọng cao, không cam chịu đói nghèo mà luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Ngày nay, phẩm chất ấy cần phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng tiếp thu khoa học và công nghệ, đem kỹ thuật và công nghệ tiên tiến ứng dụng vào thực tế để phát triển nền kinh tế, làm cho đất nước giàu mạnh. Một xã hội, một đất nước càng có nhiều người có lòng tự trọng thì xã hội đó càng tốt đẹp, đất nước đó càng phát triển ổn định và bền vững; danh dự giống nòi càng được bạn bè quốc tế yêu mến, khâm phục.  

Cần cù là đức tính ưu trội của người Việt Nam, đó là sự kiên nhẫn, bền bỉ, nhẫn nại trong học tập, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất. Trải qua biết bao thế hệ, do phát huy được truyền thống này mà dân tộc Việt Nam đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú. Nhờ đó mà dân tộc ta đã vượt qua được mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa những đức tính cao đẹp đó của con người Việt Nam để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, cần cù không phải là sự sao chép, lặp lại mà cần có tư duy đổi mới, sáng tạo, khả năng thích ứng tốt để đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ mới.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh vẫn là ngọn hải đăng luôn soi sáng, dẫn đường để phát triển con người Việt Nam thời kỳ mới và con người vẫn là nhân tố có vai trò quyết định trong tiến trình phát triển. Con người mới, với trí tuệ và tiềm năng sáng tạo, đặc biệt có khả năng lựa chọn và tiếp thu một cách chọn lọc những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần phục vụ cho sự phát triển. Con người với khả năng của mình biết kết hợp các nguồn lực khác để tạo ra sự thay đổi to lớn cho sự phát triển xã hội văn minh, bền vững. Con người cũng là nguồn lực vô tận, càng được khai thác đúng cách lại càng trở nên giàu có. Khi trí tuệ, tinh thần của con người được phát huy, được vật chất hóa thì nó sẽ thúc đẩy sự phát triển vô cùng mạnh mẽ; con người có khả năng tiếp thu và vận dụng sáng tạo những thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ tiên tiến, những tri thức hiện đại trên thế giới vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta khi nguồn lực con người vô cùng phong phú, là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.130.

(2), (3)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, sđd, tr.453, tr.453.

(4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, sđd, tr.75, tr.556.

(6), (18)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, sđd, tr.378, tr.119.

(7), (12), (15), (19), (20), (22), (23)  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn  kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.104, tr.180, tr.183-184, tr.57, tr.191, tr.74, tr.92.

(8), (11)  https://tapchinganhang.gov.vn/nam-2024-nen-kinh-te-viet-nam-dat-muc-tang-truong-709-15095-15095.html&link=autochanger.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, sđd, tr.38.

(10) Bộ Chính trị, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tr.1-2.

(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, sđd, tr.403.

(14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, sđd, tr.289.    
(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, sđd, tr.612.

(17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, sđd, tr.177.

(21) Xem: Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hà Nội, ngày 17/10/2024.

ThS Nguyễn Văn Hùng - Học viện Chính trị 

1. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh  Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có lòng yêu thương con người, coi trọng con người, tin tưởng tuyệt đối ở con người, hết lòng vì con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng chính bản thân con người. Chủ nghĩa nhân văn đó được thể hiện:  Thứ nhất, coi con người như một thực thể thống nhất giữa “cá nhân” và “xã hội”. Con người là một chỉnh thể thống nhất về “thể lực, trí lực, tâm lực” trong các hoạt động của mình, luôn hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Người chỉ rõ: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả lo&a

Tin khác cùng chủ đề

Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của Nhân dân
Những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm qua
Mùa xuân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Gửi bình luận của bạn