Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam – không chỉ để lại di sản lý luận là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là những nguyên lý hành động sâu sắc, thực tiễn. Công tác kiểm tra, giám sát luôn được Người xem là “một khâu quan trọng trong lãnh đạo của Đảng”. Đặc biệt, Người thường nhấn mạnh đến chữ “khéo” trong công tác kiểm tra, lỷ luật đảng – một từ ngắn gọn nhưng hàm chứa tư duy biện chứng, nghệ thuật lãnh đạo và thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc.

Bàn về chữ “khéo” trong công tác kiểm tra của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bàn về chữ “khéo” trong công tác kiểm tra của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một nội dung cụ thể về chữ “khéo” trong công tác kiểm tra và kỷ luật đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ “khéo” ở đây không chỉ thuần túy là kỹ năng hay sự khôn ngoan, khéo léo thông thường, mà mang hàm nghĩa vừa đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng cách, vừa đảm bảo hiệu quả công tác kiểm tra mà vẫn giữ được đoàn kết nội bộ, tăng cường uy tín của tổ chức và khiến cho đối tượng kiểm tra “tâm phục, khẩu phục”, Nhân dân đồng tình, ủng hộ.Trong di sản tư tưởng, lý luận về Đảng và xây dựng Đảng hết sức đồ sộ và phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết một cuốn sách chuyên khảo bàn riêng về công tác kiểm tra và kỷ luật trong Đảng, nhưng từ những bài nói, bài viết cũng như hoạt động thực tiễn của Người cho thấy công tác kiểm tra và kỷ luật đảng được Người luận giải khá rõ ràng, đầy đủ, hoàn chỉnh với độ chuẩn xác và tính khoa học, tính dự báo rất cao.

“Khéo” tức là phải trên cơ sở khoa học, vận dụng các hình thức, phương pháp kiểm tra linh hoạt, đa dạng. Người phê phán nghiêm khắc lối làm việc quan liêu; thiếu kiểm tra, kiểm soát cụ thể; thích làm việc chủ yếu qua  giấy tờ; ngồi một nơi “chỉ tay năm ngón”. Cách làm việc như thế rất có hại vì nó làm cho lãnh đạo không đi sát với phong trào, xa rời thực tiễn, không hiểu rõ, nắm chắc tình hình cơ sở, dẫn đến việc nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước không được chấp hành đến nơi đến chốn.

“Khéo” kiểm tra được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khá rộng và toàn diện từ vị trí, vai trò của kiểm tra đến lựa chọn cán bộ kiểm tra, phương pháp tiến hành kiểm tra... Có thể nêu cụ thể như sau:

Thứ nhất, “khéo” khi Người xác định kiểm tra và kỷ luật đảng là tất yếu khách quan, là một nội dung rất quan trọng trong quy trình lãnh đạo của Đảng.

Đối với quy trình lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(1).

Xác định rõ nội dung này chính là “khéo” trong công tác thực hiện quy trình lãnh đạo của Đảng để khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra cần xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra và thực hiện một cách nghiêm túc; mặt khác sẽ tránh được tình trạng kiểm tra tràn lan mà kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm và tránh hình thức, chiếu lệ.

Cũng như công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật trong Đảng là một tất yếu khách quan. Tính tất yếu này được quy định ngay từ quy luật hình thành và phát triển của Đảng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải rất rõ ràng căn nguyên của những khuyết điểm, sai lầm trong Đảng. Người viết: “Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”(2).

Đảng là nơi quy tụ những người có tài, có đức, phần lớn những người hăng hái, thông minh, yêu nước, kiên quyết, dũng cảm nhất. Tuy vậy, không phải ai cũng là người tốt, ai cũng làm việc hay. Trong Đảng hoàn toàn không tránh khỏi một vài phần tử không tốt, làm những việc không chính đáng. Do vậy, “khéo” khi tiến hành kỷ luật trong Đảng là để ngăn chặn sai lầm, khuyết điểm; sửa chữa thói hư, tật xấu; thải loại những kẻ thoái hóa biến chất; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, “khéo” trong xác định mục đích, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát.

Mục đích của kiểm tra không phải là để kỷ luật cho nhiều, cho nặng mà kiểm tra là để giúp cho các cấp ủy đảng nắm được tình hình lãnh đạo, đánh giá một cách chính xác chất lượng của các nghị quyết, chỉ thị...; giám sát chặt chẽ tình hình tổ chức thực hiện để kịp thời phát huy những điểm làm tốt, điều chỉnh những điểm còn chưa tốt cũng như vướng mắc, bất cập; đồng thời, xác định được ai chấp hành tốt, ai chưa, năng lực thực tế của mỗi người.v.v.

“Khéo” kiểm tra mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu; mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan, của các mệnh lệnh và nghị quyết mà Đảng đã ban hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh kiểm tra không phải là “bới lông, tìm vết” mà mục đích của kiểm tra là làm rõ đúng sai, minh oan cho cán bộ, đảng viên (nếu có); phải giữ được uy tín cá nhân, giữ được lòng tin trong tập thể. Sau kiểm tra khi phát hiện có sai phạm nghiêm trọng cần phải xử lý kiên quyết nhưng có lý, có tình, có sức thuyết phục nhằm giữ vững đoàn kết nội bộ.

Thứ ba, “khéo” kiểm tra để góp phần phòng, chống bệnh quan liêu trong đội ngũ cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”(3).

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo cần quán triệt và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra từ trên xuống: “Tỉnh ủy và các huyện ủy phải kiểm tra, đôn đốc, đi sát, giúp đỡ đồng bào”(4). Có như thế mới tránh được tình trạng quan liêu, không theo dõi kiểm tra, giám sát công việc đang diễn ra trong thực tế.

Trong công tác cán bộ, khéo kiểm tra chính là giúp đỡ cán bộ vì nếu: “Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ”(5). Kiểm tra không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa khuyết điểm, sai lầm, giúp đỡ cán bộ, đảng viên sửa chữa, mà còn khơi dậy được tính tích cực, sức mạnh to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố uy tín, tín nhiệm của Đảng trước Nhân dân.

Thứ tư, “khéo” trong vận dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức kiểm tra.

“Khéo” trong vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức kiểm tra có nghĩa là: Kiểm tra phải có hệ thống, nghĩa là khi nghị quyết đã được ban hành thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ tình hình sinh hoạt và phương pháp làm việc của cán bộ và quần chúng nhân dân ở cơ sở. Có như thế mới có thể phát hiện kịp thời những khiếm khuyết, khó khăn bất cập để sửa đổi và tìm cách giúp đỡ để cải thiện tình hình.

Kiểm tra và kỷ luật phải được tiến hành thường xuyên, chứ không phải lúc làm, lúc bỏ, “đánh trống bỏ dùi”; phải trở thành công việc thường ngày của các cấp ủy đảng (nhất là các đồng chí cán bộ chủ chốt). Mỗi cuộc kiểm tra đều phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng. Thực hiện đúng các nguyên tắc: công khai, công bằng; dân chủ gắn liền với kỷ luật. Trước khi quyết định, có thể thảo luận dân chủ, trao đổi ý kiến một cách rộng rãi. Nhưng một khi đã thống nhất và đi đến quyết định chung, thì mọi người phải nghiêm túc chấp hành. Nếu còn bàn thì phải bàn cách thực hiện cho hiệu quả, nhanh chóng, chứ không phải trì hoãn hoặc phủ định công việc.

Kiểm tra không nên chỉ căn cứ vào giấy tờ báo cáo, ngồi trong phòng mà chờ cấp dưới hoặc đối tượng kiểm tra  báo cáo mà phải đi đến tận nơi, thấy tận mắt. Kiểm tra phải dùng cách thức trung thực tự phê bình và phê bình để làm rõ mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như vậy mới góp phần nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng.

Người cho rằng, kiểm tra, giám sát có hai cách: “Một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình”(6). Cách này sẽ giúp cán bộ lãnh đạo gần dân, sát dân và nắm chắc tình hình thực tế để có những chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cấp dưới.

Theo Người: “Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”(7). Đây là cách tốt nhất để công tác kiểm tra cùng với tự phê bình và phê bình giúp cán bộ lãnh đạo kịp thời sửa chữa những khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Tuy nhiên, hiện nay trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chúng ta mới chỉ thực hiện quy trình kiểm tra từ trên xuống mà chưa có cơ chế và quy trình kiểm tra, giám sát từ dưới lên. Việc cán bộ và Nhân dân góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên đã và đang được triển khai, nhưng nếu có cơ chế, quy trình để thực hiện kiểm tra từ dưới lên như chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chắc chắn hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát sẽ cao hơn.

Thứ năm, “khéo” trong sử dụng cán bộ kiểm tra.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có hình thức, phương pháp kiểm tra đúng là rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định hiệu quả của mỗi cuộc kiểm tra là ở người kiểm tra. Vì hình thức, phương pháp kiểm tra mới chỉ là phương tiện, cái quyết định là ở người sử dụng các phương tiện ấy. Đối với cán bộ lãnh đạo công tác kiểm tra, Người căn dặn: “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”(8).

Thứ sáu, “khéo” trong dựa vào Nhân dân để tiến hành công tác kiểm tra. 

Trong công việc thường ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về cách làm việc có kiểm tra, tôn trọng kỷ luật của Đảng. Dù bận “trăm công nghìn việc” nhưng Người vẫn thường xuyên đến với quần chúng - công nhân, nông dân, bộ đội...; trực tiếp xem và nghe người thật việc thật, trên cơ sở đó hình thành những chủ trương, quyết sách lớn, có liên quan đến vận mệnh của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Phát huy tinh thần xây dựng Đảng của Nhân dân, tăng cường công tác kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”.

Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy, sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại”(9).

Thứ bảy, “khéo” trong thi hành kỷ luật Đảng.

Kỷ luật đảng có tầm quan trọng đặc biệt. Nó đảm bảo cho sự hoạt động bình thường và phát triển của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật”(10). Nội dung của kỷ luật đảng bao gồm: kỷ luật trong nội bộ Đảng, kỷ luật của chính quyền và kỷ luật của các đoàn thể. Người phê phán rất nghiêm khắc một số cán bộ, đảng viên “tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất gì thì làm”, đi không xin phép, về không báo cáo, phớt lờ kỷ luật của các đoàn thể. Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”, ai ai cũng phải phục tùng kỷ luật và chịu các hình thức kỷ luật (nếu như có khuyết điểm, sai lầm). Về vấn đề này, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng rất sâu sắc. Người quan niệm: Người đời ai cũng có khuyết điểm (chỉ có trẻ em mới sinh ra và người chết mới không có khuyết điểm). Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa và cũng sợ những người lãnh đạo không có phương pháp đúng đắn để giúp cán bộ sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm. Mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật đảng. Khi thi hành kỷ luật phải cân nhắc đầy đủ các yếu tố để xử phạt cho đúng: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng. Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”(11).

Khéo kiểm tra không chỉ là để thi hành kỷ luật, mà kiểm tra là để ngăn ngừa khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, giúp tổ chức đảng, đảng viên kịp thời khắc phục, sửa chữa, hạn chế khuyết điểm, vi phạm từ đầu, từ xa, từ sớm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ mối quan hệ giữa dân chủ, đoàn kết với kỷ luật. Đoàn kết - kỷ luật, dân chủ - kỷ luật luôn luôn đi liền với nhau, không tách rời nhau. “Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật… Muốn dân chủ tốt, kỷ luật cao, cán bộ phải gương mẫu phê bình và tự phê bình”(12).

Chỉ từ cách “khéo” kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ hơn tính tất yếu khách quan của công tác kiểm tra, kiểm soát. Người khẳng định đó là một nội dung lãnh đạo, một khâu không thể thiếu trong quy trình lãnh đạo của Đảng. Người đã phân tích rất sâu sắc mối quan hệ giữa kiểm tra với đường lối, chính sách của Đảng. Chính công tác kiểm tra là một nhân tố quyết định để Đảng đề ra được đường lối, chính sách đúng và tổ chức thực hiện thành công đường lối, chính sách đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mục đích của kiểm tra là ngăn ngừa khuyết điểm, sai lầm, phát hiện người tốt, việc tốt là chính. Người đã bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm các hình thức, phương pháp kiểm tra. Công tác kiểm tra phải được tiến hành theo đúng nguyên tắc tổ chức của Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, cụ thể, sâu sát, trực tiếp, phải đến tận nơi, thấy tận mắt; đề cao tính dân chủ, công khai. Coi trọng kiểm tra từ trên xuống và từ cơ sở lên. “Khéo” kiểm tra là phát huy tinh thần xây dựng Đảng của Nhân dân.

Chữ “khéo” trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là “thủ thuật”, càng không phải là sự nhân nhượng, mà là một nghệ thuật lãnh đạo cách mạng. Trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng hiện nay, càng vận dụng tốt chữ “khéo” thì càng giữ được niềm tin, sự đồng thuận và mang lại hiệu quả thực chất. Học Bác từ những điều giản dị nhất – như chữ “khéo” trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng cũng chính là cách Đảng ta nâng cao tầm trí tuệ, bản lĩnh vững vàng để lãnh đạo đất nước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, văn minh và hạnh phúc./.

-----------------------------------------

Ghi chú:

(1), (2), (3), (5), (6), (7), (8), (9), (11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb  CTQG - ST, H.2011, tr.636; tr.301-302; tr.327; tr.328; tr.316; tr.637; tr.325- tr.326; tr.324.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, sđd, tr.23.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, sđd, tr.17.

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, sđd, tr.574.

PGS.TS Lê Văn Cường - Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một nội dung cụ thể về chữ “khéo” trong công tác kiểm tra và kỷ luật đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ “khéo” ở đây không chỉ thuần túy là kỹ năng hay sự khôn ngoan, khéo léo thông thường, mà mang hàm nghĩa vừa đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng cách, vừa đảm bảo hiệu quả công tác kiểm tra mà vẫn giữ được đoàn kết nội bộ, tăng cường uy tín của tổ chức và khiến cho đối tượng kiểm tra “tâm phục, khẩu phục”, Nhân dân đồng tình, ủng hộ.Trong di sản tư tưởng, lý luận về Đảng và xây dựng Đảng hết sức đồ sộ và phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết một cuốn sách chuyên khảo bàn riê

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng

Gửi bình luận của bạn