Dự buổi gặp mặt có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước. Các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Phạm Văn Trà, Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi gặp mặt. Cùng dự có Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng... Dự buổi gặp mặt có đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các cơ quan chức năng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Trước giờ khai mạc buổi gặp mặt đại biểu NCC và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến các hàng ghế đại biểu trong Hội trường Bộ Quốc phòng ân cần hỏi thăm sức khỏe các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đại biểu nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ đã từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường.


Đó là chuyện của Đại tá Nguyễn Văn Thiện, Thương binh hạng 4/4, Chính trị viên, Ban CHQS huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Khi vừa đến Hà Nội dự buổi gặp mặt biểu dương đại biểu NCC và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội, Đại tá Nguyễn Văn Thiện đã có cuộc trò chuyện thân mật với các phóng viên báo, tạp chí trong và ngoài quân đội. Anh Thiện hào hứng kể về những trận chiến đấu mà mình đã tham gia bên chiến trường nước bạn, giúp bạn truy quét quân Pol Pot và bị thương năm 1985. Lúc đó anh là Phó đại đội trưởng quân sự Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 16, Sư đoàn 5, Quân khu 7. Anh Thiện cho rằng: “Bản thân là một thương binh, tôi may mắn hơn các đồng đội đã ngã xuống và không trở về nên rất thấu hiểu sự mất mát của các gia đình liệt sĩ, từ đó tôi thấy phải có trách nhiệm hơn nữa đối với gia đình đồng chí, đồng đội mình”. Chính vì lẽ đó, trên các cương vị công tác, anh Thiện luôn chủ động tham mưu cho cấp trên giải quyết tốt các chế độ chính sách cho NCC.

Còn Thượng tá Nguyễn Khắc Quyên (con liệt sĩ), Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, muốn được chuyển lời của đồng chí Lê Hồng Chuyên, Bí thư Đảng ủy xã Lang Chánh tới các đồng chí lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, xin cảm ơn các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn đã có nhiều chương trình hoạt động đền ơn đáp nghĩa giúp NCC của xã vươn lên trong cuộc sống. Anh Quyên cho biết thêm, dịp này, Ban CHQS huyện Lang Chánh đã tặng NCC của xã hơn 30 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng), ngoài ra còn giúp xã nhiều công lao động xây dựng nông thôn mới.
Câu chuyện về trách nhiệm với đồng đội đã hy sinh và NCC như chia sẻ của các đại biểu mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, trò chuyện đó là nét đẹp truyền thống của Quân đội ta, góp phần để các đơn vị Quân đội thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC và chính sách hậu phương Quân đội. Điều này được Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt. Đồng chí nêu rõ: Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực, chủ động bám sát thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiệm vụ của quân đội, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương chủ trì nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng và chính sách hậu phương quân đội. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách hiện hành đối với NCC thuộc diện Quân đội quản lý và kịp thời giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng trong toàn quân, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực...


Noi gương, tiếp bước thế hệ đi trước
Các đại biểu dự buổi gặp mặt biểu dương NCC và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong quân đội rất xúc động khi được nghe Đại tá Nghiêm Xuân Khao, thân nhân liệt sĩ, Trưởng phòng Dân vận Cục Chính trị Quân khu 3 phát biểu. Anh Khao đã cùng các đại biểu hồi tưởng lại cuộc chiến tranh ác liệt trước sự mất mát, hy sinh của những người con ưu tú. Đó là chuyện của năm 1968, khi cha của anh Khao là đồng chí Nghiêm Xuân Phao, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5 vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Rồi vào một ngày cuối tháng Chạp năm 1970, khi đang vận chuyển lương thực cho đơn vị đón Tết Nguyên đán, thì chiến sĩ Nghiêm Xuân Phao lọt vào trận địa phục kích của địch khu vực Đèo Đá Trắng và đã anh dũng hy sinh trước sự tra tấn bằng báng súng hết sức dã man của quân thù.
Tiếp nối xứng đáng truyền thống của gia đình, cảm phục trước lòng dũng cảm của cha, với danh dự là con liệt sĩ, năm 1982 khi biên giới phía Bắc chưa yên tiếng súng, chàng thanh niên Nghiêm Xuân Khao viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hơn 30 năm công tác, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, Đại tá Nghiêm Xuân Khao luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ... Đại tá Nghiêm Xuân Khao mong muốn các cấp, các ngành và các đơn vị quân đội đẩy mạnh các hoạt động tri ân NCC với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Đến dự buổi gặp mặt, mỗi đại biểu NCC và thân nhân liệt sĩ có một hoàn cảnh khác nhau, ở các cương vị công tác khác nhau, có những kỷ niệm riêng về người thân của mình, nhưng đều có quyết tâm chung, đó là: Tiếp nối truyền thống của cha anh, của các thế hệ đi trước và mong muốn các cơ quan, đơn vị quân đội cùng chung tay thực hiện có hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ, NCC và chính sách hậu phương quân đội.
Từ những mong muốn của các đại biểu, để công tác chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng và chính sách hậu phương quân đội thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, Thượng tướng Lê Chiêm yêu cầu: Cấp ủy, cán bộ chủ trì và các cơ quan chức năng các cấp trong quân đội cần quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng, nguyên tắc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng và chính sách hậu phương quân đội. Kịp thời tham mưu đề xuất với trên ban hành đồng bộ các chính sách đối với quân đội, hậu phương quân đội; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện chính sách hậu phương quân đội và phong trào đền ơn đáp nghĩa; quan tâm, chăm lo đảm bảo tốt hơn đời sống cho các gia đình NCC còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Tiếp tục thực hiện đạt kết quả tốt công tác tìm kiếm, quy tập HCLS. Công tác đền ơn đáp nghĩa của quân đội cần hướng vào góp phần tạo điều kiện tốt nhất để NCC có cuộc sống tốt hơn, yên tâm cống hiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Buổi tuyên dương kết thúc, các đại biểu bịn rịn chia tay, ngày mai trở về đơn vị, ở các cương vị công tác khác nhau, họ lại tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống xây dựng đơn vị vững mạnh, tham gia tích cực hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân NCC – làm sâu sắc hơn nét đẹp truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Sáng ngày 19-7, Đoàn đại biểu NCC và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong Quân đội đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại buổi gặp mặt biểu dương đại biểu NCC và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong Quân đội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã trao quà tặng 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng dự buổi gặp mặt. |
Theo qdnd.vn