Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện một cách kiên quyết, đặc biệt trong xử lý các hành vi tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên để răn đe đối với các hành vi sai phạm, vừa giáo dục và cảnh tỉnh đối với toàn thể cán bộ, đảng viên. Tư tưởng của Người về kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực có giá trị to lớn, là kim chỉ nam định hướng cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta. Bài viết tập trung làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kiên quyết đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kiên quyết đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới

1. Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, khi còn bôn ba tìm đường cứu nước, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành hẳn chương VI để viết về “Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị”, trong đó Người đã nhấn mạnh những tác hại khôn lường của hành vi tham nhũng đối với đất nước và đời sống của Nhân dân cũng như kịch liệt lên án và phê phán các hành vi tham nhũng của bọn quan lại người Pháp. Người viết:“Một cựu nghị sĩ đi thăm thuộc địa về, đã phải kêu lên: So với bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những người lương thiện!1Qua đó cho thấy, ngay từ đầu những năm hoạt động cách mạng, Người đã nhận thức sâu sắc về tác hại và những biểu hiện của hành vi tham nhũng được các viên chức thuộc địa thực hiện.

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Người tiếp tục nhấn mạnh những tác hại khôn lường của tham nhũng đối với sự tồn vong của Nhà nước non trẻ và đối với sự phát triển của đất nước:“Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”2. Thông qua các bài viết, bài nói của Người đã thể hiện rõ quan điểm nhất quán, khẳng định mối nguy hiểm của tham nhũng, tiêu cực đối với vận mệnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống và xử lý tham nhũng, tiêu cực có giá trị to lớn ở cả phương diện lý luận và thực tiễn, là kim chỉ nam định hướng cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thay đổi nhanh chóng và phức tạp hiện nay, đặc biệt tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi, quy mô và tính chất phức tạp, khó xác định đang được đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu, từ đó tổng kết, vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công cuộc đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi tiêu cực và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước trong thời gian tới.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực

Xác định tham nhũng một trong những mối nguy hại tác động đến sự tồn vong của đất nước và vai trò lãnh đạo của Đảng “Loại kẻ thù này dù không mang súng đạn, gươm giáo nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, sánh ngang với giặc ngoại xâm, làm cho tổ chức của ta lung lay từ trong nội bộ”3. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ rất sớm đã nhất quán thể hiện tinh thần, ý chí kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tính kiên quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xử lý các hành vi tham nhũng được thể hiện thông qua một số nội dung sau:

Một là, Người xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực tựa như một cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm. Người xác định “phòng chống tham ô, lãng phí quan trọng và cần kíp như đánh giặc trên mặt trận, Đó là trên mặt trận chính trị và tư tưởng”4 tham nhũng, tiêu cực như một loại giặc nội xâm đang âm thầm phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Do đó, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có vai trò quan trọng như một cuộc cách mạng, bởi vì nó thể hiện tinh thần triệt để, muốn xóa bỏ những tàn dư độc hại của chế độ cũ đối với hình thành và phát triển của chế độ mới. Một chế độ mà ở đó không còn tình trạng người làm việc trong bộ máy công quyền mà có những tư lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, của Đảng và niềm tin của Nhân dân. 

Hai là, tính kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên phải được thực hiện ở tất cả các cơ quan, đơn vị, ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện ở tất cả các bộ, ngành, địa phương, từ trung ương đến cơ sở. Người kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, các cấp, các ngành cần đồng tâm, hiệp lực để tẩy trừ tham ô, lãng phí, quan liêu. 

Trước hết là đối với Chính phủ phải thực sự liêm khiết. Tại phiên họp ngày 31/10/1946 của kỳ họp thứ hai Quốc hội (khóa I), khi đọc Lời tuyên bố trước Quốc hội, Người khẳng định: “tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết”5. Trong đó,đối với Chính phủ mà trực tiếp là công an và quân đội cần tích cực đề ra các chính sách, quy định ngăn chặn và phòng, chống tham nhũng, trước hết là trong nội bộ cơ sở. Đối với từng cơ quan của Chính phủ ở bất cứ cấp, bậc hành chính nào cùng cần thực sự phải kiên quyết trong đấu tranh phòng,chống tham nhũng, tiêu cực. Từng cơ quan với đặc thù nhiệm vụ riêng sẽ có những biện pháp riêng biệt để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hay trong bài Quốc hội ta thật vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong chính các đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho tiếng nói và lợi ích của Nhân dân. Người đã nêu lên những nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội “thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội. Làm gương mẫu trong việc thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô”6.

Ba là, kiên quyết đưa ra khỏi đảng và xử lý nghiêm minh các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu uy tín của Đảng đối với Nhân dân và ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là giải pháp cốt lõi, mang tính lâu dài để xóa bỏ tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tinh thần nhân văn của Người được thể hiện thông qua việc ban hành nhiều sắc lệnh. Trong đó chủ trương để cán bộ mắc sai lầm thật thà tự phê bình và phê bình. Điều thứ 11 trong Sắc lệnh số 267-SL năm 1956 do Người ký đã quy định ai tự giác thú tội hoặc đã bị bắt nhưng trước khi xét xử thành thật hối cải, lập công chuộc tội thì có thể được xem xét hưởng khoan hồng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng phải giữ kỷ luật nghiêm từ trên xuống dưới”; đồng thời, “tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra bên ngoài. Khi nhận được đơn xin giảm án của tử tù Trần Dụ Châu (người phạm tội tham nhũng đã được tòa tuyên tử hình), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa con là một việc làm nhân đạo7. Sắc lệnh số 223 ngày 17/11/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành việc truy tố các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, phù lạm, biển thủ công quỹ, thậm chí những đồng phạm, tòng phạm đều phải bị phạt khổ sai từ 5 – 20 năm; phạt tiền gấp đôi, tang vật bị sung công; người phạm tội còn có thể bị tịch thu nhiều nhất là ba phần tư tài sản…

3. Sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi tham nhũng trong bối cảnh mới

Xu thế hội nhập, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, đồng thời, cả nước cùng phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, trong đó nhấn mạnh tạo lập nền tảng để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi tham nhũng lại có một vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là yếu tố cơ bản, nền tảng từ bên trong góp phần đưa đất nước ta phát triển theo hướng bền vững, nhận được sự tín nhiệm và niềm tin tuyệt đối của Nhân dân. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong bối cảnh mới, Đảng đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực một cách kiên quyết. Sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng được thể hiện thông qua các nội dung sau:

Thứ nhất, Đảng thể hiện sự nhất quán trong quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng8

Đặc biệt, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng phải thực sự quyết liệt, kiên quyết nhằm giải quyết triệt để, tận gốc nạn tham nhũng, tiêu cực: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”9Qua đó cho thấy, sự vận dụng và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, từ đó đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII và tiếp tục được đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 50 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nhiều quy định nhanh chóng phát huy hiệu quả trong thực tế. Quốc hội đã ban hành, thông qua 18 luật, 29 nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 126 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương ban hành 18.240 văn bản về các lĩnh vực quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó thể hiện sự kiên quyết trong thực hiện công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đặc biệt là việc hoàn thiện thể chế, quy định để khắc phục tình trạng tham nhũng cũng như xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Thứ hai, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện rộng khắp ở tất cả các bộ, ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Vận dụng và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, ở tất cả các cấp hành chính từ cấp cao nhất là trung ương đến cơ sở. Qua đó, tạo nên sự đồng bộ trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục được phần nào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” tại một số địa phương.

Trong năm 2023, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. 2/3 đảng viên bị xử lý kỷ luật là do sai phạm từ nhiệm kỳ trước đó10. Điều này cho thấy, sự kiên quyết của các cấp ủy đảng từ trung ương đến địa phương trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. 

Thứ tư, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh mới như ngày nay. Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chuyên môn hóa và ngày càng đi vào nền nếp. Ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo Trung ương) do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được sau hơn 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (Ban Chỉ đạo); Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022). Riêng án tham nhũng tăng gần 2 lần về số vụ và hơn 2 lần về số bị can. Đồng thời đã tiến hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm11. Qua đó cho thấy, sự nghiêm minh của Đảng trong đấu tranh phòng,chống tham nhũng, tiêu cực, xác định không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

4. Một số giải pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh mới

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả một số giải pháp quan trọng sau:

Một là, phải đưa Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 09/5/2024 về Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đi vào thực tiễn đời sống. Qua đó,để từng cán bộ, đảng viên rèn luyện, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, đấu tranh phòng chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là giải pháp quan trọng và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải pháp chủ yếu nhất xóa bỏ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng.

Hai là, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Nhân dân, các cơ quan báo chí trong tham gia phát hiện, tố giác và đấu tranh với các hành vi tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Huy động được sức mạnh của toàn dân và nguồn lực từ các cơ quan báo chí vào cuộc sẽ giúp phát hiện từ sớm những hành vi tham nhũng, tiêu cực, từ đó có thể nhanh chóng đưa ra ánh sáng đối với các hành vi tham nhũng, hạn chế thấp nhất những hệ quả mà hành vi này mang lại cho xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của Đảng cũng như niềm tin của Nhân dân. 

Ba là, tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng,chống tham nhũng và xử lý các hành vi tham nhũng. Từ đó khắc phục tình trạng lợi dụng những khoảng trống về quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện quy định về xử lý các hành vi tham nhũng thực sự mang tính răn đe đối với các hành vi tham nhũng và cũng là cảnh tỉnh và giáo dục đối với các đối tượng khác.

Bốn là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và từ chính từng cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tự giác tu dưỡng, rèn luyện nhằm quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã từng xuất hiện tại một số địa phương, đồng thời, tạo sự tự giác tu dưỡng trong chính từ cán bộ, đảng viên trong rèn luyện đạo đức cách mạng đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

5. Kết luận

Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ rất sớm đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan điểm về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là khẳng định tính kiên quyết của Người đối với việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, định hướng cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới. Do đó, Đảng tiếp tục nghiên cứu và tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người phù hợp với tình hình điều kiện thực tiễn của đất nước, để vững bước đưa đất nước tiến tới một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chú thích: 
1. Toàn văn tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. https://www.bqllang.gov.vn/chu-tich-ho-chi-minh/tac-pham/789-b-n-an-ch-d-th-c-dan-phap.html?start=7
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 140 – 141.
3. V. I. Lê-nin toàn tập (1977). Tập 36. NXB Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 346.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 40.
5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 361 – 362.
6. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 478.
7. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 624.
8. Hồ Chủ tịch y án tử hình Trần Dụ Châu. https://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/682-h-ch-t-ch-y-an-t-hinh-tr-n-d-chau.html
9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 145, 145.
11. Nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII: Hơn 1.000 tổ chức đảng, gần 52.000 đảng viên bị kỷ luật.https://vtv.vn/chinh-tri/nua-dau-nhiem-ky-dai-hoi-xiii-hon-1000-to-chuc-dang-gan-52000-dang-vien-bi-ky-luat-20230927115008758.htm
12. 105 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII.https://plo.vn/105-can-bo-dien-trung-uong-quan-ly-bi-ky-luat-tu-dau-nhiem-ky-dai-hoi-xiii-post774811.html

TS. Hoàng Văn Tú
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, khi còn bôn ba tìm đường cứu nước, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành hẳn chương VI để viết về “Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị”, trong đó Người đã nhấn mạnh những tác hại khôn lường của hành vi tham nhũng đối với đất nước và đời sống của Nhân dân cũng như kịch liệt lên án và phê phán các hành vi tham nhũng của bọn quan lại người Pháp. Người viết:“Một cựu nghị sĩ đi thăm thuộc địa về, đã phải kêu lên: “So với bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những ngư

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng

Gửi bình luận của bạn