Bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Người luôn nhấn mạnh vai trò của thanh niên – lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là những người tiên phong trong kiến tạo một môi trường xanh – sạch – đẹp. Bài viết phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, nội dung và các biện pháp bảo vệ môi trường. Vận dụng quan điểm của Người trong công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thanh niên Việt Nam. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

1. Mở đầu

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường, bởi Người thấu hiểu, thiên nhiên gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người. Việc trân trọng và giữ gìn môi trường không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên quý giá mà còn tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai. Người nhấn mạnh, xây dựng môi trường trong lành phải bắt đầu từ những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày đến những chiến lược, chính sách, kế hoạch lớn của quốc gia hướng đến một không gian sống tốt đẹp cho thế hệ hôm nay và mai sau. Điều này không chỉ bảo đảm chất lượng cuộc sống hiện tại mà còn kiến tạo một tương lai xanh, bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường vào công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, đặc biệt là thanh niên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường 

Thứ nhất, sự cần thiết phải bảo vệ môi trường tự nhiên.

Kế thừa quan điểm của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, con người và giới tự nhiên có quan hệ hai chiều, vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn với nhau. Tự nhiên tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của con người và xã hội, tuy nhiên sự tác động đó mang tính tự phát. Còn con người tác động đến tự nhiên theo mục đích của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân và xã hội. Theo Người, môi trường tự nhiên có vai trò rất quan trọng, cung cấp tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống cơ bản tạo điều kiện cho con người tồn tại, phát triển. Mặt khác, Người cũng thấy được những khó khăn, khắc nghiệt mà tự nhiên gây ra cho con người và xã hội như hạn hán, lũ lụt,… Do vậy, con người cần sống hài hòa, trân trọng, thương yêu và nương nhờ vào tự nhiên “hiểu biết thiên nhiên để buộc thiên nhiên phục vụ hạnh phúc loài người”1.

Trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, tài nguyên thiên nhiên là vô giá nhưng không phải vô hạn, do vậy con người cần khai thác, sử dụng hợp lý để bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển bền vững cho hiện tại và cả tương lai. Theo Người, bảo vệ môi trường là trách nhiệm và là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Người là tấm gương điển hình về bảo vệ môi trường, luôn sống hòa hợp với tự nhiên, Người nói “riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu với vòng danh lợi”2. Những quan điểm của Người về vai trò của môi trường và công tác bảo vệ môi trường, sống gần với thiên nhiên là định hướng quan trọng để Đảng và Nhà nước ta kế thừa, phát triển trong quá trình xây dựng đất nước hiện nay.

Thứ hai, nội dung bảo vệ môi trường thông qua hành động bảo vệ, chăm sóc, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tự nhiên là cơ sở và điều kiện tất yếu cho sự tồn tại, phát triển của con người và xã hội. Nhận thức được điều này, Người luôn trân trọng các nguồn tài nguyên như đất, nước, không khí, khoáng sản, tài nguyên rừng… Người nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thủy lợi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường đất và nước, khuyến khích xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ và chỉ làm công trình lớn khi cần thiết.  Trong công tác xây dựng thủy lợi, Người cho rằng “nhất định phải dựa vào lực lượng to lớn của quần chúng nông dân, phải củng cố và phát triển tốt tổ đổi công và hợp tác xã. Cán bộ phải có kế hoạch chu đáo, phải ra sức tuyên truyền giải thích và khéo động viên nhân dân”3

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thiên tai như lũ lụt, hạn hán là “giặc” nguy hiểm, không chỉ tàn phá môi trường mà còn đe dọa đời sống nhân dân. Người nhấn mạnh, con người không thể phó mặc cho may rủi của thiên nhiên mà phải chủ động ứng phó để bảo vệ mùa màng và sinh kế. Vì vậy, Người đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai, chỉ đạo đào kênh mương, chống hạn và đắp đê, củng cố hệ thống đê điều để ngăn lũ. Đồng thời, Người căn dặn Nhân dân luôn sẵn sàng ứng phó với những biến đổi thời tiết, giảm thiểu rủi ro và bảo đảm cuộc sống ổn định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của tài nguyên khoáng sản và tài nguyên rừng, xem đó là nền tảng quan trọng cho sự phát triển đất nước. Người cho rằng, khoáng sản không chỉ cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho các ngành công nghiệp nặng, như: luyện kim, hóa chất, xây dựng mà còn gắn liền với chủ quyền và độc lập dân tộc. Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chính là bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Vì vậy, Người yêu cầu, cần khai thác khoáng sản một cách hợp lý, sử dụng nguyên liệu, vật liệu tiết kiệm, tránh khai thác bừa bãi dẫn đến cạn kiệt tài nguyên gây tác động tiêu cực đến môi trường, cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, Người lên án tình trạng sử dụng tài nguyên lãng phí trong các xí nghiệp, cảnh báo nếu không tiết kiệm nguyên liệu, như: xi măng, sắt, thép, gỗ, than, dầu… đất nước sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến công cuộc xây dựng và phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của tài nguyên rừng. Người coi rừng là “lá phổi xanh” của trái đất, đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu, giữ nước và bảo vệ môi trường. Với nhiều cộng đồng dân tộc, rừng không chỉ là nguồn sống mà còn gắn liền với bản sắc văn hóa. Vì vậy, khai thác và phát triển kinh tế rừng phải đi đôi với công tác bảo vệ rừng như một cách bảo vệ quyền lợi và nơi sinh sống của người dân địa phương. Người khẳng định, phá rừng thì dễ nhưng gây dựng và bảo vệ rừng lại rất khó. Trồng cây không thể làm qua loa mà cần kế hoạch cụ thể, chăm sóc lâu dài để mang lại hiệu quả. Ngoài cải thiện môi trường, rừng còn cung cấp gỗ, củi và bảo vệ đất đai. Vì thế, trồng và bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ môi trường mà còn là chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường không khí trong lành nhằm bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân. Người cho rằng, môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nên cần giữ gìn vệ sinh từ gia đình đến nơi công cộng. Theo Người, nguyên nhân của một số bệnh thường gặp của người dân bắt nguồn từ việc không bảo vệ môi trường đúng cách. Khi thăm tỉnh Sơn La trong kháng chiến chống Pháp, Người chỉ ra nguyên nhân của các căn bệnh, như sốt rét, đau mắt hột, bụng to ở trẻ em chủ yếu do chưa biết cách bảo vệ môi trường. Vì vậy, để có sức khỏe tốt phục vụ lao động, mỗi người cần duy trì vệ sinh cá nhân, ăn uống sạch, nhà cửa gọn gàng, vườn tược ngăn nắp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Người nói “phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch thì mới khỏe; sức càng khỏe thì lao động sản xuất càng tốt”4. Người luôn căn dặn nên tổ chức và phát động phong trào vệ sinh liên tục, tránh tình trạng lúc sôi nổi, lúc lơ là. Mọi người, không phân biệt độ tuổi hay ngành nghề đều phải tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh trong gia đình, nơi làm việc và không gian công cộng.

Người yêu cầu cán bộ, đảng viên cần sâu sát hơn trong lãnh đạo, đề ra những chính sách thiết thực để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường sống, phát triển sản xuất và gìn giữ môi trường tự nhiên. Đồng thời, Người lên án mạnh mẽ tội ác của chủ nghĩa đế quốc và thực dân gây ô nhiễm môi trường tại các nước thuộc địa. Chúng ném bom tàn phá nhà cửa, cây cối, giết hại động vật và sử dụng hóa chất độc hại để hủy diệt con người. Người cũng kiên quyết phản đối việc sử dụng bom nguyên tử, vũ khí hạt nhân, kêu gọi nhân loại loại bỏ các tác nhân gây ô nhiễm và đe dọa sự sống như vũ khí hóa học. Những quan điểm của Người về bảo vệ môi trường trở thành nền tảng quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa và phát triển trong lãnh đạo quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Thứ ba, các biện pháp bảo vệ môi trường tự nhiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với cuộc sống của con người. Vì vậy, việc tuyên truyền giúp người dân hiểu tác hại của ô nhiễm, ý nghĩa của bảo vệ môi trường và khuyến khích họ tham gia tích cực bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết. Người nói: “phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, làm cho đồng bào hiểu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo vệ môi trường tự nhiên”5. Người khẳng định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung, chỉ khi có sự đồng lòng của toàn dân thì mới đạt hiệu quả. Theo Người, cần thay đổi một số thói quen và nề nếp sinh hoạt không thân thiện với môi trường của người dân. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài với sự kiên trì, bền bỉ của cán bộ, đảng viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, nâng cao nhận thức về môi trường, từ đó tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức và hành vi, hướng đến lối sống hòa hợp với thiên nhiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân thực hiện. Đảng cần đề ra đường lối bảo vệ môi trường đúng đắn, phù hợp, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu để Nhân dân học tập và làm theo. Người kiên quyết phản đối tư tưởng quan liêu, khoán trắng, nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ và Nhân dân. Nhà nước cần có chính sách, kế hoạch cụ thể, phù hợp, nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý, giám sát, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đồng thời, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng phải phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến Nhân dân, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc thường xuyên chủ trương phát động các phong trào thi đua. Ngày 6/01/1960, kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Người phát động phong trào “Tết trồng cây” được Nhân dân từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo… hăng hái tham gia trồng cây, gây rừng tạo nên tinh thần đoàn kết mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Người không chỉ kêu gọi Nhân dân tham gia trồng cây, gây rừng mà còn trực tiếp tham gia trồng cây cùng nhân dân, đồng thời dành thời gian đi thăm hỏi, động viên và biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân có thành tích tốt.

Người đặc biệt nhấn mạnh việc gắn kết chặt chẽ giữa “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng rừng lâu dài. Bên cạnh đó, năm 1958, Người khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước” (phong trào diệt ruồi muỗi) được nhân dân cả nước hưởng ứng mạnh mẽ, tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, lan rộng khắp mọi miền đất nước. Ngày nay, trước những thách thức môi trường, việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa thiết thực hướng đến sự phát triển bền vững của Việt Nam.

3. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường trong giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thanh niên hiện nay

Thứ nhất, giáo dục tri thức về môi trường và bảo vệ môi trường.

Thanh niên cần được trang bị hệ thống kiến thức về môi trường bao gồm các yếu tố cấu thành, chức năng, vai trò của môi trường cũng như hệ sinh thái và cơ chế của nó. Đặc biệt, thanh niên cần nhận thức rõ mối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên. Con người là một phần của giới tự nhiên, do đó, con người phụ thuộc vào môi trường để tồn tại và phát triển, do đó, hành động tích cực sẽ góp phần bảo vệ cuộc sống bền vững, trong khi tác động tiêu cực sẽ dẫn đến tổn hại về kinh tế, sức khỏe và môi trường sống.

Thanh niên cần nhận thức rõ thực trạng, nguyên nhân và tác hại của ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề đáng lo ngại như suy thoái và ô nhiễm đất, suy giảm rừng, suy thoái môi trường biển, mất đa dạng sinh học, cùng với ô nhiễm môi trường công nghiệp, đô thị và nông thôn. Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống. Sự suy thoái môi trường đã làm mất cân bằng trong mối quan hệ giữa con người, xã hội và tự nhiên, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Thanh niên cần hiểu rõ những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường bao gồm cả yếu tố tự nhiên và con người. Dù ô nhiễm có thể do phân hủy sinh vật hay khoáng chất tự nhiên, nguyên nhân chính vẫn là hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Đô thị hóa nhanh, khí thải giao thông, chất thải công nghiệp, nước thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt gia tăng, cùng với khai thác tài nguyên bừa bãi và xử lý rác thải kém khiến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều người chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa nhận thức được những tổn hại nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên.

Thanh niên cũng cần hiểu rõ hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường đối với sản xuất và đời sống của con người. Sự tồn tại và phát triển của con người phụ thuộc vào bầu không khí trong lành, nguồn nước sạch, môi trường đất và cảnh quan thiên nhiên. Khi ô nhiễm môi trường xảy ra, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Đồng thời, tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm nước, không khí… làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và nhiều ngành khác. Do đó, phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Thanh niên cần được trang bị nền tảng về đạo đức môi trường để định hướng, điều chỉnh hành vi, xây dựng mối quan hệ hài hòa, tôn trọng và trách nhiệm với tự nhiên. Đạo đức môi trường mang tính lịch sử cụ thể, do đó mỗi thời đại sẽ có những chuẩn mực đạo đức môi trường khác nhau phụ thuộc vào trình độ nhận thức của con người về tự nhiên cũng như lợi ích của họ trong mối quan hệ với môi trường. Hiện nay, các chuẩn mực quan trọng cần trang bị cho thanh niên gồm: tôn trọng và bảo vệ môi trường; gìn giữ khí hậu, đa dạng sinh học; khai thác tài nguyên công bằng; nâng cao ý thức và trách nhiệm pháp lý; hợp tác giải quyết sự cố môi trường; thực hành lối sống sinh thái và nhân văn.

Thanh niên cần được trang bị kiến thức về sử dụng tài nguyên hợp lý, tránh khai thác bừa bãi và lãng phí và biết cách bảo vệ, phục hồi và phát triển môi trường tự nhiên. Họ cũng cần hiểu rõ các biện pháp hạn chế mất cân bằng sinh thái, ngăn chặn ô nhiễm và bảo vệ môi trường lao động, nghỉ ngơi, bao gồm phòng chống thiên tai và tác nhân vật lý có hại cho môi trường sống và lao động. Thanh niên cần được tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến vấn đề môi trường. Việc nâng cao nhận thức, hiểu rõ quy định pháp luật và chủ động trang bị kiến thức sẽ giúp họ có hành động đúng đắn, góp phần bảo vệ và phát triển môi trường bền vững.

Thứ hai, giáo dục tình cảm, niềm tin bảo vệ môi trường.

Thanh niên cần được giáo dục tình yêu thiên nhiên lành mạnh và trong sáng, biết cảm nhận, rung động trước vẻ đẹp và giá trị của tự nhiên, từ đó nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực và khát vọng bảo vệ môi trường. Tình yêu thiên nhiên sâu sắc, mãnh liệt sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ hành động vì môi trường. Họ sẽ ủng hộ hành vi thân thiện với môi trường, lên án, phản đối hành vi gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, họ cũng biết đồng cảm, thấu hiểu trước những mất mát mà thiên nhiên đang phải gánh chịu. Thanh niên cần được giáo dục niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, cũng như tin tưởng vào khả năng xây dựng một thế giới bền vững. Việc học tập, nâng cao nhận thức về đạo đức môi trường giúp họ thay đổi suy nghĩ, hành động và khẳng định rằng bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi chung của mọi người.

Thứ ba, giáo dục hành vi bảo vệ môi trường.

Thanh niên cần hình thành hành vi tích cực trong bảo vệ môi trường, trong đó cao nhất và ý nghĩa nhất chính là sự tự giác từ mỗi cá nhân trong học tập tấm gương sống xanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành lối sống giản dị, tiết kiệm, sử dụng tài nguyên hợp lý và hạn chế rác thải nhựa. Đồng thời, chủ động tham gia phong trào bảo vệ môi trường, trồng cây, gây rừng và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Bên cạnh đó, thanh niên cần tự giác tuân thủ nghiêm túc các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, mạnh dạn đấu tranh, phê phán và lên án những hành vi gây ô nhiễm, sử dụng phương tiện truyền thông lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và toàn xã hội. Đặc biệt, với vai trò là lực lượng tiên phong, cần không ngừng học tập, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xanh và tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo, góp phần xây dựng một tương lai bền vững.

4. Giải pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Một là, xây dựng chương trình giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao hoạt động giáo dục đạo đức, coi đó là nền tảng của sự phát triển bền vững của xã hội. Người nhấn mạnh, lòng yêu nước không chỉ thể hiện qua việc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc mà còn ở việc gìn giữ tài nguyên và môi trường sống. Do đó, cần đưa giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy chính khóa ở tất cả các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tiến hành lồng ghép tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường vào chương trình học giúp hình thành ý thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với môi trường tự nhiên.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Các cơ quan ban ngành, đoàn thể liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong thanh niên bằng nhiều hình thức phong phú và sáng tạo. Tổ chức tọa đàm, hội thảo, cuộc thi sáng tạo và lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào hoạt động Đoàn, Hội giúp nâng cao nhận thức cho giới trẻ. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ, xây dựng nội dung trên website, fanpage, tạp chí điện tử và tận dụng mạng xã hội, như: Facebook, TikTok, YouTube để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường qua video, infographic hấp dẫn. Phát động các phong trào, như: viết bài, sáng tác video, vẽ tranh về môi trường hay chiến dịch trực tuyến như “Challenge for Change”, “Bảy ngày sống xanh”, “Dấu chân xanh”, “Ăn xanh sống khỏe”… sẽ thu hút thanh niên tham gia, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực.

 Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức thanh niên.

Phát huy vai trò của các tổ chức thanh niên là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng thế hệ trẻ có ý thức và trách nhiệm với môi trường. Điều này không chỉ nâng cao nhận thức mà còn thúc đẩy thanh niên tham gia tích cực vào các hoạt động thực tế bảo vệ môi trường. Để làm được điều này, các tổ chức thanh niên cần tăng cường tổ chức các phong trào thanh niên hành động vì môi trường như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Hãy làm sạch biển”, “Trồng cây xanh – Vì một Việt Nam xanh” … Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động dọn dẹp rác thải, bảo vệ nguồn nước, giảm ô nhiễm môi trường và khuyến khích thanh niên thực hành lối sống xanh như hạn chế rác thải nhựa, ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Khi mỗi cá nhân ý thức và hành động, cả cộng đồng sẽ tạo nên một làn sóng tích cực, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, bền vững.

Các tổ chức thanh niên cần tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức liên quan để nâng cao hiệu quả giáo dục và hành động vì môi trường. Phối hợp với nhà trường tích hợp nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy, giúp thanh niên tiếp cận kiến thức bài bản và hình thành ý thức bảo vệ tự nhiên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp tổ chức các chương trình CSR về bảo vệ môi trường, tạo cơ hội để thanh niên tham gia thực tế, đóng góp ý tưởng và hành động vì một môi trường xanh – sạch – đẹp. Kết nối với các tổ chức phi chính phủ (NGOs) mở rộng các dự án bảo vệ môi trường cho thanh niên tham gia nhằm nâng cao trách nhiệm cộng đồng, học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy tinh thần hành động vì sự phát triển bền vững.

Xây dựng cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời, biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tập thể có đóng góp xuất sắc trong bảo vệ môi trường. Tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho thanh niên có sáng kiến và hoạt động tích cực trong lĩnh vực môi trường. Đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào đánh giá đoàn viên, hội viên để khuyến khích thanh niên có trách nhiệm hơn với cộng đồng

Bốn là, nêu gương sáng từ các tổ chức, cá nhân nổi bật.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của phương pháp nêu gương, Người viết “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thấm nhuần tư tưởng đó, đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Đoàn – Hội cần tiên phong trong việc thực hành lối sống xanh, bảo vệ môi trường, làm gương cho thế hệ trẻ. Đồng thời, các chủ thể giáo dục cần lan tỏa tinh thần trách nhiệm bằng cách truyền cảm hứng từ những tấm gương tiêu biểu trong bảo vệ môi trường, như: nhóm Gen Xanh… tạo động lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ chung tay vì một tương lai xanh – sạch – bền vững.

5. Kết luận

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh, các vấn đề môi trường ngày càng phức tạp. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường mới chỉ là bắt buộc chứ chưa phải là việc làm tự giác, là thói quen xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của con người. Ý thức bảo vệ môi trường đúng đắn và lành mạnh phải bắt nguồn từ lợi ích của cả tự nhiên và xã hội. Từ tri thức, quan niệm, tình cảm, niềm tin đến hành vi bảo vệ môi trường của con người đều phải nhằm mục đích bảo vệ tính chỉnh thể, toàn vẹn của hệ thống “tự nhiên – con người -xã hội”. Vì vậy, vấn đề giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa thiết thực và cấp bách. Với những nội dung cơ bản là giáo dục tri thức về môi trường, bảo vệ môi trường, giáo dục tình cảm, niềm tin và hành vi bảo vệ môi trường cho thanh niên sẽ làm thay đổi nhận thức, hành động của họ trong mối quan hệ với tự nhiên, đồng thời giúp cho lực lượng trẻ này biết sáng tạo và ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững.

Chú thích:

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 317, 317.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 576.

4, 5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 82, 82.

Đỗ Thị Thanh Huyền
Trường Đại học Tài chính – Marketing TP. Hồ Chí Minh

1. Mở đầu Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường, bởi Người thấu hiểu, thiên nhiên gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người. Việc trân trọng và giữ gìn môi trường không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên quý giá mà còn tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai. Người nhấn mạnh, xây dựng môi trường trong lành phải bắt đầu từ những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày đến những chiến lược, chính sách, kế hoạch lớn của quốc gia hướng đến một không gian sống tốt đẹp cho thế hệ hôm nay và mai sau. Điều này không chỉ bảo đảm chất lượng cuộc sống hiện tại mà còn kiến tạo một tương lai xanh, bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng

Gửi bình luận của bạn